Tổng Thư ký VPSF: "Tăng thuế VAT, giảm thuế thu nhập" là cách làm phù hợp với xu hướng thế giới

21/08/2017 09:12 AM | Kinh tế vĩ mô

"Khi người dân được giảm thuế thu nhập, họ đã chi tiêu nhiều hơn hẳn. Thuế VAT là phần tiền thu từ giá trị gia tăng của mỗi giao dịch mua bán, từ đó cũng sẽ tăng lên nếu người dân mua bán nhiều hơn. Nhìn tổng thể, nguồn thu thuế của Nhà nước đã trở nên dồi dào hơn chính nhờ tăng thuế VAT."

'VAT' có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các mặt báo thời sự, kinh tế những ngày qua. Đề nghị nâng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) thông thường từ mức 10% lên 12% của Bộ Tài chính ra khiến cả giới chuyên gia và dư luận phải xôn xao.

Bên lề buổi hội thảo của Bộ Công Thương mang tên Cách mạng công nghiệp 4.0 - Tác động tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF). Đề cập tới chuyện tăng thuế VAT, ông Giám khẳng định: "Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT lên 12%".

'Xu hướng thế giới: giảm thuế thu nhập, tăng thuế tiêu thụ! Ở Châu Âu, VAT còn lên đến 21%'

Tại sao nên tăng thuế VAT? Lý do là vì việc tăng thuế này phù hợp với 'tư duy đánh thuế' đang được áp dụng trên thế giới.

Trong học thuật, có một vấn đề kinh điển về thuế, đồng thời cũng chính là câu hỏi nhiều Chính phủ phải trả lời là: Nên đánh thuế thu nhập nhiều hơn, hay đánh thuế tiêu thụ (bao gồm có cả VAT) nhiều hơn thì tốt?

Xu hướng trên thế giới hiện tại chính là giảm thuế thu nhập, tăng thu thuế tiêu thụ. Vị Tổng thư ký VPSF kể đến các ví dụ đang hiện hữu trên thế giới: "Ở nhiều nước, họ đã áp dụng được công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả. Tôi lấy ví dụ như có những nước họ miễn thuế thu nhập hoàn toàn, ví dụ như miễn thuế thu nhập cá nhân ở Monaco, ở Luxembourg.

Thế nhưng họ vẫn không thể bỏ được thuế giá trị gia tăng. Thậm chí, tất cả các nước Tây Âu trong cộng đồng liên minh châu Âu đều có mức thuế giá trị gia tăng phổ biến lên đến 21%" - Ông Giám cho biết.

Tại sao giảm thuế thu nhập, tăng thuế VAT lại hiệu quả hơn? Ông Giám giải thích chính khi người dân được giảm thuế thu nhập, họ đã chi tiêu nhiều hơn hẳn. Thuế VAT là phần tiền thu từ giá trị gia tăng của mỗi giao dịch mua bán, từ đó cũng sẽ tăng lên nếu người dân mua bán nhiều hơn.

Nhìn tổng thể, nguồn thu thuế của Nhà nước đã trở nên dồi dào hơn chính nhờ tăng thuế VAT.


Thuế suất VAT ở các nước tại châu Âu

Thuế suất VAT ở các nước tại châu Âu

Còn Việt Nam thì sao? Thực ra, nước ta cũng đang trong xu hướng này của thế giới và việc liên tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chính là minh chứng. Vì thế động thái muốn tăng thuế VAT lần này của Bộ Tài chính là rất bình thường, theo ông Giám.

Thậm chí, nếu giải thích chặt chẽ hơn thì chúng ta cũng có thể tìm ra những lý do hợp lý để tăng thuế VAT ở Việt Nam.

Cụ thể, triết lý căn bản của thuế thu nhập là 'lấy của giàu chia cho người nghèo', thể hiện qua việc người có thu nhập càng cao thì có thuế suất càng cao, người có thu nhập càng thấp thì thuế suất càng thấp.

Tuy nhiên, theo ông Giám thì ở nước ta, nhiều khi thuế thu nhập đã không phản ánh đúng điều trên. Ví dụ, một người đóng thuế trên mức lương chính thức công ty trả là 5 triệu đồng, tuy nhiên tổng thu nhập người đó có từ các nguồn không chính thức khác lên đến 50 triệu đồng, vậy thì thu thuế thu nhập như thế nào?

Trong tình huống này, rõ ràng đánh thuế trên các giao dịch mua bán, như thuế VAT, sẽ là lựa chọn tốt hơn. Người có thu nhập cao sẽ mua sắm nhiều hơn, kéo theo tiền thuế phải đóng nhiều hơn và vấn đề thất thu thuế sẽ được giảm bớt.

Một điều 'không thể không làm', nếu nhìn vào bức tranh ngân sách

Theo ông Đào Huy Giám, việc tăng thuế VAT lên 12%, dù có phần miễn cưỡng, nhưng là một điều 'không thể không làm', nếu nhìn vào những điểm nóng hiện tại của bức tranh ngân sách.

"Tăng từ 10% - 12% trong bối cảnh Nhà nước cũng không thể không tăng, có một phần là miễn cưỡng, nhưng là cần thiết bởi chúng ta đang chịu những hệ quả do lịch sử để lại" - Tổng thư ký VPSF nói.

Những 'hệ quả do lịch sử để lại' ở đây ông Giám nhắc chính là câu chuyện nợ công cao, chi thường xuyên vượt quá cả phần thu ngân sách. Theo ông, các khoản chi đầu tư phát triển không có nguồn, và việc tăng thuế VAT để tăng nguồn thu ngân sách là cần thiết.


Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF

Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF

Tổng Thư ký VPSF cũng nhận định rằng tăng thuế VAT sẽ không mâu thuẫn với mục tiêu của một Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, điều này còn có thể xác lập một dấu mốc rằng chúng ta đã tiếp nhận sâu hơn với các tư duy về thuế trên thế giới và bắt đầu sử dụng thuế như một công cụ hiệu quả hơn để điều hành nền kinh tế.

"Ở một nước mới phát triển ở mức thấp như Việt Nam thì công cụ thuế vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, mức thuế giá trị gia tăng vẫn còn thấp. Trong khi đó nhiều nước có hệ thống thuế linh hoạt, hiệu quả hơn. Nhiều nước ở châu Âu có thuế suất VAT lên đến 21%" - ông Đào Huy Giám kết luận.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM