'Phở 4.0' Yên Bái, 'lẩu 4.0’ Bình Dương: Tương lai những người làm bồi bàn, phục vụ thất nghiệp bởi công nghệ sẽ không còn xa ở Việt Nam?
Quán phở TechRes ở Yên Bái được báo chí mấy ngày nay, hay quán lẩu Nabe King ở Bình Dương là ví dụ cho một trào lưu đang lên trong kinh doanh nhà hàng
Cách mạng công nghiệp 4.0, bỏ qua những thuật ngữ phức tạp như robot, AI…., thì có thể hiểu đơn giản là cách công nghệ có mặt trong từng khía cạnh của cuộc sống: Bạn có thể điều khiển vật dụng xung quanh mình bằng giọng nói, có thể được chăm sóc tận tình trong một cửa hàng mà không cần con người, chỉ nhờ các máy móc…
Nếu hiểu theo cách này thì một quán phở độc đáo, với toàn bộ các khâu từ gọi phở cho đến bưng bê, phục vụ đều sử dụng máy móc với những công nghệ tự động hiện đại, không cần con người tham gia, có lẽ sẽ xứng đáng với danh xưng ‘Phở 4.0’.
Một quán ‘phở 4.0’ như vậy đã chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó không hề nằm ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mà lại ở tỉnh nằm phía Tây Bắc của đất nước là Yên Bái.
Từ quán 'phở 4.0' ở Yên Bái: Điều khiển từ xa, phở từ chạy ra mời khách, được hỏi mua giá 350 triệu đồng nhưng quyết không bán
Chia sẻ trên báo chí nhiều ngày trước đây, anh Lâm - một thực khách – kể lại trải nghiệm đi ăn phở thú vị của mình tại một quán phở ở đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái thuộc tỉnh Yên Bái.
Dừng chân tại quán phở, điều anh Lâm mong muốn đơn giản chỉ là một bát phở gà đùi nước trong, không có mì chính và ít bánh phở. Tuy nhiên, điều đầu tiên làm anh bất ngờ là bố trí lạ mắt của quán phở này.
Cũng có các dãy bàn ăn được kê song song, thế nhưng khác với những quán phở khác, quán phở tại Yên Bái này có thêm một đường băng bằng gỗ, nhìn giống như một băng chuyền, với chiều rộng khoảng 40 cm và chiều cao cách mặt đất khoảng 1m.
Bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác. Chọn món phở xong, anh rất ngạc nhiên khi thấy cô chủ quán cầm iPad để order phở từ ngoài quầy vào nhà bếp. Một lúc sau, anh thấy 2 bát phở chạy chầm chậm từ trong bếp ra trên đường ray băng chuyền và dừng lại đúng bàn của mình. Băng chuyền ở độ cao vừa tầm với, anh dễ dàng bưng 2 bát phở mình đã gọi xuống bàn.
Quán phở mang tên TechRes
Hỏi ra thì anh Lâm mới biết cửa hàng phở này sử dụng một hệ thống tự động được vận hành bởi 2 chiếc iPad và băng chuyền để phục vụ các khách hàng. Việc order, gọi phở sẽ được thực hiện trên iPad thứ nhất; bếp sẽ nhận thông tin từ iPad thứ hai và nấu phở.
Còn băng chuyền chở bát phở ra đúng bàn cho khách thì được kết nối bluetooth với iPad thứ hai ở trong bếp. Chỉ cần đặt bát phở lên máy, bấm iPad trong nhà bếp là băng chuyền sẽ tự chạy đến số bàn của khách đã đánh số thứ tự.
Với tất cả sự tự động hóa, không cần bàn tay con người này, chị Hương - chủ quán phở tiết lộ rằng đã từng có một vài người miền Nam tới Yên Bái xem và ngỏ lời mua lại quán phở của chị với giá 15.000 USD, tuy nhiên chị quyết định không bán.
Tìm hiểu xong về quán phở đặc biệt, với bát phở ngay trước mắt, anh Lâm quyết định thưởng thức. Nước phở rất ngon, trong, gà mềm chẳng khác gì một quán phở ngon bình thường.
Cộng với một cung cách phục vụ rất mới lạ, không cần con người, quán phở tại thành phố Yên Bái này có lẽ xứng đáng được xếp hạng cao hơn mức ‘tốt’, nếu như các thực khách như anh Lâm phải đưa ra sự đánh giá.
Đến 'quán lẩu' 4.0 ở Bình Dương, ngành kinh doanh nhà hàng và mối lo: Chạy bàn là nghề tiếp theo sẽ biến mất!
Nói một cách rộng ra thì quán phở '4.0' của chị Hương ở Yên Bái cũng chính là biểu hiện của trào lưu áp dụng công nghệ vào đời sống đang ngày càng rộng rãi.
Điều gì con người cần lo lắng nếu từ trào lưu này? Giống như tin về một nhà máy ở Bình Dương đã phải cho 90% công nhân nghỉ việc mà báo chí từng đưa trước đây, đó chính là nỗi lo mất việc dành cho con người: những công việc đơn giản, có tính lặp đi lặp lại sẽ biến mất do máy móc làm thay cho con người.
Thực khách ở phán phở tại Yên Bái
Như quán phở ở Yên Bái thì cứ theo như mô hình hoàn toàn tự động được miêu tả thì có lẽ quán sẽ không cần đến một nhân viên nào, hoặc chỉ một số lượng rất ít nhân viên khi quán đông khách mà thôi. Chính chị Hương chủ quản cũng thừa nhận: “Nhờ mô hình bán hàng tự động, tôi giảm được bớt nhân công lao động; đồng thời quản lý lượng phở bán ra dễ dàng hơn".
Không chỉ có quán phở ở Yên Bái, nhiều quán ăn, nhà hàng khác trên khắp Việt Nam cũng đang ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình, qua đó làm cho những công việc vốn trước kia thuộc về con người dần biến mất.
Ví dụ, ở Bình Dương, người ta cũng thấy quán lẩu Nabe King, nằm trong khu mua sắm AEON Mall Bình Dương giống như một quán ‘lẩu 4.0’. Quán bố trí iPad ở mỗi bàn, khách có thể nhanh chóng gọi bất kì thứ gì họ thích, từ các món chính cho đến tráng miệng và nước uống thông qua iPad mà không phải nhờ đến nhân viên hay phải chờ đem menu tới bàn như truyền thống.
Cũng từ chiếc iPad này, khách hàng cũng có thể gọi phục vụ, gọi tính tiền, thanh toán hóa đơn mà không cần phải ‘la toáng lên’ như trong các nhà hàng bình thường- một cách làm rất văn minh.
Cũng từ đó, nhân viên trong quán sẽ chỉ có duy nhất công việc bê đồ ăn ra và ra thu tiền của khách; những chức năng thường thấy của một người phục vụ bàn đã dần bị mất đi.
Quán lẩu 4.0 ở Bình Dương. Nguồn: Tinhte.vn
Trên thế giới, bộ mặt ngành kinh doanh nhà hàng đã có những thay đổi đáng kể nhờ sự có mặt của công nghệ. Những nhà hàng sushi băng chuyển, lẩu băng chuyền, bên cạnh đem lại cảm giác trải nghiệm món ăn mới mẻ cho thực khách, thì còn giúp nhà hàng giảm đáng kể được lượng nhân công làm những công việc giản đơn chính là ví dụ.
Ở nhiều hệ thống nhà hàng lớn trên thế giới, iPad được dùng để đặt món như quán Nabe King nói trên đã trở thành chuyện thường ngày. Người ta cũng dùng một ứng dụng mang tên iMenuCart, có chức năng tích hợp đồng thời cả gọi món, thanh toán, phản hồi ý kiến dành cho cả các khách hàng ngồi tại nhà hàng hoặc gọi món tại nhà. Sự thật là iMenuCart đã 'bức tử' rất nhiều công việc giản đơn của một người bồi bàn trước nay vẫn làm.
Giao diện một ứng dụng iMenuCart
Để biết việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, các nhà hàng có thể nhìn vào chuỗi cà phê Starbucks hàng đầu thế giới.
Là không sai khi nói gã khổng lồ này có được tầm vóc như ngày nay chính nhờ vào việc biết tự động hóa ở mức tối đa. Chỉ là một hãng cà phê nhưng Startbucks hiện sở hữu một đế chế thanh toán trên di động, với lượng sở hữu 1/4 trên tổng số các giao dịch thanh toán online của người Mỹ.
Sở dĩ con số này lớn như vậy là vì người dùng không chỉ thanh toán mà còn có thể order cà phê, gọi ship cà phê đến tận nơi thông qua ứng dụng này. Điều đáng nói, cả một chu trình tổng hợp phức tạp là như vậy nhưng không hề cần thiết có bóng dáng con người tham gia.
Đế chế thanh toán qua ứng dụng di động của Starbucks