Tổng thống Obama có lẽ phải an ủi bà Merkel sau thông tin này

05/07/2016 14:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Nền kinh tế Châu Âu và Mỹ có độ lớn khá tương đồng, nhưng tổng mức vốn hóa thị trường của 500 công ty hàng đầu Châu Âu hiện chỉ bằng 1/2 so với 500 hãng hàng đầu Mỹ.

Sự kiện Brexit gần đây đang làm cho cả thế giới phải lo ngại cho tình hình ở Châu Âu, nhưng có một sự thật rằng dù không có Brexit, vị thế của các doanh nghiệp Châu Âu đã không còn được như trước.

Sau một thập niên tăng trưởng chậm, vị thế của các doanh nghiệp Châu Âu đã giảm mạnh một cách đáng báo động. Xếp hạng của các công ty hàng đầu tại đây đã suy giảm mạnh trên các bảng xếp hạng ngay cả trước khi Brexit xảy ra.

Năm 2006, các công ty Châu Âu chiếm 16/50 trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. Hiện nay, lục địa này chỉ chiếm 7/50. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 31/50 của Mỹ và thậm chí là 8/50 của Trung Quốc.

Rõ ràng, thời hoàng kim của khu vực kinh tế Châu Âu đã qua.

Vào đầu thập niên 2000, các công ty Châu Âu trỗi dậy như một thế lực đối đầu với các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là khi kinh tế Nhật bản gặp khó khăn khiến những tập đoàn đa quốc gia tại đây bị giảm tốc tăng trưởng.

Thậm chí vào trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, doanh thu và lợi nhuận của các công ty Châu Âu còn vượt qua cả các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi hàng loạt những ông lớn sừng sỏ như AB Inbev, HSBC, Vodafone hay BNP Paribas chịu thiệt hại nặng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cũng như gặp nhiều vấn đề về đường lối phát triển cũng như quản lý.

Trong số 24 ngành kinh tế chủ chót, chỉ duy nhất hãng Nestle của Châu Âu trong mảng thực phẩm là còn giữ được phong độ và đứng trong hàng ngũ những ông lớn của ngành.

Trái lại, những tập đoàn nổi tiếng khác của Châu Âu giờ đây đang ngày càng yếu thế trước các đối thủ từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Ví dụ, tổng mức vốn hóa của Unilever hiện chỉ bằng 3/4 so với P&G, trong khi Airbus chỉ bằng 1/2 so với Boeing còn Siemens chỉ bằng 1/3 so với General Elecric. Ngân hàng Deutsche Bank có tổng mức vốn hóa chỉ bằng 1/10 so với JP Morgan Chase còn Walmart thì lớn gấp 10 lần so với Tesco hay Carrefour.

Nền kinh tế Châu Âu và Mỹ có độ lớn khá tương đồng, nhưng tổng mức vốn hóa thị trường của 500 công ty hàng đầu Châu Âu hiện chỉ bằng 1/2 so với 500 hãng hàng đầu Mỹ. Lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp đứng đầu Châu Âu cũng thấp hơn 50-65% so với các đồng nghiệp tại Mỹ.

Tình bình quân, mỗi doanh nghiệp Mỹ có tổng trị giá khoảng 18 tỷ USD với lợi nhuận trong năm 2015 đạt 746 triệu USD. Trong khi đó, bình quân mỗi doanh nghiệp Châu Âu có tổng trị giá khoảng 8 tỷ USD với lợi nhuận năm 2015 chỉ đạt 440 triệu USD.

Châu Âu thời đỉnh cao

Vào thập niên 80, các doanh nghiệp Châu Âu cũng đã từng sa sút do sự ngăn sách giữa các quốc gia, sự kiểm soát của chính phủ cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty bảo hiểm với ngân hàng khiến dòng vốn bị thắt chặt đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 80, ý tưởng thống nhất thị trường Châu Âu, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh hơn nữa và thu hút thêm nhà đầu tư đã cải biến mọi thứ. Việc Liên minh Châu Âu (EU) tăng cường hợp tác và khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được thành lập đã khiến hàng loạt những công ty hàng đầu Châu Âu tăng cường mở rộng thị trường cũng như vị thế trên toàn cầu.

Sự cải cách này ngày càng được nhân rộng vào thập niên 90 và đầu thập niên 2000. Hàng loạt những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng như những tập đoàn xuyên quốc gia được thành lập, như Sanofi-Aventis, Total FinaElf, Air France-KLM.

Đồng thời với đó, các doanh nghiệp Châu Âu cũng mở rộng thị trường ra toàn cầu. Tại Tây Ban Nha, liên hợp các hàng Telefonica, Santander, Repsol và BBVA đã hợp tác đầu tư vào Châu Mỹ Latinh nhằm biến nơi đây thành thị trường chủ chốt thứ 2 của mình. Trong khi đó, hãng BP mua lại Amoco, Vivendi mua lại Seagram và Unilever mua lại Best Foods nhằm mở rộng thị trường tại Bắc Mỹ.

Thậm chí, vị thế Thung lũng Silicon, thánh địa công nghệ của Mỹ cũng bị các hãng Châu Âu đe dọa khi trước thập niên 2000, viễn thông và công nghệ di động là sân nhà của các doanh nghiệp Châu Âu. Thời kỳ đó, Nokia, Ericsson và Alcatel còn là những công ty có tổng mức giá trị lớn nhất thế giới.

Một đế chế già nua

Vậy chuyện gì đã xảy ra với các ông lớn ở Châu Âu?

Một số chuyên gia cho rằng khủng hoảng tài chính 2008 và tốc độ tăng trưởng chậm sau đó đã ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại không kém và đây không thể nói là lý do duy nhất khiến các hãng Châu Âu thất thế trước Mỹ.

Ngoài ra, việc đồng USD mạnh lên khiến các doanh nghiệp Mỹ làm ăn có lãi hơn trên thị trường nội địa nhưng cũng khiến họ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, đồng USD mạnh cũng không phải nguyên nhân duy nhất.

Thay vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc các công ty Châu Âu lựa chọn nhầm ngành kinh doanh là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp tại đây bị thất thế. Theo đó, các ông lớn ở đây tập trung quá nhiều vào những ngành kinh doanh truyền thống như hàng hóa nguyên vật liệu, ngũ cốc hay thép kim loại. Những ngành kinh tế kỹ thuật thấp này thường sẽ chịu thiệt hại nặng khi có biến động trên thị trường, nhất là khi những nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc trỗi dậy.

Trong khi đó, ngành ngân hàng nổi tiếng của Châu Âu lại chịu ảnh hưởng đáng kể trước những quy định mới trên thị trường tài chính sau khủng hoảng 2008, qua đó hạn chế mảng tín dụng xuyên biên giới.

Tại mảng công nghệ kỹ thuật, khu vực Châu Âu không hề sáng tạo ra được một công ty nào mới có bước đột phá như Facebook hay Google. Kể từ đầu năm 2000, những ông lớn trong ngành viễn thông Châu Âu có quá ít sự cải tiến trong công nghệ và điều này khiến hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ cùng ngành vượt mặt mà điển hình là ví dụ về cái chết của Nokia với sự trỗi dậy của Apple.

Thậm chí, những công ty công nghệ cùng thời với các ông lớn như Nokia là Microsoft hay Cisco của Mỹ cũng biết cách thay đổi và tiến bộ theo thời thế để tồn tại, nhưng các hãng Châu Âu thì có vẻ không thích sự cải tiến cho lắm.

Một nguyên nhân nữa khiến các công ty Châu Âu thất thế trước Mỹ là họ chọn sai thị trường đầu tư chủ chốt. Theo đó, Châu Âu lựa chọn những thị trường mới nổi làm hướng đi đột phá. Số liệu của Morgan Stamley cho thấy 31% doanh thu của các hãng hàng đầu Châu Âu đến từ các thị trường mới nổi, trong khi tỷ lệ này của các công ty Mỹ chỉ là 17%.

Hậu quả tất yếu là khi những thị trường mới nổi giảm tốc, đặc biệt là Trung Quốc thì hàng loạt các doanh nghiệp Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề, từ ngành ngân hàng đến rượu bia hay các hãng thời trang xa xỉ.

Ngoài ra, việc các công ty Châu Âu giảm tốc M&A trong khi đây là xu thế mới trên toàn cầu đã khiến vị thế của các hãng tại châu lục này giảm đáng kể. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng với những vấn đề về nợ công hay các biến động về chính trị như Brexit mới đây đã buộc hàng loạt các công lớn phải giảm chi tiêu cho M&A. Bên cạnh đó, lợi nhuận không khả do sự giảm tốc của các thị trường mới nổi chủ chốt cũng khiến những nhà quản lý Châu Âu thắt chặt hầu bao hơn.

Số liệu mới đây cho thấy tỷ lệ thực hiện các thương vụ M&A của những công ty Châu Âu đã giảm từ mức 1/3 trước khủng hoảng 2008 xuống 1/5 hiện nay. Trái ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ lại tích cực M&A và tăng cường vị thế độc tôn của mình tại thị trường nội địa.

Cuối cùng, việc những nhà quản lý Châu Âu không thực sự quan tâm nhiều tới lợi ích của cổ đông như những công ty Mỹ khiến họ mất dần sức thu hút đối với nhà đầu tư. Mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (ROE) cũng như tỷ lệ chia cổ tức hay chính sách mua lại cổ phiếu của các công ty Châu Âu thường ít hơn so với các đồng nghiệp Mỹ. Đây cũng là lý do mức lợi nhuận kỳ vọng cũng như số tiền đầu tư vào doanh nghiệp Châu Âu thấp hơn tại Mỹ.

Từ kẻ mạnh biến thành con mồi

Mặc dù xét theo những con số trên, các doanh nghiệp Mỹ lớn hơn Châu Âu nhưng điều này không hoàn toàn đúng với vị thế trên thị trường toàn cầu.

Nhiều công ty hàng đầu Mỹ có mức vốn hóa lớn nhưng chủ yếu kinh doanh tại thị trường trong nước, như AT&T hay Berkshire Hathaway. Thậm chí nhiều hãng có kết quả kinh doanh tốt chủ yếu là nhớ doanh thu trong nước nhưng mảng quốc tế lại khá yếu.

Tập đoàn P&G có mức vốn hóa lớn hơn Unilever nhưng nếu xét riêng mảng thị trường mới nổi, hãng P&G có vẻ yếu thế hơn so với đồng nghiệp tại Châu Âu.

Đặc biệt, ngành công nghệ tại Đức có vị thế chủ đạo đối với một số sản phẩm kỹ thuật cao mà không hề có những tập đoàn với mức vốn hóa hàng chục tỷ USD như Mỹ. Rõ ràng, những con số về doanh thu, mức vốn hóa hay lợi nhuận không phản ánh hết được vị thế của các công ty cũng như sự đối đầu giwuax Mỹ và Châu Âu.

Tuy vậy, quy mô của doanh nghiệp đi xuống tại Châu Âu vẫn là mối rủi ro đáng kể với Châu Âu. Hiện phần lớn những khoản đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) tại đây là được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia. Trong bảng xếp hàng 50 tập đoàn đầu tư nhiều nhất vào R&D, Châu Âu chỉ chiếm 13 doanh nghiệp, giảm so với 19 công ty vào năm 2006 và thấp hơn mức 26 tập đoàn của Mỹ.

Thêm vào đó, việc suy giảm quy mô cũng như vị thế khiến các công ty Châu Âu trở thành miếng mồi ngon cho các thương vụ M&A. Năm 2014, hãng GE mua lại phần lớn cổ phần của Alstom, biểu tượng của sức mạnh công nghệ kỹ thuật tại Pháp.

Trong số những công ty của chỉ số FTSE 100 (tập hợp 100 hãng có mức vốn hóa lớn nhất) tại Anh, khoảng 1/5 doanh nghiệp đã nhận được đề nghị mua lại hoặc bị coi là đối tượng M&A trong vòng 3 năm qua, bao gồm Astra Zeneca, BP, IHG...

Hơn nữa, các công ty Mỹ ngày càng có hứng thú với các doanh nghiệp Châu Âu do họ có thể tận dụng ưu đãi thuế ở đây nhằm bảo vệ các khoản lợi nhuận trước mức thuế quá cao tại Mỹ.

Một yếu tố nữa khiến các chuyên gia đang quan tâm tại Châu Âu là những hiệp định tự do thương mại. Yếu tố này có thể thúc đẩy các dòng vốn cũng như đầu tư, nhưng đôi khi chúng lại phản tác dụng do liên quan đến những vấn đề chính trị.

Hàng loạt doanh nghiệp Châu Âu hiện đang vào tầm ngắm của các hãng Trung Quốc, trong khi chính quyền Bắc Kinh lại thắt chặt quy định đầu tư từ nước ngoài cũng như thiên vị công ty trong nước trên thị trường nội địa.

Trong năm 2015, tập đoàn quốc doanh ChemChina đã mua liên tiếp hãng Pirelli của Italy và Syngenta của Thụy Sĩ, qua đó khiến các chính trị gia Châu Âu lo ngại về khả năng “thua cuộc” trên chiến trường kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến việc một công ty Trung Quốc đấu thấu mua lại hãng Kuka của Đức gặp phải chỉ trích kịch liệt từ chính giới.

Bên cạnh đó, việc tự do thu hút đầu tư cũng khiến Châu Âu phải đau đầu với nạn trốn thuế của các tập đoàn lớn như Google. Hơn thế nữa, các quy định về chống độc quyền cho thấy Châu Âu đang tìm cách bảo vệ thị trường nội địa trước sự xâm lăng mạnh mẽ từ các tập đoàn Mỹ.

Thêm vào đó, phong trào dân tộc, dân túy và chủ nghĩa cực đoan đang khiến Châu Âu ngày càng rối loạn. Đáng lẽ nhiều thương vụ M&A giữa những công ty Châu Âu có thể thành công và thúc đẩy kinh doanh tại đây nếu không có sự can thiệp từ chính trị.

Năm 2012, hãng Airbus đã cố gắng mua lại BAE System của Anh nhưng thương vụ này đã thất bại do sự phản đối từ các chính trị gia. Năm 2015, thương vụ sáp nhập giữa hãng xi măng nổi tiếng của Pháp Lafarge và đối thủ Holcim của Thụy Sĩ cũng đang bị đình trệ cho tới hiện nay. Trong khi đó, sự kiện Brexit mới đây có thể khiến kế hoạch mua lại sàn chứng khoán London của hãng Deutsche Borse bị hủy.

Những khó khăn trong M&A tại Châu Âu không phải là điều mới mẻ. Trong số 50 thương vụ M&A lớn nhất trong 20 năm qua tại đây, có đến 1/3 là bị đổ bể và những thương vụ còn lại thường tốn rất nhiều tiền bạc cũng như thời gian để hoàn thành.

Thời gian gần đây, một số tập đoàn Châu Âu vẫn tăng cường M&A. Ví dụ như hãng Shell đã mua lại đối thủ BG vào năm 2015 và trở thành một trong những hãng dầu khí hàng đầu thế giới. Trong khi đó, ông chủ của Vivendi là Vincent Bolloré đang muốn xây dựng một đế chế truyền thông mới trên toàn Châu Âu nhằm đối trọng lại tỷ phú Rupert Murdoch (chủ sở hữu của Twentieth Century Fox và The Wall Street Journal) hay Netflix.

Dẫu vậy, để thay đổi được tình hình hiện nay, Châu Âu phải hạn chế hơn lối suy nghĩ tiêu cực về chủ nghĩa dân tộc cũng như quan điểm cứng rắn về độc quyền. Trong khi ở Mỹ, họ tạo nên một thị trường độc quyền tập đoàn (Oligopolies) qua đó cho một số công ty lớn độc quyền nhằm tăng doanh thu và bảo vệ thị trường.

Ví dụ Mỹ cho phép màng cung cấp Internet băng thông rộng chỉ được độc quyền bởi một số tập đoàn lớn, qua đó nâng giá trị của những công ty này lên, bảo vệ thị phần mà vẫn tạo ra sự cạnh tranh về giá qua đó giữ lợi ích cho khách hàng. Trái ngược lại, phía Châu Âu để các hãng tự do cạnh tranh trong mảng này và có những quy định khắt khe về chống độc quyền, qua đó hạ mức lợi nhuận của công ty cũng như vị thế của họ.

Việc các công ty Châu Âu mất dần vị thế trên thị trường đang là rủi ro khá lớn với cả những doanh nghiệp nước ngoài bởi điều này sẽ làm gia tăng quan điểm bảo hộ thương mại cũng như chủ nghĩa dân túy, qua đó đóng cửa Châu Âu với phần còn lại của thế giới.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM