Tổng thầu làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị gọi sang Việt Nam

16/01/2020 09:21 AM | Xã hội

Để thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác thương mại, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) sang Việt Nam làm việc.

Theo đó, sau khi Bộ GTVT yêu cầu, Tổng Giám đốc Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tới Hà Nội và làm việc với Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) trong các ngày từ 24-26/12/2019.

Tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, tại các buổi làm việc, phía chủ đầu tư đã yêu cầu Tổng thầu chỉ rõ các vướng mắc, cách giải quyết, và đưa ra các cam kết về thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành để đưa dự án vào khai thác.

Đại diện chủ đầu tư cho hay, việc yêu cầu Tổng Giám đốc Tổng thầu sang Việt Nam làm việc cũng là điều bình thường, vì khi dự án phát sinh vấn đề, hay có vướng mắc người đứng đầu nhà thầu phải sang làm việc để giải quyết. Đây cũng không phải lần đầu tiên lãnh đạo Tổng thầu bị yêu cầu sang Việt Nam để xử lý vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Bộ GTVT cũng làm việc với tư vấn độc lập, đề nghị đơn vị này có những đánh giá chặt chẽ, khuyến cáo cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại của dự án này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

Hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã xong phần xây lắp, chỉ còn 1 số ít công việc không liên quan tới chạy tàu. Tuy nhiên, do phía Tổng thầu chưa bàn giao đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định của Việt Nam, nên tư vấn độc lập chưa đủ cơ sở đánh giá về an toàn. Đây là lý do chính khiến dự án đã xong nhưng chưa thể đưa vào khai thác thương mại.

Cũng vì lý do chưa đầy đủ thủ tục, nên việc chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày dự kiến diễn ra hồi cuối tháng 12/2019 đã buộc phải dừng lại.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017, khởi công tháng 10/2011. Tới nay, dự án đã trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, gồm các ông: Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM