Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam: Kinh doanh bền vững là đảm bảo chu cấp cho hôm nay mà không hy sinh ngày mai
Theo Tổng Lãnh sự New Zealand – bà Karlene Davis, chính văn hóa bản địa đã tạo nên tư duy về kinh doanh bền vững như thế cho các doanh nghiệp New Zealand. Còn theo anh Võ Trần Duy – lãnh đạo cấp cao của Liberty Việt Nam, thì Việt Nam chưa đạt đến chuẩn của New Zealand nhưng sẽ sớm thôi.
Mới đây, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) trực thuộc Chính phủ New Zealand đã tổ chức Hội thảo Hiểu về kinh doanh bền vững - Không chỉ là khái niệm "xanh". Trong Hội thảo, bà Karlene Davis - Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam đã có vài chia sẻ đáng để chúng ta suy ngẫm.
"Với các nhân và doanh nghiệp New Zealand, kinh doanh bền vững là đảm bảo chu cấp cho ngày hôm nay mà không hy sinh ngày mai. Với tư duy phát triển bền vững rõ ràng như thế này, nên mục đích phát triển của các doanh nghiệp cũng khá chi tiết và cụ thể", bà Karlene Davis kể.
Có rất nhiều cách khác nhau mà các doanh nghiệp New Zealand áp dụng mô hình phát triển bền vững vào trong tổ chức, phụ thuộc vào việc họ ở đâu trên hành trình bền vững. Nhìn chung, các công ty New Zealand tuân thủ theo các quy định, luật lệ của đất nước này một cách rất tự nhiên, ví dụ tính minh bạch trong thông tin, chống tham nhũng, sách lược lao động có trách nhiệm, bền vững về môi trường, sự an toàn và sức khỏe, quản lý rác thải…
Bây giờ, thậm chí chúng ta đang thấy nhiều công ty ở New Zealand phát triển vượt hơn cả việc tuân thủ luật lệ, hướng đến những chiến lược đầy tính khích lệ khác, ví dụ như các doanh nghiệp xã hội chính là mô hình kết nối giữa nền kinh tế và cộng đồng. Hay có nhiều doanh nghiệp của đất nước phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không tác động nhiều đến môi trường. Mục tiêu của New Zealand là đến năm 2050, khí thải carbon mà đất nước này thải ra môi trường bằng 0.
"Tư duy kinh doanh bền vững nói trên của người New Zealand hiện đại bắt nguồn từ văn hóa cổ xưa của người người dân bản địa Maori. Người Maori có văn hóa ‘bảo hộ sự bảo hộ’, họ xem mình không phải là người chủ của vùng đất này mà chỉ là người bảo hộ nó cho các thế hệ mai sau. Thế nên, với người Maori, không có sự phân tách giữa con người và môi trường.
Thế nên, tất cả mọi người thụ hưởng nền giáo dục của New Zealand, đều phải thấm nhuần tư duy đó, bất kể là học sinh, sinh viên bản địa, hay du học sinh", bà Karlene Davis tiết lộ.
Bà Karlene Davis - Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam
Anh Võ Trần Duy - Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA), trường Đại học Auckland hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc, kiêm Giám đốc Khu vực Miền Nam và Miền Trung của Bảo hiểm Liberty, là người có thể chứng thực điều này.
Theo anh, hình ảnh thể hiện rõ nhất tư duy hòa nhập chứ không cảm thấy mình ở trên môi trường chính là những cánh đồng hoa poppy ở New Zealand. Cây hoa nào quá cao sẽ bị con người nhổ bỏ, nên chúng ta luôn thấy những cánh đồng hoang đầy hoa poppy ở đây đều tăm tắp. Người New Zealand luôn đề cao sự cân bằng, hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng lẫn nhau, không ai cao quý hơn ai và không được vì quyền lợi của mình mà gây hại đến người khác.
"Kinh doanh bền vững là khái niệm không mới. Là doanh nghiệp, ai cũng muốn phát triển bền vững, công ty tồn tại lâu dài, nhưng chẳng mấy ai thật sự suy nghĩ và tư duy một cách đứng đắn sau chữ ‘bền vững’, rằng mình phải tạo ra tiền và chi tiền như thế nào để bền vững.
Theo quan điểm của tôi, kinh doanh bền vững chính là làm điều đúng đắn, đối xử với nhân viên theo đúng quy định của pháp luật cũng như tạo ra những sản phẩm/dịch vụ đáp ứng mong đợi của xã hội, suy nghĩ và thông hiểu việc tạo ra những giá trị với chi phí không làm tổn hại đến môi trường và xã hội", anh Võ Trần Duy chia sẻ.
Trong một doanh nghiệp, tư duy kinh doanh bền vững được thể hiện ra qua 4 yếu tố sau.
Quy trình – quy chế: Ai cũng nói là quy trình và quy chế của doanh nghiệp mình có thể luôn được cải tiến để tối ưu hóa và hiệu quả hơn, nhưng chẳng mấy ai thực sự quyết tâm làm điều đó. Nếu chúng ta không thực sự liên tục cải tiến quy chế - quy trình, đến một lúc nào đó chúng trở nên lạc hậu, giảm hiệu quả; không chỉ gây lãng phí về mặt con người mà còn cho môi trường và xã hội.
Con người: Chúng ta có đang đối xử với con người trong tổ chức một cách đúng đắn hay không? Liệu chúng ta có đủ tôn trọng họ khiến họ ở lại với chúng ta một cách lâu dài hay không? CEO phải ra chính sách làm sao, để mọi người trong tổ chức đều phải có tư duy tôn trọng nhau. Xây dựng chính sách giúp nhân sự có lộ trình thăng tiến cũng như đào tạo thế hệ kế thừa, củng cố sự bền vững của con người trong tổ chức.
Tài chính: Kinh doanh bền vững nghĩa là doanh nghiệp đó có thể phát triển trong dài hạn, với sự tăng trưởng của giá trị tạo ra nhanh hơn sự tăng trưởng chi phí. Đây không phải là số tiền trong ngân hàng, mà là chi phí cơ hội, giá trị tiềm năng. Bây giờ mình bỏ tiền đầu tư, liệu 3 năm sau thu lại có khác biệt?!
Kỷ luật: Câu hỏi là chúng ta tạo ra cái gì, bằng chi phí bao nhiêu và thu lại lợi nhuận như thế nào, tức là tương quan giữa giá trị bỏ ra và lợi ích thu lại. Chúng ta có thể không cần lượng khách hàng lớn nhất mà có lượng khách hàng tăng trưởng ổn định nhất định. Tìm hiểu trải nghiệm của khách hàng trong quá trình trải nghiệm sản phẩm và cải tiến để phù hợp.
Ở khía cạnh khác, dù nhiều người bi quan về vấn đề môi trường ở Việt Nam, nhưng anh Duy lại không nghĩ thế. Rõ ràng, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng ống hút cỏ chứ không phải ai khác!
Anh Võ Trần Duy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc, kiêm Giám đốc Khu vực Miền Nam và Miền Trung của Bảo hiểm Liberty
"Hiện tại, không thiếu doanh nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam thật sự thông thấu và thông hiểu về kinh doanh bền vững, chỉ là không đồng nhất. Nhưng tôi tin một ngày nào đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt tới thành tựu như New Zealand. Ví dụ: như hồi smartphone thay điện thoại di động cục gạch, mới đầu chẳng ai thấy gì, nhưng sau một thời gian nhìn lại, chúng ta thấy toàn smartphone và điện thoại cục gạch biến mất.
Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang nỗ lực làm, nhưng vì chúng ta xuất phát chậm hơn nhiều nước, nên hầu hết chỉ đang xây nền tảng, trong 2 đến 3 năm tới, nền tảng sẽ hoàn thiện và ‘rất Việt Nam’. Sau 2 đến 3 năm tới, chúng ta sẽ không cần nói đến chuyện phát triển bền vững nữa", anh Võ Trần Duy lạc quan.
Phần anh Ngô Duy Quang - Quản lý Phát triển Thị trường Đông Nam Á, công ty EcoStore; thì dùng chính những hoạt động của doanh nghiệp này để nói về quan điểm kinh doanh bền vững của mình.
Về khâu sản xuất: Làm thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất? Theo đó, nguồn gốc sản phẩm của EcoStore hầu hết từ nguyên liệu thực vật và khoáng, tinh giản tối đa những thành phần độc hại trong quá trình sản xuất, rồi sản xuất chai nhựa làm từ bã mía thay vì chai nhựa từ dầu mỏ bình thường
Về khâu tiêu dùng: sản phẩm tập trung vào sự đơn giản của nguyên liệu nhưng với hiệu quả tuyệt đối và không khác so với các sản phẩm chứa nhiều chất tẩy rửa khác. Sự cô đặc trong mỗi chai sản phẩm giúp chỉ cần một lượng nhỏ và cho nhiều lần sử dụng. Và khi nguồn nước ra khỏi nhà khách hàng sẽ không thải ra các chất độc hại và không ảnh hưởng đến nguồn nước - đất trồng chung quanh.
Ngoài ra, EcoStore cũng tập trung vào thay đổi tư duy của người tiêu dùng, không chỉ khuyến khích họ tái sử dụng các chai lọ mà còn tập trung vào tự ‘làm đầy’ thông qua việc thiết lập chuỗi trạm refill khắp New Zealand.
Còn với anh Quản Duy Minh - Trưởng phòng Quản lý Dự án, Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Mainstream Renewable Power, thì với công ty anh, làm dự án tất nhiên không phải bằng mọi giá. Tăng trưởng doanh thu không cần quá vượt trội, chỉ cần tăng trưởng đều.
Trước khi làm bất cứ dự án nào, Mainstream Renewable Power cũng sẽ đi đánh giá tác động của dự án đó đến môi trường – con người – xã hội chung quanh một cách cẩn thận. Ví dụ như làm điện gió, sẽ xem khi cánh quạt quay, các sinh vực quanh cánh đồng tuabin gió có sống được hay không, tiếng ồn của nhà máy năng lượng mặt trời có ảnh hưởng tới cư dân địa phương hay không.