12 tổ chức kinh tế chủ chốt từ các nước Châu Á tụ hội tại Hà Nội, đưa ra tuyên bố chung về một Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững

18/10/2019 08:19 AM | Kinh doanh

12 tổ chức kinh tế chủ chốt đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, và Việt Nam đã tụ hội tại Hà Nội và đưa ra tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Châu Á lần thứ 10.

Các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Châu Á đã cùng hội tụ tại Hà Nội để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á lần thứ 10 (ABS). Hội nghị đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung nhan đề "Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững".

Tuyên bố chung lần này thể hiện cam kết và nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp Châu Á nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng chung, gồm 2 nội dung chính.

Một là Châu Á kỹ thuật số: Hợp tác để phát triển sáng tạo và bền vững, bao hàm 2 nội dung về Xã hội thông minh và Chiến lược phát triển.

"Trong tuyên bố ấy, chúng tôi không dùng từ "4.0"", TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Đồng Chủ tịch ABS 10 - chia sẻ khi nhắc đến cấu phần Xã hội thông minh: Đảm bảo sự phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ dẫn đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng và vấn đề biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, nhiều thành phố châu Á nằm sát bờ biển, phải đối mặt với các hiện tượng như bão, lốc xoáy, động đất và các thảm họa thiên nhiên khác. Vì vậy vấn đề quan trọng là cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời giữ gìn môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo sự phát triển bền vững, từ đó tăng cường nhu cầu hợp tác giữa các nền kinh tế để dẫn đến một xã hội thông minh trong tương lai.

Các doanh nghiệp sẽ cần chung tay với chính phủ để hợp tác trong việc thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xanh, trong việc sử dụng nguồn nước tại các dòng song, đây là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Với Chiến lược phát triển: Thúc đẩy phát triển sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp Châu Á nhìn nhận khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức về số hóa và sáng tạo đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội theo nhiều cách. Các nền kinh tế Châu Á cần cam kết xây dựng một khung chính sách mở và tìm kiếm các cơ hội đến từ cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số, thúc đẩy thực hiện các tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.

Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp được coi là lực lượng tiên phong của các nền kinh tế, nên cần được cho phép liên tục đổi mới về công nghệ và quản lý để có các mô hình kinh doanh mạnh mẽ và bền vững. Các cộng đồng doanh nghiệp Châu Á phải thúc đẩy các doanh nghiệp chất lượng tập trung vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ xanh, từ đó cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Nội dung chính thứ 2 của tuyên bố chung là về Châu Á toàn cầu: Quan hệ đối tác để phát triển toàn diện, nhấn mạnh vào 2 câu chuyện Tự do thương mại và Cơ sở hạ tầng - nguồn nhân lực.

12 tổ chức kinh tế đại diện cho 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thống nhất rằng mặc dù có một số bất ổn được đưa ra bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, các cộng đồng doanh nghiệp Châu Á cam kết thương mại tự do và cởi mở là lựa chọn tốt nhất để mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện và dẫn đến sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế của chúng ta.

"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy sớm thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là những mục tiêu chính trong việc hội nhập kinh tế khu vực và chúng tôi sẽ ủng hộ các hiệp định thương mại này. Ngoài ra, chúng tôi đồng ý rằng các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) không nên riêng biệt và thương mại nên được tự do hóa để đạt được sự tương thích của WTO, hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích chung cho mọi người", TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

TS. Lộc cũng nhấn mạnh đến vai trò của một lực lượng doanh nghiệp trước nay ít khi được nhắc đến - doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME).

Tuyên bố chung cũng công nhận Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển mất cân đối của cơ sở hạ tầng giữa các nền kinh tế làm chậm dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, cản trở thương mại nội khối và liên khu vực. Cộng đồng doanh nghiệp Châu Á kêu gọi một cơ chế hiệu quả để hỗ trợ hợp tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. Một sự chắc chắn hơn về quy định cùng với việc đơn giản hóa và làm rõ các quy trình hành chính, cùng với việc giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp sẽ giúp tạo điều kiện tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, xây dựng năng lực và nguồn nhân lực cũng là những vấn đề chủ yếu trong chương trình hợp tác khu vực. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số được đánh dấu bằng sự tiến bộ nhanh chóng trong tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, nhiều công việc truyền thống sẽ được thay thế, và các kỹ năng mới sẽ được đặt ra để đáp ứng nhu cầu của các công nghệ mới. Các sáng kiến để thúc đẩy khởi nghiệp, các công ty đổi mới và các doanh nghiệp công nghệ cao nên được khuyến khích. Sự hợp tác hiệu quả về nguồn nhân lực giữa các nền kinh tế sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh chung của khu vực.

ABS 10 do VCCI phối hợp với Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức. ABS là sự kiện do Keidanren khởi xướng từ năm 2010 và được tổ chức luân phiên hàng năm tại các nền kinh tế lớn của châu Á.

Năm nay, Hội nghị diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao đến từ 12 tổ chức kinh tế chủ chốt của Châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Việt Nam.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM