Tốn tới 10 năm, Starbucks mới vào nổi thị trường tiềm năng này

25/04/2016 09:32 AM | Kinh doanh

Chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng của Mỹ, Starbucks, đang nhắm tới thị trường bán lẻ cà phê đang lên của Nam Phi. Chuỗi này sẽ mở cửa hàng Starbucks đầu tiên tại nước này, và cũng là cửa hàng đầu tiên tại tiểu vùng Sahara trong nửa đầu năm 2016.

Starbucks sẽ hợp tác với Taste Holdings, công ty Nam Phi chuyên về nhượng quyền thương hiệu, để mở ra cửa hàng đầu tiên tại thành phố Johannesburg và lan dần ra các địa phương khác của châu lục này. Stabucks cũng đã mở những cửa hàng ở Ai Cập và Morocco thuộc khu vực Bắc Phi.

Đây không phải là động thái đầu tiên của Starbucks hướng tới thị trường Nam Phi. Nhân cơ hội giải bóng đá World Cup tổ chức tại Nam Phi năm 2010, Starbucks đã hợp tác với Emperica – một công ty marketing – và chuỗi khách sạn lớn nhất Nam Phi, Tsogo Sun, để lần đầu tiên đưa sản phẩm tới thị trường Nam Phi.

Thỏa thuận trên kéo dài tới năm 2011, theo đó, những sản phẩm của Starbucks đã được bán tại các ki ốt bán cà phê mini tại 7 khách sạn thuộc hệ thống Tsogo Sun. Thỏa thuận này mang lại cho Starbucks kết quả mang tính thăm dò trong thời gian cao điểm về du lịch quốc tế của Nam Phi.

Gần 6 năm sau cuộc thăm dò ngắn ngủi đó, Starbucks lại tìm đường tham gia vào thị trường bán lẻ cà phê đầy cạnh tranh trong bối cảnh ngành kinh doanh đồ uống và thực phẩm của Nam Phi đang phát triển với nhiều cửa hàng cà phê đã tạo được chỗ đứng vững chắc.

Mất tới 10 năm để gia nhập, các đối thủ khác đã tràn ngập thị trường

Rất nhiều người sẽ thắc mắc là tại sao Starbucks tốn quá nhiều thời gian chờ đợi để mở cửa hàng đầu tiên tại Nam Phi, đất nước phát triển nhất châu Phi. Trong 10 năm qua, vị trí của các cửa hàng cà phê và nhà hàng trong ngành thực phẩm và đồ uống của Nam Phi đã tăng mạnh, thu hút các chuỗi cửa hàng bán đồ ăn toàn cầu như Dominos Pizza và Burger King tham gia vào thị trường này.

Thị trường mà Starbuck gia nhập là thị trường có một loạt các chuỗi cửa hàng cà phê thành công bản địa như chuỗi 70 cửa hàng của Vida e Cafè hay các chuỗi toàn cầu như Wild Bean đến từ New Zealand với một loạt ki ốt bán café tại các trạm xăng khắp cả nước.

Một đối thủ cạnh tranh khác của Starbucks ở Nam Phi là Seattle Coffee. Chuỗi này được thành lập tại Anh năm 1993 bởi hai chuyên gia người Mỹ và đã tham gia thị trường Nam Phi từ năm 1996. Trải qua 19 năm hoạt động tại đất nước này, Seattle Coffee đã trở thành một trong những chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất với 90 cừa hàng trải rộng toàn Nam Phi.

Chiến lược mở rộng của Starbucks: “Đừng tham gia cuộc chơi một mình”

Giống như rất nhiều công ty toàn cầu khác trong ngành thực phẩm và đồ uống, Starbucks ghét phải “tham gia cuộc chơi một mình”. Tại hầu hết các thị trường mà họ đã tham gia, họ tìm những công ty bản địa am hiểu thị trường để ký thỏa thuận đối tác nhượng quyền. Như tại Anh, Starbucks đã mua lại Seattle Coffee vào năm 1998. Khoảng hai phần ba số cửa hàng bên ngoài nước Mỹ của Starbucks được vận hành thông qua các đối tác như vậy.

Các công ty bản địa này sẽ trực tiếp sở hữu các cửa hàng Starbucks và có trách nhiệm tự vận hành chúng, trong khi nguồn sản phẩm, thương hiệu và đào tạo được cung cấp bởi Starbucks. Starbucks sử dụng chiến lược tương tự khi tham gia thị trường Ấn Độ năm 2012, thông qua một thỏa thuận với công ty Tata Global Beverages.

Các công ty khác cũng đã trải qua con đường tương tự. Năm 2014, đối tác tại Nam Phi của Starbucks, công ty Taste Holdings, đã mua giấy phép 30 năm để mở 150 cửa hàng Dominos Pizza tại 7 nước châu Phi, mở đầu là Nam Phi.

Trường Sơn

Cùng chuyên mục
XEM