Tôi đã “đuổi việc” sếp của mình như thế nào?

06/10/2020 14:45 PM | Kinh doanh

Nếu như đó là công việc và công ty bạn hằng mơ ước, hãy mạnh dạn đấu tranh lành mạnh, và thêm một chút sự "khôn ngoan" nữa, để lấy lại công bằng, không chỉ cho mình, mà còn mang lại những điều tốt đẹp cho các đồng nghiệp và cả công ty.

Phần lớn, áp lực công việc trong quá trình đi làm của chúng ta đều đến từ cấp trên. Nếu may mắn, chúng ta được làm việc với cấp trên tâm lý, tài năng và tốt tính thì mọi chuyện sẽ không còn gì để nói. Nhưng nếu chẳng may phải làm việc dưới trướng cấp trên không được tốt như mong đợi ở mọi mặt thì phải làm sao? 

Câu chuyện số 1: Khi sếp không được thật thà…

Đã từ một năm nay, tất cả các nhân viên mới vào làm đều sẽ được các anh chị "dặn dò" cẩn thận về cách đối phó với vị sếp "xấu tính" ở công ty. Mặc dù nhìn bề ngoài rất đàng hoàng nhưng sếp của chúng tôi lại không được "thật thà" cho lắm. Vì biết cách lấy lòng cấp trên và có anh họ là kế toán trưởng của tập đoàn nên dù năng lực không cao, anh ta cũng giữ chức trưởng bộ phận. Không những vậy, anh ta còn có thói quen lợi dụng quyền hành của mình để lấy lợi ích cho bản thân. Từ việc khai khống các khoản chi khi đi công tác đến dùng quyền hành để nhờ cấp dưới làm thay công việc của mình. Tuy vậy, do anh ta là sếp nên mọi người ai cũng phải "cắn răng chịu đựng".

Bẵng đi một thời gian, tôi lúc này cũng đã thu thập được những bằng chứng cho thấy anh ta biển thủ ngân sách của công ty. Lúc này, tôi quyết định ra mặt và bảo vệ các nhân viên khác đang bị anh ta bắt nạt một cách không hợp lý. Vẫn nghĩ những việc xấu bản thân làm chưa ai biết, anh ta ngay lập tức thể hiện uy quyền, tạo áp lực công việc buộc tôi phải khuất phục hoặc thôi việc.

Chứng kiến thấy anh ta càng ngày càng lạm dụng quyền lực, các cấp lãnh đạo cũng bắt đầu chú ý hơn. Dưới danh nghĩa một nhân viên lâu năm, luôn tận tụy vì công ty, tôi đề nghị gặp gỡ ban lãnh đạo để chia sẻ các vấn đề bản thân gặp phải. Những bằng chứng tôi dành thời gian thu thập cũng đã đến lúc phát huy tác dụng. Và rồi việc gì đến cũng phải đến. Các nhà lãnh đạo quyết định mở một cuộc kiểm tra nội bộ đột xuất và mọi vấn đề bị phanh phui. Anh ta nhanh chóng nộp đơn xin nghỉ việc, còn tôi thì vừa nhận được đề xuất thăng chức từ cấp lãnh đạo vì sự chính trực của mình. Thật ra lúc đó tôi từ chối, vì tôi không muốn mọi người nghĩ xấu tôi tranh giành vị trí với sếp của mình. Tôi muốn cố gắng hơn nữa để nâng cao năng lực của bản thân, từ đó có thể đảm nhận được vị trí được giao trong tương lai. 

Câu chuyện số 2: Khi sếp kiêu ngạo …

Sếp của tôi sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài, 30 tuổi trở về nước và làm trưởng bộ phận truyền thông cho một công ty xuất nhập khẩu nông sản ở TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù không ai có thể phủ nhận tài năng của cô gái trẻ nhưng trong mắt nhân viên, cô là một người sếp khá kiêu ngạo. Cô thường có thái độ coi thường và không công nhận nhân viên của mình. Cô có thói quen thích chỉ trích những sai lầm của người khác nhưng trước mặt cấp trên thì lại cư xử rất đúng mực. 

Tôi, một cô nhân viên 25 tuổi, tốt nghiệp từ một trường đại học bình bình ở Sài Gòn và cũng đã đi làm ở vài ba công ty trước khi chuyển đến công ty này. Bản thân vốn là người ít nói nên tôi không có thói quen thích lấy lòng cấp trên. Có lẽ vì thế mà sếp luôn có thái độ không vừa mắt với tôi, hết lần này đến lần khác dùng những lời lẽ không mấy hay ho để không cho tôi thể hiện bản thân mình trong những cuộc họp của công ty.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của những lần công kích đó là việc cô ấy ngang nhiên cướp ý tưởng của tôi trong cuộc họp hằng quý của công ty. Trước đó, khi chuẩn bị cho một dự án ra mắt sản phẩm mới, cô ấy yêu cầu tôi lên kế hoạch và nộp lại cho cô ấy trước cuộc họp có Tổng giám đốc tham dự. Vậy mà cô ấy đã làm tôi "ngã ngửa" khi tuyên bố đó là kế hoạch của cô ấy trong khi tôi đã phải thức trắng mấy đêm liền, quên ăn quên ngủ để hoàn thành.

Công sức thì bị người khác lấy đi mà bản thân còn bị tạo rất nhiều khó khăn. Khi đó, tôi cực kì áp lực công việc và đã nghĩ đến chuyện nộp đơn xin thôi việc. Nhưng suy ngẫm lại, tôi thấy mình không sai và đây là công ty, lĩnh vực mà bản thân mong muốn được làm việc từ lúc còn là sinh viên, tại sao tôi phải bỏ cuộc vì một người cấp trên không tốt như mong đợi? Tôi quyết định không cam chịu nữa và đứng lên đấu tranh.

Thời gian đầu, tôi vẫn giữ thái độ làm việc như bình thường. Mỗi lần cô ấy giao tôi công việc nào, tôi đều cẩn thận lưu lại hết các file gốc, lịch sử trò chuyện cũng được lưu giữ lại tất cả. Cô ấy tiếp tục quen thói tranh công người khác nên trong buổi họp chia sẻ về kế hoạch tiếp theo, cô ấy tiếp tục nhận những gì tôi làm là của cô ấy. Nhưng lần này, tôi đã khác. Vì đây là bản kế hoạch tôi làm nên tôi rõ hơn ai hết điểm yếu thế mạnh của nó, tôi đã đứng lên và phản bác lại những gì cô ấy nói với những số liệu, phân tích rõ ràng. Cuối bài phát biểu, tôi còn không quên nhấn mạnh rằng vì đây là kế hoạch mà tôi đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện nên hơn ai hết tôi luôn suy nghĩ về nó để tìm ra cách cải thiện.

Sau buổi hôm đó, thái độ của mọi người trong công ty với tôi đã thay đổi. Xích mích giữa tôi và cấp trên ngày càng lớn dần. Lúc này, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, một phần vì cảm thấy áp lực công việc và những câu chuyện thị phi xung quanh, một phần vì tôi cảm thấy mình đã giành lại công bằng bản thân rồi. Nhưng điều bất ngờ là trong buổi phỏng vấn thôi việc, nhân sự và ban lãnh đạo muốn gặp tôi và hỏi thêm các vấn đề công việc. Một cơ hội đến không ngờ, tôi đã chia sẻ tất cả, kể cả những đoạn hội thoại giữa cả hai về hành vi không tốt của cô ta.

Và sau tất cả, tôi vẫn tiếp tục làm việc tại công ty, với một đề nghị về lương thưởng và chức vụ tốt hơn. Về phần cô ấy, cô ấy phải ra đi vì uy tín bị sụt giảm nghiêm trọng!

Qua 2 câu chuyện trên, có thể thấy rằng, khi đi làm, việc gặp những vị sếp không được như mong đợi cũng thường xuyên xảy ra. Nếu như đó là công việc và công ty bạn hằng mơ ước, hãy mạnh dạn đấu tranh lành mạnh, và thêm một chút sự "khôn ngoan" nữa, để lấy lại công bằng, không chỉ cho mình, mà còn mang lại những điều tốt đẹp cho các đồng nghiệp và cả công ty. Và dù cho làm gì đi nữa, hãy nhớ, luôn giữ sự chuyên nghiệp trong cách ứng xử.

(Tham khảo HR Insider)

PV

Cùng chuyên mục
XEM