Toàn cảnh Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu bùng phát trên thế giới
Từ những ngày đầu bùng nổ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các Bộ ban ngành đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo những biện pháp mạnh để chống dịch ở Việt Nam. Đến nay, 15/16 bệnh nhân dương tính với COVID-19 đã hoàn toàn khoẻ mạnh, từ ngày 13/2 chưa xuất hiện ca bệnh mới.
15/16 ca bệnh dương tính COVID-19 khỏi bệnh, 8 ngày không xuất hiện ca bệnh mới
Chiều 21/2, bệnh nhân mắc COVID-19 cao tuổi nhất ở Việt Nam, ông T.K.H (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã chính thức được ra viện sau 21 ngày điều trị. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 15/16 bệnh nhân "chiến thắng" dịch bệnh này. Trường hợp cuối cùng vẫn tiếp tục được điều trị là ông N.V.V. (50 tuổi, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - bố nữ công nhân N.T.D (một trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán ngày 17/1).
Từ ngày 13/2, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp ca nhiễm mới. Tại tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có số ca mắc cao nhất cả nước (11 ca) hiện cũng không ghi nhận trường hợp mắc mới. Ngành y tế tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện theo dõi sức khoẻ hộ gia đình tại xã Sơn Lôi, Thiện Kế và Quất Lưu thuộc tỉnh này.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19. Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như: Huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư.
Để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới" - PGS Khuê nhận định.
Chiều 21/2, bệnh nhân lớn tuổi nhất nhiễm COVID-19 được xuất viện. Việt Nam chỉ còn 1 trường hợp cuối cùng tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đang phục hồi sức khoẻ.
Đặc biệt tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại nước ta.
Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia, 45 đội cơ động phản ứng nhanh
Ngay từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.
Ngày 16/1, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Hướng dẫn chỉ rõ, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng lây nhiễm gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, và đến cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp.
Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch do virus nCoV trên toàn quốc... Ngoài ra, thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 gồm 25 đội của các bệnh viện trong ngành y tế và 20 đội của các bệnh viện trong quân đội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).
Kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và đường hàng không
Liên quan đến tình hình đối phó dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu kiểm soát chặt các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu từ Trung Quốc, sẵn sàng theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. 3.000 chiến sĩ biên phòng đóng tất cả đường mòn, lối mở dọc biên giới. Đối với cư dân khu vực biên giới, sử dụng đường mòn, lối mở, cần tạm thời hạn chế qua lại biên giới.
Kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển (cả người và hàng hóa, đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam), có biện pháp soi chiếu, sàng lọc, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại các cửa khẩu.
Ngày 4/2, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Namdừng chạy tàu khách liên vận quốc tế đi Trung Quốc và ngược lại.
Đối với các đoàn tàu khách quốc tế, tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đoàn tàu số hiệu MR 2 chiều Trung Quốc - Việt Nam kể từ 18h05 ngày 4/2.
Tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đọàn tàu số hiệu MR1 chạy chiều Việt Nam đi Trung Quốc kể từ 21h20 ngày 5/2.
Đối với các đoàn tàu hàng quốc tế, Bộ Giao thông vận tải cho tiếp tục khai thác chạy tàu đối với các đoàn tàu hàng quốc tế qua hai cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng, Lào Cai.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường tiêu độc, khử trùng khu vực nhà ga, bến xe; có biện pháp và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch khi làm việc, giao dịch với các đối tác.
Bộ Giao thông vận tải đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng chạy tàu khách liên vận quốc tế đi Trung Quốc và ngược lại. Ảnh: Phương Thảo.
Đồng thời, Việt Nam hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ, không thường lệ giữa các điểm tại Việt Nam và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đặt máy đo thân nhiệt tại các cảng hàng không quốc tế để theo dõi, phát hiện, cách ly y tế, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh.
Hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu đều phải khai báo y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Trước mắt tạm thời không cấp thị thực du lịch cho khách Trung Quốc đến từ khu vực có dịch bệnh, trừ trường hợp khẩn cấp.
Cách ly 20 ngày toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 12/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) - nơi có nhiều ca mắc COVID - 19 nhiều nhất trên địa bàn huyện Bình Xuyên, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Sơn Lôi sẽ bị cách ly trong thời gian 20 ngày, từ ngày 13/2.
Trên địa bàn xã thiết lập 12 chốt kiểm soát gồm các lực lượng công an, quân đội, y tế, cán bộ xã,... với nhiệm vụ canh gác, kiểm tra kiểm soát cả ngày lẫn đêm với quyết tâm ngăn ngừa, không lây lan mầm bệnh.
Trong thời gian khoanh vùng, cách ly, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân tại xã Sơn Lôi với mức 40 nghìn đồng/người/ngày với trường hợp tại nhà; 60 nghìn đồng/người/ngày đối tượng cách ly ở Trung tâm y tế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát kỹ việc việc cung ứng các hàng hóa, đồ ăn uống phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân địa phương, không để tình trạng tăng giá bán hàng hóa và hàng cung ứng phải đảm bảo chất lượng.
Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều ca bệnh mắc COVID-19 nhiều nhất nước ta, hiện đang được cách ly 20 ngày để tránh lây lan dịch bệnh.
Thành lập các bệnh viện dã chiến
Ngày 3/2, TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp khẩn lên kế hoạch lập 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) phòng chống dịch bệnh, nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân mắc bệnh khi dịch bệnh lan ra cộng đồng.
Cụ thể BVDC thứ nhất có 300 giường bệnh tại Trường Quân sự thành phố ở ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, huyện Củ Chi với ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. BVDC thứ hai có 200 giường bệnh tại xã Phú Xuân, Nhà Bè có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Tại Quảng Ninh, BVDC đầu tiên được lập tại TP.Móng Cái, trên cơ sở khu nhà khám và điều trị của Trung tâm y tế TP.Móng Cái vừa xây mới với 5 tầng, công suất 500 giường bệnh, tổng diện tích sàn khoảng 10.000 m2. Đây là nơi tiếp nhận cư dân biên giới và toàn bộ người nghi nhiễm bệnh sau khi nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. BVDC thứ hai được trưng dụng từ BV Lao và Phổi Quảng Ninh (P.Hà Khánh, TP.Hạ Long), với 500 giường, là nơi thu dung người nghi nhiễm COVID-19 tại khu vực TP.Hạ Long.
Dù Hà Nội chưa có trường hợp dương tính với COVID-19, nhưng thành phố vẫn luôn sẵn sàng cho phương án xấu nhất.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, có 3 địa điểm đã được chuẩn bị đề xuất thành lập BVDC là: 2 cơ sở của Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Sơn Tây, Xuân Mai với sức chứa 950 người; trường hợp cần sẽ trưng dụng thêm cơ sở dân sự là Trường ĐH Thành Đô (huyện Hoài Đức).
BVDC thứ nhất ở TPHCM có 300 giường bệnh tại Trường Quân sự thành phố ở ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, huyện Củ Chi với ít nhất 20 giường hồi sức tích cực.
Tạm dừng các hoạt động lễ hội tụ tập đông người, quyết định cho học sinh nghỉ học
Ngày 2/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện số 156/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học.
UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) việc chấp hành các văn bản về tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Từ ngày 5/2, Hải Phòng đã cho dừng các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, các rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường, quán bar để tránh tập trung đông người, nhằm giảm các nguy cơ lây lan dịch.
Học sinh được nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng tránh dịch COVID-19.
Trong khi đó, Bộ GDĐT đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, tính đến ngày 16/2, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Tính đến tối 15/2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, 56 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 có ý kiến về việc học sinh đi học trở lại và nêu rõ: "Nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thực sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm. Chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho đi học trở lại ngay".
"Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh"
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như trên thị trường trang thiết bị y tế xuất hiện một số hiệu thuốc, cơ sở kinh doanh gom hàng, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác. "Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành Y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông không nhận bưu kiện, chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng... ra nước ngoài. Xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch COVID-19, đảm bảo sức khoẻ người dân được đảm bảo, không để lây lan trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử phạt thật nghiêm các hiệu thuốc, cơ sở y tế có hành vi găm hàng, tăng giá bán khẩu trang y tế.
Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị chủ động ổn định kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước các vật tư, trang thiết bị phòng dịch, khẩu trang, nước rửa tay... Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá.
Tính đến ngày 21/2, Tổng cục QLTT đã xử lý hàng trăm hiệu thuốc, cơ sở y tế trên khắp cả nước, xử phạt hàng trăm triệu đồng, đồng thời thu giữ hàng trăm nghìn khẩu trang không đảm bảo chất lượng.
Nuôi cấy, phân lập thành công COVID-19 trong phòng thí nghiệm
Ngày 7/2, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công COVID-19 trong phòng thí nghiệm. Từ đó tạo điều kiện xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm bệnh. Do vậy, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm khi cần thiết. Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng COVID-19 trong tương lai và đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.
Ngày 20/2, Công ty TNHH Một Thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng được tài trợ gần 20 tỷ đồng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) để nghiên cứu về COVID-19.
Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngày 7/2, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công COVID-19 trong phòng thí nghiệm. Ảnh do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp.
Trong đó, Vabiotech sẽ nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu: "Phát triển Vaccine chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm".
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới 2019 tại Việt Nam".
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài "Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp".
Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để có những giải pháp cho phòng chống dịch bệnh, đưa ra các phác đồ điều trị và khuyến nghị trong điều trị, đảm bảo khi có ca bệnh thì cách ly ngay lập tức, dự phòng trong cộng đồng và chữa trị khỏi.
Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19
Ngày 13/2, WHO đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. WHO ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch COVID-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với sự phát triển của các kỹ thuật điều trị, thuốc chữa bệnh và với năng lực, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, điều trị hiệu quả và khống chế được dịch bệnh, bảo đảm môi trường dịch tễ an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội.
Dù dịch bệnh ở nước ngoài còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình và không chủ quan, tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ về dịch tễ, không lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh,...
Với tinh thần chống dịch nhưng không lơ là các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tại cuộc họp chiều 19/2, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo và thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận lao động nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc; công tác kiểm soát đường biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh; tiếp tục thực hiện tổ chức sàng lọc, theo dõi giám sát sức khoẻ, cách ly y tế…
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng tiếp tục theo dõi sát sao, hoàn thiện các thủ tục công nhận một số địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch; theo dõi chặt chẽ, điều trị dứt điểm một số bệnh nhân mắc COVID-19; triển khai công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh; quyết ngắt dịch COVID-19 sớm, đưa cuộc sống trở lại bình thường.