Tinh thần Sakichi - Bí quyết trường tồn 100 năm của Toyota: “Trước khi nói không thể làm được điều gì, hãy cứ thử xem sao”
“Tinh thần Sakichi” đã được kế thừa bởi rất nhiều thế hệ lãnh đạo Toyota Motor.
14/2 là Lễ tình nhân được người dân trên toàn thế giới kỷ niệm. Tuy nhiên, với đế chế Toyota thì đó còn là ngày sinh nhà sáng lập Sakichi Toyoda đáng kính của họ.
Người được mệnh danh là “ông vua đầu tư Nhật Bản” đã trở nên nổi tiếng và nhận được sự ngưỡng mộ khi sáng chế ra loại máy dệt tự động. Sau này, cũng chính ông kiến tạo nền tảng cho Toyota Motor. Kể từ sau đó, tinh thần liên tục đổi mới của ông tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ sau.
“Tinh thần Sakichi” đã được kế thừa bởi rất nhiều thế hệ lãnh đạo Toyota Motor. Tập đoàn này vẫn duy trì một phòng sáng kiến công nghệ và tinh thần này chưa bao giờ bị lu mờ.
“Toyoda Precepts”
Năm 1935, 5 năm sau khi Sakichi mất, “Toyoda Precepts” (những câu châm ngôn của Toyoda) đã được ra mắt dựa trên những bài giảng của ông. "Toyoda Precepts" gồm 2 quy tắc đã trở thành cốt lõi trong triết lý quản trị của tập đoàn kể từ khi bắt đầu được thành lập.
Quy tắc đầu tiên nhấn mạnh vào việc cần phải “đóng góp cho sự phát triển và lợi ích xã hội của đất nước bằng việc cùng nhau làm việc, bất kể vị trí, hay trách nhiệm nào”.
Quy tắc thứ 2 nhấn mạnh vào việc cần phải “luôn ở vị trí tiên phong thông qua việc sáng tạo không ngừng nghỉ, liên tục hỏi học và theo đuổi sự tiến bộ”.
Toyota Motor đã nâng tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển trong mối liên hệ với “Toyoda Precepts”. Nhà sản xuất ô tô này đã dành khoảng 1 nghìn tỷ yen (tương đương 8,78 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mỗi năm – nhiều nhất trong số các công ty ở Nhật Bản.
Theo tình thần Sakichi, Denso, một hãng bán lẻ đồng thời là thành viên của Toyota Group cũng dành khoảng 9% doanh thu cho các hoạt động R&D.
Bản thân Toyota Motor cũng đã dành 20 năm để phát triển Mirai – loại xe chạy bằng pin nhiên liệu được bán thương mại đầu tiên trên thế giới.
Những kế hoạch R&D dài hơi chính là một trong 3 điểm mạnh chính đằng sau chiến lược cạnh tranh toàn cầu của Toyota Motor cùng với tinh thần liên tục đổi mới Kaizen và chiến lược cắt giảm chi phí Genka Teigen.
Sakichi đã trải qua hàng loạt biến cố trong năm 1910, Sakichi buộc phải rời khỏi hội đồng quản trị Loom Works – công ty do chính ông thành lập dựa trên sáng chế về máy dệt của mình.
Lý do khiến ông phải từ chức là bởi không cùng quan điểm đối với các thành viên hội đồng quản trị khi chỉ quan tâm tới việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn thay vì đầu tư cho R&D. 75 năm sau, Steve Jobs – cố đồng sáng lập Apple cũng đã phải trải qua tình huống tương tự.
Sau khi bị "đá" khỏi Loom Works, Sakichi đã đi khắp thế giới để học hỏi, trau dồi kiến thức.
Khi quay trở về, ông lại bắt đầu nghiên cứu, sáng chế. Sau rất nhiều thăng trầm, ông đã hoàn thành loại máy dệt tự động Type G vào năm 1925 và 1 năm sau đó tạo lập nên Toyoda Automatic Loom Works và hiện tại là Toyota Industries.
Loại máy dệt The Type G sớm trở nên nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà còn cả nước ngoài.
Trong năm 1929, Toyoda Automatic Loom Works đã có thỏa thuận chuyển giao quyền sáng chế Type G cho một công ty của Anh. Số tiền thu được từ thương vụ này đã được sử dụng để hình thành nên Toyota Motor sau này.
"Genchi genbutsu" - “nhìn tận mắt, làm tận tay”
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo Imperial (hiện nay là Đại học Tokyo), Kiichiro Toyoda – người con trai và đồng thời là nhà sáng lập của Toyota Motor đã giúp cha mình – một người mới chỉ tốt nghiệp cấp 2, phát triển một cỗ máy dệt mới.
Theo Kiichiro, ông từng chiến thắng trong một cuộc tranh luận với cha mình. Tuy nhiên Sakichi đã nói thế này: “Trước khi nói không thể làm được bất cứ điều gì, hãy cứ thử xem sao”.
Vì vậy Kiichiro đã làm. Kết quả tốt ngoài mong đợi. Anh sau đó đã quyết định chọn khẩu hiệu “cứ làm cái đã, bàn bạc sau” thành triết lý kinh doanh của tập đoàn.
Chính đây là tiền đề tạo ra “Genchi Genbutsu” – triết lý mang ý nghĩa “nhìn tận mắt, làm tận tay” của Toyota. “Genchi Genbutsu” đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và tạo ra tiếng vang ngoài mong đợi.
Chuyên gia tư vấn ở thung lũng Silicon là Eric Ries, người sáng tạo ra công thức “lean startup” cũng đã được truyền cảm hứng từ tinh thần của Toyota Motor.
Ý tưởng này đẩy nhanh sự phát triển sản phẩm, nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm mới và tiếp tục cải thiện chúng để phù hợp với phản ứng của người dùng.
Suy nghĩ của Ries được áp dụng bởi những startup hoạt động trong lĩnh vực Internet cũng như nhiều công ty lớn của Mỹ như GE và thậm chí cả những cơ quan chính phủ.
Công phá lĩnh vực sản xuất ô tô
Nửa cuối cuộc đời, Sakichi đã thúc giục Kiichiro bước vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Vị sáng lập Toyoda đã nói với con trai mình rằng nên sáng tạo và sản xuất được một chiếc ô tô.
Trong tạp chí nội bộ của công ty xuất bản năm 1936, Kiichiro đã nhớ lại khoảng thời gian đó và nói ông thường được cha thúc giục nên sản xuất một chiếc xe ô tô.
Đó là một trận chiến khốc liệt, nhưng Kiichiro và những cộng sự của ông cuối cùng đã biến được giấc mơ về “một dòng xe ô tô sản xuất trong nước” của cha mình thành hiện thực.
Sau khi đa dạng hóa mảng kinh doanh ô tô, Toyota Group hiện nay còn xây nhà và dấn thân cả vào lĩnh vực robot. Gia đình Toyoda có truyền thống “1 thế hệ, 1 doanh nghiệp”.
Tháng 1/2016, Toyota Motor đã chính thức mở trung tâm R&D về trí thông minh nhân tạo tại Thung lũng Silicon.
Đây là nhu cầu cần thiết đối với công ty để tham gia vào những ngành công nghiệp như thế này, để không bị tụt hậu lại phía sau môi trường kinh doanh phát triển nhanh chóng.
Những điều này đang diễn ra trên khắp thế giới. Hãng điện tử Hà Lan là Philips đã phải cải tổ chính mình sau khi chuyển sang đầu tư vào chip nhớ, TV và thiết bị audio và cả thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nokia cũng đang trong quá trình chuyển dịch, tái thiết lại công ty. Họ hiện tập trung vào cơ sở hạ tầng viễn thông và những ngành công nghiệp khác. Không lâu trước, họ là nhà sản xuất điện thoại thông minh dẫn đầu thế giới. Còn năm 1865, công ty này là nhà sản xuất giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, chỉ có một con số rất nhỏ câu chuyện thành công tại Nhật Bản, bao gồm cả Fujifilm – họ hiện tập trung vào mảng chăm sóc sức khỏe.
Sakichi Toyoda vẫn còn rất nhiều điều để dạy các doanh nhân và những tập đoàn lớn, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Đế chế kinh doanh giày của cậu bé 16 tuổi