Tìm lại ký ức thời học trò ở con ngõ nhỏ Hà Nội được vẽ đầy hình bích họa rực rỡ

20/04/2017 11:38 AM | Sống

Nếu muốn tìm lại ký ức thời học trò với những trang bích báo sinh động, có lẽ bạn nên thử một lần đến ngõ Ao Dài. Trong con ngõ này, một cụ ông đã vẽ lên các bức tường rêu phong những bức tranh với gam màu yên bình cùng đường nét chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ.

Thời còn đi học, chắc ai cũng đã từng ít nhất một lần làm báo tường. Đề thơ hay trang trí thường khá dễ nên tụi học sinh có thể tự làm. Chỉ riêng khoản vẽ hình minh họa lại rất khó, yêu cầu sự tỉ mẩn và tính sáng tạo cao. Vì thế trong những năm 90, xung quanh nhiều ngôi trường phổ thông thường có vài bác họa sĩ không chuyên nhận trang trí báo tường thuê cho học sinh.

Những tờ báo tường được viết và vẽ hình trên khổ giấy A0 ngày ấy là niềm tự hào của cả tập thể lớp. Bây giờ ở Hà Nội, khi đã lớn, đã qua thời học sinh mà bất chợt đi lạc vào con ngõ nhỏ Ao Dài (tổ dân phố số 2, Phường Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều người hẳn sẽ có cảm giác ngỡ ngàng, như thấy cả một khoảng ký ức tuổi thơ hiện về.

Vẫn là những nét vẽ cũ, đơn giản mà chỉn chu, tỉ mẩn, vẫn là những gam màu sặc sỡ ấy... nhưng giờ đây, chúng không phải được vẽ trên khổ giấy A0 ngày nào mà biến thành những bức tranh rộng lớn, choáng ngợp hết cả những bức tường dài.

Ngõ Ao Dài có 4 ngách thì tất cả các ngách này đều được trang trí hình vẽ.

Và bạn có thấy những bức tranh này giống như một tờ bích báo khổ lớn?

Hình vẽ cổ điển giống trong những truyện tranh trên báo vào những năm 90.

Nội dung các hình vẽ ở đây mang hướng tuyên truyền về môi trường, trẻ em, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội.

Chúng đã khiến những con ngõ nhỏ sâu hun hút trở nên sinh động, đẹp đẽ hơn.

Những bức tranh thường có chủ đề liên quan đến các khẩu hiệu quen thuộc.

Theo người dân, các bức hình này đã được vẽ trên 10 năm.

Bài thơ Bác Hồ ơi và Xóm làng ta đổi mới được cụ viết khá sinh động.

Tác giả của bức tường này cũng không phải là một họa sĩ. Cụ cũng không vẽ tranh để kiếm tiền mà đơn giản, việc trang trí cho con ngõ ngày càng trở nên đẹp xinh hơn đã trở thành niềm vui lớn, gắn bó với cụ trong suốt 12 năm qua.

Người đó là cụ Cao Trí Thịnh (năm nay đã 94 tuổi). Khi chúng tôi tìm đến đây, cháu gái của cụ, bà Lan Anh cho biết vì sức khỏe yếu nên cụ đã phải nhập viện cấp cứu mấy ngày nay. "Những lúc còn khỏe, cụ mong lắm có người hỏi về những bức tranh. Có ai hỏi là cụ sẽ mải miết kể về lịch sử, thời gian vẽ từng bức một. Bây giờ mà ở trong viện biết có người hỏi thăm thế này chắc cụ vui lắm".

Người dân quanh con ngõ nhỏ này hầu hết đều rất thích những hình vẽ của cụ Thịnh.

Cứ mỗi lần đi qua, nhiều người lại nán lại đọc thơ hoặc ngước nhìn các bức tranh.

Bà Lan Anh cho biết, cụ Thịnh rất thích vẽ tranh trang trí ngõ xóm. Hơn chục năm qua, hễ lúc nào khỏe là cụ lại ra ngõ sáng tác nhiều bức hình khác nhau. Đối với những bức tranh cũ đã bị tróc hay nhạt màu, mỗi năm cụ lại tô và chỉnh sửa lại.

"Có ngày trời nắng, cụ cởi trần, bắc ghế vẽ tranh. Có hôm mưa mà đang vẽ dở, cụ cũng mặc kệ mưa gió, cứ thế vẽ tiếp. Ở nhà giờ chỉ có mình cụ nên cụ bảo việc vẽ tranh làm cụ vui vẻ và thấy khỏe hơn".

Từ khi có sự xuất hiện của các bức vẽ, con xóm nhỏ không còn đơn điệu, nhàm chán nữa.

Ông Phạm Quang Hưng (tổ trưởng tổ dân phố số 2 P. Đức Thắng) cho biết: "Chính xác là từ năm 2005, khi bắt đầu thành lập phường thì cụ Thịnh cũng bắt đầu vẽ tranh. Trước kia cụ làm công việc bảo vệ, chăm sóc cây cho xã Đông Ngạc nên cũng ít người biết cụ giỏi vẽ tranh. Cho đến khi cụ về hưu thì chính cụ đã làm con ngõ này trở nên nổi tiếng khắp phường".

Theo lời ông Hưng, ngõ Ao Dài thực ra trước giờ không có tên. Cái tên Ao Dài cũng chính là do cụ Thịnh đặt, vì thấy trước cửa nhà có một cái ao nhỏ nhưng rất dài nên khởi xướng gọi vui. Lâu dần người dân thành quen miệng nên gọi theo.

Cụ Thịnh vẽ tranh rất đẹp nhưng cũng có người thích, có người lại không thích. Vì thế, những mảng tường ở ngõ Ao Dài không phải chỗ nào cũng được phủ kín hình vẽ

"Trước khi vẽ bức tường nào cụ đều hỏi xin phép, ai đồng ý thì cụ mới vẽ", ông Hưng nói thêm.

Thi thoảng có một vài hộ dân cho thuê trọ, cần đề biển cấm đổ rác trước cổng, họ nhờ cụ Thịnh vẽ và cụ rất nhiệt tình, làm cho những dòng thông báo khô khan ấy trở nên sinh động hơn. Ảnh: Thu Phương.

Ngoài những bức vẽ rực rỡ sắc màu, ngõ Ao Dài còn trông rất thơ mộng nhờ những chậu cây trang trí khắp trục đường chính. Ông Hưng cho biết, "công trình" cây xanh này do chi hội phụ nữ của phường thiết kế và lắp đặt.

Giữa những ngày đầu hè nóng rực, đi vào ngõ Ao Dài, người ta có cảm giác thanh bình và thư thái lạ thường. Con ngõ nhỏ vừa lung linh sắc màu hoa lá, vừa rực sáng nhờ những bức vẽ ngộ nghĩnh. Các thông điệp thể hiện lòng yêu nước, ngưỡng mộ Bác Hồ kính yêu hay nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch hóa gia đình đều được thể hiện bằng hình vẽ, bút tích bay bổng, ấn tượng.

Ảnh: Thu Phương

Hơn chục năm tồn tại nhưng cho đến bây giờ, có lẽ nhiều người mới biết đến con ngõ xinh đẹp mang tên Ao Dài này. Khi ra về, tôi chợt nghĩ hóa ra ở Hà Nội, đâu đó trong thành phố này, có những người khi tuổi dù đã xế chiều, vẫn ngày đêm miệt mài sống với đam mê của mình. Không mưu cầu tiền bạc hay chờ đợi được ai đó ngợi khen, họ làm những công việc "vác tù và hàng tổng" này đơn giản vì thực tâm muốn cống hiến điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội.

Theo Thu Phương - Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM