TikTok phải chăng là liều 'thuốc độc' với các nghệ sĩ: Bài hát chỉ có 1 đoạn viral, sớm nở tối tàn
Một số nghệ sĩ cho rằng TikTok đang hủy hoại họ.
Nửa đầu năm 2022, một số ca sĩ đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng các hãng sản xuất âm nhạc và đội ngũ marketing liên tục thúc giục họ ra sản phẩm âm nhạc mới trên TikTok. Cốt lõi của vấn đề không nằm ở cá nhân mà là một nền tảng. Theo Vice, những nghệ sĩ này cho rằng TikTok đang hủy hoại họ.
Không ít bản hit của Charlie XCX hay Halsey trở nên phổ biến hơn thông qua những điệu nhảy và nhập vai vui nhộn trên TikTok. Tất nhiên, điều này có ý nghĩa nhất định với các nghệ sĩ và hãng trả tiền cho họ, đặc biệt là khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của kỹ thuật số như hiện nay.
Ảnh: Internet.
Mặt khác, đối với những người coi âm nhạc của mình là nghệ thuật và sự giải phóng cảm xúc, TikTok dường như là nền tảng không phù hợp để quảng bá. Nó đã loại bỏ suy nghĩ rằng họ là một nghệ sĩ độc lập và tạo ra xung đột giữa hãng thu âm và nghệ sĩ – cuộc chiến làm nổi bật sự chia rẽ trong các thế hệ âm nhạc.
Đối với những tài năng trẻ như Lil Nas X - những người thu được không ít lợi ích từ các nền tảng như TikTok, đây được coi là công cụ quảng bá đem lại hiệu quả cao mà không tốn quá nhiều chi phí. Bên cạnh đó, TikTok cũng là công cụ quan trọng để các nghệ sĩ tăng cường kết nối với fan nhỏ tuổi.
Trong khi đó, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Hasley – người đã nổi tiếng từ khi TikTok vẫn được gọi là Musicall.y, bộc lộ sự chán ghét với nền tảng này. Mới đây, cô lên tiếng về việc bị hãng đĩa gây khó dễ, không cho phép phát hành ca khúc mới vì nó chưa viral trên TikTok.
Trong những năm gần đây, TikTok đã trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc và những nghệ sĩ như Hasley không hài lòng lắm về điều đó. Một số nghệ sĩ khác, như Florence Welch của Florence and the Machine, FKA Twigs và Charlie XCX cũng có quan điểm tương tự.
Nữ ca sĩ Hasley (Ảnh: Internet).
Có một sự thật là mạng xã hội đã tạo ra cách kết nối mới với người nổi tiếng nhưng nó cũng kéo theo một loạt vấn đề mới. Mặc dù về mặt nào đó, TikTok là một kênh tích cực. Tuy nhiên, theo Vice, một bộ phận nghệ sĩ đã thành danh từ trước lại coi nền tảng này là cỗ máy marketing đang chiếm dần quyền kiểm soát với sản phẩm âm nhạc của họ.
Có vẻ như ngành công nghiệp âm nhạc đã trở nên quá phụ thuộc vào các ứng dụng như TikTok để quảng bá. Ngoài ra, tính hợp lệ và quyền lợi của chính các nghệ sĩ cũng chưa được chú trọng.
"Các hãng đĩa quá lười biếng trong việc quảng bá. Vì vậy, họ muốn TikTok làm thay việc đó một cách hiệu quả", một người dùng Twitter viết.
Trong những năm gần đây, các hãng cũng đã ký hợp đồng quảng cáo chéo với nghệ sĩ trên TikTok. Đây là giải pháp phù hợp với ngân sách - phương pháp thay thế rẻ hơn so với các hình thức quảng cáo khác. Những người có ảnh hưởng trên Internet cũng được trả tiền để tạo nội dung "ăn theo" bài hát của nghệ sĩ.
Thế nhưng, trước sự trỗi dậy của những ngôi sao nổi lên nhờ TikTok, nhiều nhãn hàng đang nỗ lực để chạy theo các xu hướng mà trước đây không liên quan đến họ.
Những năm 1980, nhóm nhạc The Buggles đã truyền tải thông điệp rằng video đã giết chết các ngôi sao radio qua bài hát Video Killed the Radio Star. Khi MTV ra đời khiến video ca nhạc bùng nổ, nhiều ban nhạc đã nhanh chóng thể hiện sự chán ghét, cho rằng video đã lấy đi khả năng cảm thụ âm nhạc của khán giả.
Dù thương mại hóa MV và marketing trên TikTok cách nhau hàng thập kỷ nhưng chúng có chung "điềm báo" là bước chuyển tiếp theo (đôi khi không mong muốn) trong sự phát triển của ngành.
Nguồn: Vice