Nhà sáng lập Duolingo: Bỏ túi 700 triệu USD nhờ hàng triệu người tự nguyện làm việc miễn phí mỗi ngày, app có 300 triệu người dùng mới PR lần đầu

25/05/2022 13:47 PM | Kinh doanh

Người đàn ông này từng từ chối lời mời về Microsoft của Bill Gates và là người tạo ra mã CAPTCHA quen thuộc.

Luis Von Ahn là một giáo sư toán học từng được đích thân tỷ phú Bill Gates dành 45 phút để thuyết phục anh gia nhập Microsoft. Thế nhưng, trái với dự đoán của mọi người, Luis đã từ chối Bill Gates (khi đó là người giàu nhất thế giới) một cách lịch sự nhất có thể.

Luis chính là người tạo ra CAPTCHA – mã kiểm tra đã trở nên quen thuộc với phần lớn người dùng Internet. CAPTCHA được Yahoo triển khai một tuần sau khi ra mắt và sau này được Google mua lại.

Bên cạnh việc là một giáo sư toán học. Luis còn là người có đầu óc kinh doanh và tầm nhìn. Một lần, anh nhận ra rằng dù mỗi người chỉ mất vài giây để nhập một mẫu Captcha nhưng nếu tính tổng số người dùng Internet khổng lồ trên toàn cầu, mỗi ngày, sẽ có đến hàng trăm nghìn giờ lao động được đổ vào Captcha.

Để tận dụng sức lao động hoàn toàn miễn phí của người dùng, Luis ra mắt reCAPTCHA năm 2007. Kế hoạch kinh doanh mới của anh nhanh chóng hoạt động hiệu quả. Sau đó, Luis ký hợp đồng với nhiều tờ báo danh tiếng như CNN, New York Times… để điện tử hóa các bài viết cũ.

Nhà sáng lập Duolingo: Bỏ túi 700 triệu USD nhờ hàng triệu người tự nguyện làm việc miễn phí mỗi ngày, app có 300 triệu người dùng mới PR lần đầu - Ảnh 1.

Chân dung Luis Von Ahn (Ảnh: Internet).

Theo một thống kê, chỉ trong 1 năm, đã có hơn 440 triệu từ được điện tử hóa thành công nhờ reCAPTCHA. Ước tính, người dùng Internet toàn cầu đã "tự nguyện" số hóa 2,3 triệu cuốn sách mỗi năm mà không hề hay biết. Năm 2009, reCAPTCHa được Google mua lại với giá 30 triệu USD.

Sau thành công của CAPTCHA và re CAPTCHA, Luis thành lập nền tảng học ngôn ngữ miễn phí Duolingo. Chỉ 2 năm sau, công ty đạt mức định giá 20 triệu USD. Thời điểm hiện tại, con số đó đã tăng lên hơn 3 tỷ USD.

Luis nhận thấy những người biết tiếng Anh có xu hướng tăng gấp đôi thu nhập. Tuy nhiên, học ngoại ngữ không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là tại các khu vực có thu nhập thấp.

Hơn nữa, phần lớn các tài liệu trên Internet thời điểm đó đều bằng tiếng Anh. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ người biết ngôn ngữ này mới có cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức đó. Vì vậy, Luis quyết định hợp tác với Severin Hacker để tạo ra cách học tiếng Anh miễn phí cho bất kỳ ai trên thế giới có kết nối Internet.

Có nhiều kinh nghiệm từ những sản phẩm trước, Luis biết rằng Duolingo cần cách nào đó để kiếm tiền bởi tiền túi của anh không thể tài trợ mãi cho dự án kinh doanh mới. Do đó, Luis hợp tác cùng một người từng làm việc cùng anh trong dự án CAPTCHA để vừa dạy người dùng ngoại ngữ, vừa để họ đem tiền về cho ứng dụng.

Nhà sáng lập Duolingo: Bỏ túi 700 triệu USD nhờ hàng triệu người tự nguyện làm việc miễn phí mỗi ngày, app có 300 triệu người dùng mới PR lần đầu - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Duolingo dựa trên một điều duy nhất: Có hàng tỷ người trên thế giới có nhu cầu và đang tìm cách hiệu quả để học ngoại ngữ. Đây là yếu tố quan trọng mà Duolingo sử dụng để thiết lập chiến lược kiếm tiền của mình.

Khi học bất cứ ngôn ngữ nào qua Duolingo, người dùng không chỉ được cung cấp các từ ngẫu nhiên mà đôi khi là một câu ngẫu nhiên để dịch. Đây có thể là đoạn trích từ một bài báo của một trong những khách hàng của Duolingo như CNN hay New York Times.

Tất nhiên, người học ngôn ngữ không như người dịch thuật chuyên nghiệp. Để đảm bảo bản dịch chính xác, Duolingo sử dụng thuật toán để biến 10 bản dịch nghiệp dư thành 1 bản dịch chuyên nghiệp.

Đồng thời, ngoài chi phí công nghệ ban đầu, đó là hành động dịch "miễn phí". Nếu New York Times trả 0,1 USD cho mỗi từ cho bản dịch của họ và phải phân bổ nhân lực để quản lý quy trình, Luis có thể cung cấp bản dịch với giá 0,05 USD/từ.

Với đủ người dùng đăng ký, Duolingo có thể dịch các bài viết trong cả năm chỉ trong vài ngày. Điều này giúp Luis thu khoảng 42.000 USD sau mỗi lần lặp lại.

Nhà sáng lập Duolingo: Bỏ túi 700 triệu USD nhờ hàng triệu người tự nguyện làm việc miễn phí mỗi ngày, app có 300 triệu người dùng mới PR lần đầu - Ảnh 3.

Ảnh: Cafebiz.

Ngoài ra, nhờ Duolingo đầu tư rất nhiều vào giao diện và chất lượng khóa học, 30% người dùng tiếp tục sử dụng ứng dụng sau 1 tuần đăng ký tài khoản miễn phí. Đến năm 2015, công ty thay đổi hướng kiếm tiền bằng cách giới thiệu "Duolingo Test Center", cung cấp bài kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh qua hình thức online. Thí sinh không cần đăng ký trước lịch thi cũng như không cần đến địa điểm tổ chức.

Họ có thể làm bài tại bất kỳ đâu, chỉ cần máy tính kết nối Internet. Sau 48 tiếng từ thời điểm kết thúc, người thi sẽ nhận được kết quả cùng giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ. Mức phí của bài kiểm tra này của Duolingo là 20 USD, bằng 1/7 so với bài kiểm tra cùng loại.

Sau khi đạt mức định giá 500 triệu USD vào khoảng năm 2016, Duolingo bắt đầu chèn quảng cáo vào ứng dụng miễn phí. Người dùng có thể trải nghiệm toàn bộ tính năng, không bị làm phiền bởi quảng cáo cũng như tải bài học để học ngoại tuyến khi mua phiên bản trả phí của Duolingo.

Tính đến năm 2020, Duolingo có hơn 500 triệu người dùng đăng ký và 42 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng 1 lần. Ước tính, Luis sở hữu khối tài sản trị giá 700 triệu USD.

Nguồn: Medium, Courier

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM