Tiết lộ "khủng" về hậu trường Mắt Biếc: Công nghệ 3 triệu USD tầm cỡ thế giới, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa hoàn toàn
Những chia sẻ từ Giám đốc Kỹ thuật Mắt Biếc đã cho thấy quy mô chi tiết của công nghệ tiên tiến áp dụng vào mọi góc cạnh sản xuất bộ phim.
"Mắt Biếc" đã và đang là một từ khóa hot những ngày cuối năm 2019, nổi lên là một bộ phim Việt đáng mong chờ nhất nhờ sự hấp dẫn lan tỏa ngay từ khi đăng tải trailer. Tên tuổi của đạo diễn Victor Vũ sau thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng góp phần khiến cho "Mắt Biếc" được thơm lây, ngày càng khẳng định được sức hút tại các rạp trên toàn quốc. Ở diễn biến mới nhất, doanh thu "Mắt Biếc" đã vượt ngưỡng 100 tỷ đồng.
Với chiến thắng lừng lẫy như vậy, chắc chắn những công sức đầu tư cho "Mắt Biếc" là không thể coi nhẹ. Đặc biệt nhất, trong một cuộc trò chuyện gần đây với anh Trương Huyền Đức - Giám đốc Kỹ thuật cho "Mắt Biếc" - rất nhiều điều thú vị và bất ngờ đã được anh tiết lộ về hậu trường phim cũng như cách thức ứng dụng công nghệ tinh vi vào quá trình sản xuất phim.
Họ và tên: Trương Huyền Đức
Quá trình làm việc/chức vụ đảm nhận:
- Giám sát kĩ thuật thiết kế ý tưởng cho Paramount Pictures, Warner Bros và Industrial Light & Magic,...
- Phim quốc tế tham gia sản xuất: Star Wars Rogue One, Star Wars The Last Jedi, Blade Runner 2049, Thor Ragnarok,...
- Phim Việt Nam tham gia sản xuất: Hồn Papa Da Con Gái (giám đốc mỹ thuật), Mắt Biếc (giám đốc kĩ thuật)
Ứng dụng ngập nhà, tự động hóa mọi thứ
Ngay từ giây phút đầu tiên, anh Đức đã không ngần ngại chia sẻ về quy mô và sự dàn dựng công phu dành cho Mắt Biếc liên quan tới ứng dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến, chi li trong gần như mọi thao tác làm phim. Càng nghe, mọi thứ càng trở nên say mê và bất ngờ hơn theo từng nhịp độ câu chuyện, đủ sức để khiến một tín đồ phim Việt chân chính cũng phải ngã ngửa vì những thứ được hé lộ.
"Mắt Biếc xài rất nhiều app để hỗ trợ làm việc, can thiệp nhiều thứ từ thực nghiệm và xem xét địa điểm quay cho tới điều khiển camera, hay truyền hình trực tiếp nội bộ từ Huế (trường quay) về Sài Gòn để đánh giá. Ngay cả việc chọn góc máy quay cũng được tính toán bởi app giả lập ống kính máy quay, có thể ghi lại chính xác vị trí đặt máy cùng dữ liệu ánh sáng, thời tiết dự tính lúc đó. Chẳng hạn khi biết đúng 5h35 sáng sẽ có nắng lọt qua tán lá này thì ê-kíp sẽ lên kế hoạch ra chuẩn bị ngay từ 3h sáng, tập dượt từ 4h30 để sẵn sàng bấm máy kịp lúc ngay khi nắng lên."
Một số app được anh Đức kể tên như Artemis cho việc giả lập máy quay, Sun Conveyor cho mục đích dự tính hướng chiếu của mặt trời... Được biết, những cách thức và phương pháp này đã từng được áp dụng cho các phim Việt Nam khác trước đó, nhưng Mắt Biếc là trường hợp đầu tiên đạt mức ứng dụng toàn diện. Nhờ vậy, tốc độ làm việc được đẩy cao và mượt mà hơn trong mọi giai đoạn, không làm ảnh hưởng tới việc diễn xuất và bày tỏ cảm xúc của diễn viên.
"Trường quay có hệ thống Wi-Fi dạng lưới (mesh Wi-Fi) phủ sóng mạnh mẽ toàn bộ xung quanh thông qua một bộ phát chính và nhiều bộ thu nhận phụ. Ngoài đó, mỗi người cầm một chiếc iPad để xem livestream hình quay từ camera, không cần túm tụm lại một chỗ xem cùng nhau. Máy quay cũng được điều khiển và chỉnh thông số từ xa nhờ app Pomfort Remote Control," ngày càng nhiều chi tiết hứng thú hơn được anh Đức chia sẻ.
Trí tuệ nhân tạo cũng là chuyện nhỏ
Sau khi hoàn thành xong các cảnh quay, dữ liệu ghi hình sẽ được xử lý bằng MacBook kết hợp eGPU (card đồ họa gắn rời di động) và tải lên hệ thống cho đội ngũ ở Sài Gòn chỉnh sửa ngay lập tức. Trong đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo với tên gọi IRIDIUM AI cũng đóng góp một phần không nhỏ trong khâu hoàn thiện hình ảnh của Mắt Biếc.
"Khoảng 2 tuần cuối, AI mới được đưa vào áp dụng cho Mắt Biếc do vừa nghiên cứu xong, gồm nhiều phần và đều được tự tay lập trình trong gần 1 năm trước đó," anh Đức cho biết thêm.
Kết quả sau khi sử dụng AI xử lý cảnh quay.
Đây mới chính là phần hồi hộp và bất ngờ nhất trong câu chuyện của anh Trương Huyền Đức. Thực chất, dự án AI này trực thuộc biên chế Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (phụ trách giải Oscars danh giá hàng năm) với kinh phí nghiên cứu khoảng 3 triệu USD. Anh Đức lãnh đạo nhóm 5 người cùng phát triển phần ứng dụng xử lý và nâng cấp, tăng độ phân giải cho hình ảnh, trong đó một mình anh là người Việt Nam. Những phần còn lại bao gồm tính năng nhận diện chuyển động, xử lý màu sắc và lấy nét, chèn mặt và thay thế giọng nói, thậm chí cả thực tế tăng cường (AR)...
Nhờ vậy, những cảnh phim của Mắt Biếc có độ nét thấp sẽ được AI phát hiện, sau đó tìm nội dung phù hợp từ hệ thống để chèn vào, tăng cường độ sắc nét cho ảnh gốc. Tổng quá trình xử lý cho Mắt Biếc "ngốn" 3 ngày liên tiếp, chạy cùng lúc bởi 20 máy tính trang bị toàn linh kiện khủng.
Dưới đây là những ví dụ trực quan nhất trước và sau khi ứng dụng AI vào quá trình làm phim. Mời các bạn thưởng thức và cảm nhận: