Tiền ảo Ripple sẽ đánh bật Bitcoin, Ethereum?
Tính đến hết quý II-2017, tiền ảo Ripple (XRP) có mức giá 0,263 USD - tăng gần 1.159% so với quý I và gần 4.000% so với hồi đầu năm, CNBC cho biết.
Đồng tiền ảo này là sản phẩm của Ripple - một startup có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) sử dụng công nghệ thuật toán chuỗi khối (blockchain) để tăng tốc độ giao dịch giữa các ngân hàng lớn hàng đầu trên thế giới.
Hiện đồng tiền này đang được niêm yết tại 30 sàn giao dịch trên thế giới. Giá trị vốn hóa của Ripple đang ở vị trí thứ ba trong thị trường tiền ảo, chỉ sau Bitcoin và Ethereum. Chỉ tính riêng trong quý II, Ripple đã ghi nhận được 11,06 tỷ USD giá trị giao dịch của đồng XRP.
Dù vậy, không giống như Ethereum và Bitcoin được giao dịch tự do trên thị trường, đồng XRP chủ yếu do công ty Ripple sở hữu và được dùng để phục vụ cho các giao dịch thanh toán quốc tế. Hồi tháng Năm, Chủ tịch của Ripple - Miguel Vias đã công bố kế hoạch đấu thầu đồng tiền của mình.
Ông Vias cũng bày tỏ lạc quan về tương lai của Ripple và các loại tiền ảo khác bất chấp thị trường tiền kỹ thuật số đang đầy biến động cũng như xuất hiện sự chia rẽ tiềm năng của đồng Bitcoin hiện nay.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy là sự vươn lên mạnh mẽ của các tài sản kỹ thuật số khi có những định chế tài chính lớn như Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang nghiên cứu áp dụng tiền kỹ thuật số, giống như Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đang làm. Chúng tôi đang cân nhắc đấu thầu đồng tiền của mình. Chúng tôi đang đi đúng hướng và XRP sẽ tiếp tục phát triển", ông cho biết.
Hiện đã có hơn 50 ngân hàng lớn trên thế giới chấp nhận sử dụng Ripple vào mạng lưới thanh toán thời gian thực, bao gồm: Standard Chartered, Accenture Ventures, SCB Digital Ventures, Ngân hàng thương mại Siam (Thái Lan), SBI Holdings (Nhật Bản)...
Ra đời từ năm 2012, mạng lưới Ripple được đánh giá cao về tính ứng dụng. Mục đích chính của mạng lưới này là hỗ trợ người dùng có thể sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng, Paypal, ngân hàng... để giao dịch với chi phí thấp trong thời gian nhanh chóng.
Ripple xuất hiện trong bối cảnh đại đa số các giao dịch thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng hiện nay phải tốn nhiều ngày mới có thể hoàn thành, chưa kể các giao dịch này phải chịu mức phí rất cao do tỷ giá ngoại tệ, phần trăm lãi suất, chi phí trung gian... Nhờ khắc phục được những bất cập trên nên giá trị của đồng XRP đã nhanh chóng tăng lên hàng chục lần trong thời gian ngắn, theo CNBC.