Tiềm năng nào cho mô hình văn phòng làm việc chung, co-working space, tại Việt Nam?

23/08/2017 14:15 PM | Kinh doanh

Phân khúc co-working đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là hai thành phố lớn Hồ Chính Minh và Hà Nội. Vậy nguyên nhân của sự phát triển này là gì và liệu nó có bền vững không?

Trước đây, để có một chỗ làm việc ổn định, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp thuê văn phòng. Mô hình này có đặc điểm là chi phí cao, thường đóng tiền theo quý hoặc theo năm nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup.

Từ thực tế ấy, một mô hình mới với tên gọi “co-working space”, không gian làm việc chung, đã ra đời. Xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 2012 nhưng chỉ sau 5 năm, mô hình này đã phát triển với tốc độ mạnh mẽ. Ở Hà Nội, có thể kể đến một số cái tên như UP, Toong, iHouse… còn ở thành phố Hồ Chí Minh là Dreamplex, Work Saigon, Start Saigon,…

So với hình thức thuê văn phòng truyền thống, điểm nổi bật nhất ở mô hình không gian làm việc chung chính là chi phí. Thay vì phải đóng một khoản tiền thuê lớn cộng thêm chi phí trả điện, nước,…mỗi tháng, người thuê tùy theo nhu cầu có thể lựa chọn các gói thanh toán theo ngày, tháng hoặc năm. Mức giá thấp nhất vào khoảng 100.000 đồng/người/ngày, 1,5-2 triệu đồng/người/tháng và cao nhất tầm trên 10 triệu với văn phòng riêng. Chi phí này đã bao gồm tiền điện nước, gửi xe, Internet... miễn phí trà, cà phê nên được cho là khá phù hợp với những người mới khởi nghiệp hay có nhu cầu di chuyển nhiều.

Nam, thành viên một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cho biết đã bắt đầu làm việc tại Up Coworking Space được khoảng 1 tháng nay. Cậu khá hài lòng với dịch vụ tại đây vì “không bị giới hạn về giờ giấc, thích đi lúc nào thì đi, đến lúc nào thì đến kể cả nửa đêm”. Hơn nữa, văn phòng “có cà phê miễn phí mà chỉ cần trả 1.500.000 đồng cho cả tháng, tính ra còn rẻ hơn mức giá ngồi cà phê mỗi ngày”.


Một góc tại Up chi nhánh Lương Yên (Hà Nội).

Một góc tại Up chi nhánh Lương Yên (Hà Nội).

Một điểm cộng khác của mô hình làm việc chung là tính cộng đồng. Khu vực này thiết kế dạng không gian mở, chưa kể là nơi diễn ra nhiều sự kiện giao lựu, chia sẻ ý tưởng, sản phẩm mới… nên các startup, các doanh nhân trẻ có nhiều cơ hội kết nối, mở rộng mạng lưới quan hệ và học hỏi kinh nghiệm.

Ở một thị trường nơi hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 30% dân số là người trẻ (15-34 tuổi), mô hình làm việc chung đang chứng tỏ sức tăng trưởng tốt.

Số liệu cập nhật đến tháng 6/2017 chỉ ra nguồn cung không gian làm việc chung tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm. Đến nay cả nước đã có 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm, không chỉ giới hạn ở hai thành phố lớn mà còn lan ra các khu vực như Đà Nẵng, Hải Phòng, Vũng Tàu...

“Sáng tạo và linh hoạt là hai giá trị đang ngày càng được đánh giá cao và theo đuổi. Một cách tự nhiên, phân khúc co-working đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của một thế hệ doanh nghiệp mới”, bà Hoàng Diệu Trang, quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết.

Câu hỏi đặt ra là mô hình co-working sẽ đi về đâu? Một số người có thái độ hoài nghi về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của loại hình không gian làm việc chung nhưng rõ ràng, xu hướng mới này đã và đang đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng trên thị trường văn phòng.

“Trái với số lượng lớn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, số lương không gian làm việc chung hiện vẫn hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu vẫn tiếp tục tăng bởi thế hệ người lao động mới đang ngày càng đánh giá cao sự linh hoạt của mô hình co-working”.

Bà Trang cũng cho biết tại các thị trường phát triển, dù xuất hiện trước Việt Nam khá lâu nhưng mô hình không gian làm việc chung vẫn đang bùng nổ, dần được tích hợp vào các loại hình bất động sản khác như mặt bằng bán lẻ và khách sạn thành thị. Do đó, mô hình co-working “chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển tuân theo các chu kỳ kinh tế và biến đổi để phù hợp với những thay đổi trong cách làm việc của thế hệ lao động mới”.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM