Người sáng lập UP Co-working: Phải liên tiếp thất bại mới gặt hái được thành công
Từng nhiều năm khởi nghiệp và gặt hái thành công tại Thung lũng Silicon, Mỹ trước khi trở về Việt Nam, Đỗ Hoài Nam đề cao sự chăm chỉ của con người và nhấn mạnh thành công đạt được sau chuỗi dài thất bại nhỏ.
Đỗ Hoài Nam, sinh năm 1977, từng là học sinh chuyên vật lý của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Năm 1995, Nam giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và theo chương trình học dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Úc).
Năm 2003, Nam cùng bạn bè thành lập Emotiv Systems, với sản phẩm “máy đo bộ não người”. Năm 2010, công ty đạt doanh thu đến 10 triệu USD. Năm 2013, Nam rời vị trí quản lý của Emotiv và theo các hoạt động khởi nghiệp khác. Năm 2016, Nam là đồng sáng lập chuỗi chia sẻ chỗ làm việc UP Co-working với văn phòng đầu tiên tại Lương Yên, Hà Nội.
Học cách sẵn sàng đối mặt với thất bại
Nhiều người Việt Nam biết tới vai trò của anh trong Emotiv Systems nhưng không rõ vì sao anh rời khỏi nó lúc tên tuổi của công ty này đang nổi tiếng không chỉ ở Thung lũng Silicon mà cả nước Mỹ và thế giới?
Đến lúc này, Emotiv không còn là công ty khởi nghiệp mà đã trở thành một tên tuổi lớn. Tôi góp mặt trong quá trình phát triển Emotiv Systems từ năm 2003 đến 2013. Dù đã trở thành công ty lớn nhưng cá nhân tôi quyết định không tiếp tục điều hành nó vì bản thân mình là người đam mê những cái mới. Tôi muốn làm những cái gì tạo ra giá trị mới cũng như có cơ hội làm thêm những cái mới.
Mọi người đều biết tới thành công của anh nhưng chẳng biết gì nhiều về những thất bại mà anh đã trải qua để có được thành công đó. Anh có thể chia sẻ điều gì về những thất bại của bản thân mình?
Trong mỗi sự thành công thường có cả chuỗi thất bại. Tôi có quan điểm rằng, để thành công mà không gặp phải thất bại lớn thì chúng ta phải trải qua rất nhiều thất bại nhỏ cũng như đối mặt với chúng. Trong khởi nghiệp, mình cần phải tạo ra hệ thống mà mình liên tiếp thất bại để có thể gặp hái được những thành công. Nếu chúng ta gặp nhiều thất bại nhỏ, chúng ta có thể tránh được thất bại lớn.
Ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ về thất bại trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh: Duy Minh
Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1999 và có rất nhiều bài học trong suốt 17 - 18 năm qua. Với nhiều người, những kinh nghiệm đó có thể viết được thành sách nhưng mình không có năng khiếu. Rất khó để nêu cụ thể từng cái một nhưng những bài học nằm trong mọi lĩnh vực như nhân sự, đầu tư, tổ chức.
Với tôi, bài học về con người là quan trọng nhất. Người ta vẫn nói rằng không ai đúng 100% và ngay cả cái đồng hồ chết cũng đúng được 2 lần mỗi ngày. Chính vì thế, điều quan trọng là nhận ra sai lầm và thay đổi. Nếu có đội ngũ con người tốt, chúng ta luôn luôn có thể sửa chữa những sai lầm đó. Khi chúng ta tự tin về khả năng thay đổi của những con người nằm trong bộ máy của chúng ta, hãy cho phép họ sai lầm. Nói cách khác, để thành công, chúng ta cần tạo ra nền tảng cho sự thất bại.
Việt Nam có nguy cơ chảy máu nhân tài công nghệ
Là người từng trải và có kinh nghiệm khởi nghiệp cả ở Mỹ và Việt Nam, anh thấy đâu là điểm khác biệt?
Có những khác biệt rất lớn nhưng chủ yếu là trình độ. Thung lũng Silicon là nơi tập trung của những người giỏi nhất thế giới. Nó chẳng khác gì một thỏi nam châm thu hút nhân tài, nguồn lực và thị trường. Trong tất cả các ngành, thị trường Mỹ luôn bằng 40% tổng nhu cầu của thế giới. Những điều kiện này tạo cho Thung lũng Silicon một vị thế không thể bị lung lay.
Tuy nhiên, trong trật tự về khởi nghiệp, đặc biệt là về khoa học công nghệ, một sự thay đổi đang xảy ra trên khắp thế giới. Trước đây, mọi thứ đều bắt nguồn từ Thung lũng Silicon nhưng hiện nay, nơi đây chỉ còn đóng vai trò trung tâm hay thủ đô của khởi nghiệp. Bên cạnh đó có nhiều vệ tinh như London ở châu Âu hay Thượng Hải, Hồng Kông ở Đông Bắc Á. Tại Đông Nam Á, có một cuộc chiến giữa để giành lấy vị thế này dù Singapore đang có dấu hiệu dẫn trước.
Sở dĩ Singapore chưa trở thành vệ tinh trong mạng lưới này bởi nguồn lực kém và thị trường nhỏ. Lợi thế lớn nhất của họ chỉ là tiền bởi các quỹ đầu tư lớn trong khu vực đều có trụ sở ở Singapore. Bản thân nhiều nước Đông Nam Á đang góp mặt trong cuộc chạy đua này nhưng Việt Nam, dù có nhiều điều kiện thuận lợi và ở vị trí tốt, lại quyết định đứng bên ngoài.
Cá nhân tôi rất mong đợi Việt Nam tham gia cuộc đua này. Đông Nam Á là một thị trường hàng trăm triệu dân trong khi Việt Nam đông dân thứ 2 chỉ sau Indonesia. Về nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ, Việt Nam cũng đang có lợi thế. Chúng ta chỉ thiếu tiền nhưng vấn đề này có thể được giải quyết nếu thu hút thành công các quỹ đầu tư. Việt Nam có điều kiện thuận lợi và buộc phải trở thành một vệ tinh trên mạng lưới công nghệ mà Thung lũng Silicon là trung tâm nếu không muốn chảy máu nhân tài trong lĩnh vực này.
Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một vệ tinh trong mạng lưới mà Thung lũng Silicon là trung tâm. Ảnh: Duy Minh
Anh đánh giá như thế nào về môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Hiện tại, khởi nghiệp ở Việt Nam đã tốt hơn 2 năm trước rất nhiều. Lực lượng khởi nghiệp đã thành công trong việc khó nhất là thay đổi nhận thức của nhà nước và xã hội về khởi nghiệp. Mọi người hiểu rằng start-up là tương lai của đất nước. Tuy nhiên, với Việt Nam, điều này khó có thể xảy ra trong ngày một ngày hai vì xuất phát điểm thấp. Dẫu vậy, điều khó nhất đã được thực hiện và môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ ngày càng tốt lên.
Thêm vào đó, chất lượng nguồn lực ở Việt Nam đang được cải thiện nhiều với đội ngũ du học sinh hồi hương hay thậm chí là những người nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến. Người Việt Nam chúng ta rất thông minh nhưng ít người giỏi vì chúng ta thiếu đi những trải nghiệm cần thiết. Việc tăng những trải nghiệm sẽ giúp Việt Nam phát triển.
Trong start-up, quản trị thời gian là sự thất bại
Bài toán nhân sự có phải vấn đề hóc búa nhất với giới khởi nghiệp ở Việt Nam?
Nhân sự luôn là bài toán khó nhất với tất cả các ngành. Mọi giá trị mà chúng ta đang sử dụng đều được tạo ra bởi con người. Nếu bài toán nhân sự tốt, các bài toán khác như tài chính hay kinh doanh sẽ tự được giải quyết. Tuy nhiên, nhiều nhận thức về nhân sự khởi nghiệp hiện tại đang đi theo hướng truyền thống và chưa thực sự tối ưu hoá nguồn lực.
Với một công ty khởi nghiệp, ý tưởng là quan trọng nhưng việc thực hiện ý tưởng mới là điều quan trọng nhất. Với một đội ngũ tốt, ý tưởng sai có thể được điều chỉnh trong quá trình làm việc và trở nên đúng và ngược lại, nếu đội ngũ kém thì ý tưởng tốt cũng sẽ trở nên sai lệch. Tuy nhiên, không ai có thể thành công nếu không có đội ngũ. Vì thế, cần cho mọi người cảm giác việc công ty là việc của mình.
Bài toán nhân sự là vấn đề học búa nhất với tất cả các ngành, không chỉ với giới khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh: Duy Minh
Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn không dễ. Trong bối cảnh doanh nghiệp khởi nghiệp thường không có tiền, chìa khoá để thu hút nhân tài là tầm nhìn và cổ phần trong chính công ty. Chúng sẽ là động lực để mọi người đều cảm thấy việc họ đang làm là làm cho bản thân mình.
Khi còn làm ở Emotiv Systems, có một chính sách về nhân sự rất hiệu quả là cho phép mọi người được tự do trong ngày thứ sáu. Trong ngày này, những người có dự án cá nhân, họ có quyền sử dụng mọi nguồn lực của công ty để làm việc riêng cho mình. Đây là chính sách rất hữu ích trong việc kích thích sự sáng tạo của con người. Tôi cũng đang áp dụng chính sách này với những công ty nằm dưới sự đầu tư của mình.
Là người quản lý, tôi luôn muốn mang lại sự tốt nhất cho nhân viên thay vì đòi hỏi họ mang lại sự tốt nhất cho công ty. Việc tạo cơ hội cho nhân viên phát triển tốt nhất là điều vô cùng quan trọng. Trong tất cả các công ty của mình, tôi chưa bao giờ sử dụng phương pháp quản trị về thời gian vì quan niệm rằng quản trị về thời gian là sự thất bại. Với những con người không muốn cống hiến hết mình, họ không thể làm được start-up.
Với khởi nghiệp, chỉ có thể bay cao lên trời hoặc ngã sấp mặt xuống đất. Không có khái niệm làng nhàng ở giữa. Chính vì thế, trong giai đoạn đầu tiên của khởi nghiệp, quản trị nhân sự hoàn toàn khác so với quản trị nhân sự trong doanh nghiệp. Bài toàn lúc này là làm sao để tối ưu hoá nguồn lực con người và phối hợp giữa các đội ngũ.
Bài toán nhân sự ở Việt Nam và Mỹ có giống nhau?
Trong lĩnh vực tôi làm, sự khác biệt không lớn. Khó khăn đặc thù ở Việt Nam là nhân tài có nhiều trải nghiệm. Tuổi khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon là 35 năm, khi người ta thường có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực họ làm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người khởi nghiệp đôi khi còn trẻ quá. Các bạn ấy ít kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực họ làm.
Ngoài ra, ở Việt Nam, ngay cả những bạn trẻ đều nghĩ tới việc rời văn phòng quá sớm. Tầm 5 tới 6h chiều, các bạn ấy đã tính chuyện ra về. Ở Mỹ, thông thường người ta làm việc 14 – 16h/ngày, 7 ngày/tuần. Khi trình độ tương đương, thời gian làm việc là yếu tố quyết định tới thành công.
Chăm chỉ là một tài năng. Tuy nhiên, Việt Nam đang không đánh giá cao sự chăm chỉ. Ngoài ra, thể trạng người Việt Nam cũng tương đối yếu. Dù đã ở tuổi 40 nhưng ít nhất tháng nào tôi cũng một lần làm thông 2 ngày. Trước đây là 1 tuần tôi làm thông 2 ngày một lần. Tuy nhiên, các bạn trẻ Việt Nam thường không làm được điều đó. Khi thức đêm và bước sang ngày thứ 2, các bạn ấy chỉ còn khoảng 20% năng suất. Với khởi nghiệp, năng suất cao trong ngày thứ 2 và thứ 3 là điều tối quan trọng.