“Tiềm năng của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang rất lớn”
Tại tại Hội thảo - Triển lãm Banking Vietnam 2019, chuyên gia đánh giá tiềm năng thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang rất lớn, nhưng nhiều thách thức.
"Đã có nhiều chuyển biến"
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như ban hành các quyết định phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công...
Về phía các tổ chức tín dụng, nắm bắt được sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu ngày càng gia tăng về thanh toán trực tuyến cũng như sự tiện lợi trong thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, hầu hết các ngân hàng đã thiết lập và nâng cấp hệ thống core banking, phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, tích hợp đa kênh thanh toán hiện đại trên di động, trên Internet, dịch vụ nhắn tin chủ động… đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tại Hội thảo - Triển lãm Banking Vietnam 2019 với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” tổ chức sáng nay (30/5), bà Nguyễn Thị Diễm Hiền, Giám đốc Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết, tỷ lệ tiền mặt lưu thông/tổng phương tiện thanh toán từ năm 2012 đến nay vẫn ở mức khoảng 12%/năm, tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu có xu hướng giảm.
“Điều này thể hiện nhận thức và thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có những chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng tiền mặt”, bà Hiền cho biết.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia từ năm 2013 đến nay có sự gia tăng rất mạnh.
Nếu như năm 2013 chỉ có hơn 10,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 8.186 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2018, con số này đã lên tới gần 39,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 19.655 nghìn tỷ đồng.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tham gia của các công ty Fintech, số lượng giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia tăng đều từ năm 2012 đến năm 2016 và bắt đầu tăng nhanh từ cuối năm 2017. Và sang năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán tiếp tục tăng mạnh, tới 23,45% so với năm 2017.
Theo đánh giá của Giám đốc Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, điều này cho thấy tiềm năng của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt đang là rất lớn.
"Rào cản lớn nhất vẫn là thói quen"
Tuy nhiên, cũng theo bà Hiền, để hướng tới một thị trường thanh toán không dùng tiền mặt phát triển hơn, Việt Nam sẽ còn phải vượt qua khá nhiều thách thức. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân.
Trong khi đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán được coi là vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử chưa tạo được sự an tâm cho người sử dụng.
Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bà Hiền cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, nhất là khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại trong thanh toán.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó, giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Cụ thể, cần triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ, triển khai có hiệu quả một số đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.
Nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học… nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự bứt phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.
Đối với các tổ chức tín dụng, chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị, phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển cả số lượng và chất lượng của hệ thống chấp nhận thẻ, hệ thống máy ATM , tích hợp thêm tính năng vào thẻ ATM để thuận tiện hơn cho khách hàng sử dụng.