Tiệm cà phê và Wifi miễn phí: Từ câu chuyện Phúc Long nhìn về văn hóa dùng Internet công cộng tại nước ngoài
Khi cà phê, nhà hàng và wifi trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, người ta nhận ra rằng nó đã trở thành hẳn một nét văn hóa độc đáo, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nước ngoài.
Cà phê - Wifi miễn phí, không biết từ bao giờ nó đã trở thành một cặp song hành với nhau trong con mắt của người trẻ: Đã vào cà phê, quán trà sữa hay nhà hàng là phải có Wifi và ngược lại, muốn dùng Wifi miễn phí thì tấp ngay vào một quán cà phê nào đó mà dùng, sang hèn to nhỏ gì thì cũng phải có Wifi hết.
Tưởng chừng như chuyện này cũng không có gì đáng bàn khi nó là vấn đề cung- cầu mà thôi thì mới đây, câu chuyện một người dùng trà sữa tại Phúc Long sau khi dùng xong hết gói wifi của mình thì nhân viên cửa hàng không cho nữa đã khiến nổ ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Lúc này, người ta mới ngớ người ra: Nó không chỉ là một chuyện cung-cầu mà đã trở thành một nét văn hóa với đủ quy tắc ứng xử, từ người dùng tới người cung cấp.
Khoan bàn về chuyện ai đúng ai sai mà hãy thử nhìn xa hơn; vậy ở nước ngoài, câu chuyện cà phê - wifi đang diễn ra như thế nào và có dễ thở hơn ở Việt Nam?
Wifi trong tiệm cà phê: Tìm mỏi mắt cũng không có
Vì ở Việt Nam, người ta đã quen thói đi đâu cũng có wifi phủ sóng nên nghĩ rằng đâu cũng vậy. Trên thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, bạn có tìm mỏi mắt cũng không có wifi trong các quán cà phê đâu. Tất nhiên, điều này không đúng 100% nhưng đa phần những người bản địa hay du học sinh đều cảm thấy như vậy. Nước Đức là một ví dụ.
Nhật Đức, một sinh viên du học thạc sĩ tại Đức chia sẻ rằng đa phần ở Đức đều không có wifi trong các quán cà phê, trừ những hệ thống cà phê lớn như Starbucks hay Coffee Fellows (chuỗi cửa hàng cà phê lớn thứ 2 tại Đức với hơn 100 cơ sở, chỉ kém Starbucks với khoảng 159 cửa hàng). Cùng chung quan điểm, Thanh Mai, du học sinh tại thành phố Hamburg, Đức cũng nhận định:
"Ở Đức, không phải mình mua đồ uống thì mình được dùng wifi miễn phí đâu, vì ở đây rất rạch ròi, nếu có sẽ trả cả tiền cho wifi nữa. Nhưng vấn đề là cũng không có wifi mà dùng. Hơn nữa, người Đức rất tôn trọng thời gian riêng tư, sau khi hết giờ làm việc thì sẽ là thời gian riêng. Muốn làm thêm thì về nhà làm chứ không ai ra quán cà phê cả. Hoặc không, nhiều người sẽ chọn ra các cửa hàng của Apple có Wifi miễn phí chứ không ra quán cà phê".
Tại nhiều nước như Đức, người ta đến quán cà phê chủ yếu để trò chuyện, đọc sách báo chứ không phải làm việc.
Không chỉ riêng Đức, tại nhiều nước châu Âu khác, việc sử dụng Wifi free trong quán cà phê rất hạn chế. Nhiều người cho rằng ở Việt Nam, được sử dụng Wifi free đã là tốt rồi, chưa nói đến thời lượng hay chất lượng. Hà Mi đã ở Phần Lan được 3 năm và đang đi thực tập tại Hà Lan chia sẻ:
"Bên Phần Lan thì những quán to to xịn xịn có wifi thôi, quán nào bé thì không có. Hà Lan thì nhiều quán có hơn nhưng cũng yếu. Nói chung ở cả 2 nước, người ta thường ra cà phê để trò chuyện hoặc đọc báo nên việc không có Wifi cũng không thành vấn đề, cũng có sinh viên ngồi học nhưng không nhiều tại sinh viên muốn học toàn vào thư viện".
Dạo một vòng quanh các nước khác như Nhật, Ý, Nga, Ấn Độ câu chuyện Wifi trong quán cà phê được các bạn du học sinh chia sẻ cũng là điều hiếm gặp. Nhiều trường hợp cũng có hệ thống Wifi nhưng rất chậm nên người dùng vẫn chủ động dùng 3G, 4G để kết nối Internet với giá thành khá rẻ. Trái ngược với Việt Nam, việc không có wifi trong quán là điều hết sức bình thường và mọi người đều chấp nhận.
Một góc cà phê tại Paris, Pháp.
Wifi free? Chẳng có gì là free cả!
Tại nhiều chuỗi cửa hàng đồ uống nước ngoài như Starbucks, Wifi cũng được phát với thời lượng nhất định và khi bạn dùng hết thì phải tới quầy để xin lại mật khẩu. Tuy những nhân viên phục vụ sẽ vui lòng cho bạn mật khẩu Wifi mới nhưng theo nhiều người từng làm phục vụ tại Starbucks, nếu bạn muốn ngồi thêm vài tiếng nữa và dùng Wifi, bạn nên mua thêm một món đồ uống nào đó khác.
Không chỉ ở những chuỗi cửa hàng, nhiều quán cà phê địa phương cũng áp dụng cách thức như vậy. Như Quỳnh từng có thời gian học tại Bangkok, Thái Lan cho biết bạn đã bắt gặp nhiều quán cà phê mà mỗi khi khách vào sẽ phát cho một tờ giấy có mật khẩu và nếu bạn dùng hết thì phải ra quầy xin thêm. Mỗi một lần như vậy thường kéo dài trong khoảng 1 tiếng. Đây cũng là thời lượng phổ biến cho việc sử dụng Wifi tại nhiều quán Starbucks (1-2 tiếng).
Một tiệm cà phê Internet tại Nhật Bản, nơi khách phải trả tiền để sử dụng Wifi.
Đặc biệt tại Nhật Bản có những quán cafe manga hay còn được gọi là cà phê Internet. Tại đây, bạn sẽ phải trả tiền Internet cho thời lượng sử dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với các tiệm Internet thông thường là cơ sở tốt hơn, có nhiều truyện tranh tạp chí cho bạn đọc và có phục vụ đồ uống với giá riêng.
Hồi đầu năm, nhiều trang báo lớn như BBC, Telegraph đã đăng câu chuyện về một chủ cửa hàng cà phê tại thành phố Vienna, Áo hết sức bức xúc vì tình trạng khách vào ngồi cà phê và sử dụng rất nhiều điện cũng như Wifi. Bà đã tiến hành tính tiền điện cho việc sạc các thiết bị của khách. Đây là một động thái được nhiều chủ cửa hàng cà phê thực hiện khi khách vào gọi đồ và ngồi hàng giờ với các thiết bị sử dụng Wifi và sạc điện. Với nhiều người, họ phân định rất rạch ròi các quán cà phê và Internet cà phê để công bằng với chủ hàng cũng như các khách khác.
Cửa tiệm cà phê thu tiền sạc thiết bị điện của khách tại Vienna, Áo.
Đã phục vụ Wifi miễn phí thì hãy thoải mái với khách
Có thể nói, Việt Nam không phải nước duy nhất mà việc sử dụng mạng Wifi và Internet tại các quán cà phê, nhà hàng, trà sữa lại dễ dàng đến như vậy. Nếu sang Hàn Quốc, bạn cũng thấy việc sử dụng Wifi rất tiện dụng và thái độ phục vụ của nhân viên luôn niềm nở, thân thiện.
Thanh Tùng hiện đang học thạc sĩ tại Seoul, Hàn Quốc có chia sẻ về trải nghiệm sử dụng Wifi tại các quán cà phê của mình.
"Ở bên Hàn, việc ngồi học ở quán cafe là hết sức bình thường. Đương nhiên đầu tiên phải gọi đồ mới được ngồi rồi. Mật khẩu wifi thường in ra để trước quầy thanh toán, hoặc nếu khó nhớ thì nó in trong hoá đơn. Cũng không có kiểu tính mấy giờ như nhà mình đâu. Bên này khách chọn Starbucks nhiều vì nó còn hỗ trợ bằng cách mỗi một vị trí ngồi là có 1 ổ cắm sạc riêng nên ngồi thoải mái. Kể cả những chỗ như bán trà sữa Gongcha các thứ cũng wifi miễn phí hết".
Vào mùa thi cử, các quán cà phê tại Hàn Quốc có thể rất đông học sinh, sinh viên.
Tại Hàn Quốc, việc học sinh ngồi học bài ở các quán cà phê cũng khá phổ biến như tại Việt Nam. Vào mùa thi cử, có nhiều bạn cũng ngồi hàng giờ liền. Tuy vậy, thái độ phục vụ của nhân viên vẫn thân thiện. Khi được hỏi về việc nếu làm thế, các quán cà phê có bị giảm doanh thu không khi một vài người ngồi và chiếm chỗ cả ngày, Thanh Tùng chia sẻ.
"Tầm giữa tháng 4 và đầu tháng 6 thì hầu như các quán cafe quanh trường đều chật cứng người từ sáng đến tối muộn vì sinh viên hay học nhóm làm bài tập ôn thi. Mình có đọc bài báo nói đấy là chiến lược thu hút khách của Starbucks. Sau khi cung cấp ổ cắm như thế tưởng là doanh thu giảm nhưng trung bình mỗi cửa hàng đều tăng khoảng 2 lần có chỗ 4, 5 lần".
Có lẽ vì nét văn hóa Á Đông nên nhiều nước quanh Việt Nam như Trung Quốc, Philippines cũng có nét tương đồng ở điểm này. Nếu không cung cấp và hạn chế Wifi đã đành nhưng nếu đã có Wifi miễn phí, hãy thực sự thoải mái với việc sử dụng của khách, trừ những trường hợp lợi dụng Wifi miễn phí để nằm cả ngày xem phim, ôm lấy bàn lớn cả ngày...
Với các tiệm Starbucks, bạn có thể hỏi xin Wifi sau khi hết thời lượng dùng. Tuy nhiên, nếu gọi thêm món đồ gì đó cũng là điều nên làm.
Tạm kết cho bài viết, nếu nhìn lại văn hóa sử dụng Wifi, internet tại các quán cà phê, điểm công cộng nước ngoài và soi vào câu chuyện của Phúc Long, có lẽ lỗi thuộc về "cả anh, cả ả". Đã đến lúc, người dùng Internet nên ý thức được việc có Internet trong quán cà phê không phải một điều "trên trời rơi xuống" khi nó được đong đo đếm kỹ lưỡng vào doanh số của cửa hàng cũng như đừng ăn dầm nằm dề trong các quán cà phê cả ngày với 1 cốc cà phê 15 nghìn.
Còn về phía các cửa hàng, là một người làm dịch vụ, nếu không thể đội khách lên đầu thì một thái độ thân thiện, nhã nhặn hơn cũng sẽ khiến mọi chuyện êm đẹp. Lúc đó, cả 2 sẽ vừa lòng nhau và không còn những câu chuyện xấu xí về văn hóa cà phê - Wifi như vậy nữa.