Thụy Điển: Tự lập từ sớm và những hệ quả tiêu cực đối với những người trẻ tuổi

16/09/2019 11:03 AM | Xã hội

Người Thụy Điển thường sống riêng sớm hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Tuy nhiên, rời khỏi gia đình khi chưa sẵn sàng có thể để lại một số hệ quả tiêu cực lên những thanh niên của quốc gia Bắc Âu này.

Ở Thụy Điển, độ tuổi phổ biến thanh niên rời khỏi nhà là từ 18 đến 19 tuổi, so với mức trung bình của EU là 26, theo số liệu của Eurostat. Một tỷ lệ đáng kể những người Thụy Điển trẻ tuổi không chuyển đến những ngôi nhà chung chật chội hay ký túc xá sinh viên, mà họ sống một mình.

Hơn một nửa số hộ gia đình Thụy Điển chỉ có một người ở, tỷ lệ cao nhất ở EU, theo Eurostat. Số liệu từ cơ quan thống kê của chính phủ Thụy Điển cho thấy cứ 5 người ở một mình thì khoảng 1 người nằm trong độ tuổi 18-25. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của họ ước tính rằng con số thực tế có thể cao hơn, vì nhiều người vẫn đăng ký địa chỉ của cha mẹ trong khi họ đang thuê nhà khác. 

Xu hướng chuyển ra sống riêng của giới trẻ Thụy Điển thậm chí vẫn ổn định khi thị trường bất động sản trở nên đắt đỏ. Thị trường cho thuê nhà đắt đỏ khiến công cuộc tìm kiếm căn hộ giá cả phải chăng ở các thành phố lớn trở nên khó khăn hơn và buộc một số người phải trì hoãn quá trình ra ở riêng. Đồng thời, hàng dài người đang chờ nhà ở được bình ổn giá cho thuê. Nhưng tỷ lệ thanh niên sống một mình hầu như không thay đổi kể từ năm 2011, theo Statistics Sweden. 

Thụy Điển: Tự lập từ sớm và những hệ quả tiêu cực đối với những người trẻ tuổi - Ảnh 1.

Gunna Andersson, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Stockholm, giải thích: “Một điểm đặc biệt ở Thụy Điển – và các nước Bắc Âu nói chung – là sự thay đổi tuổi tác không đáng kể của những người rời gia đình sống độc lập so với các quốc gia khác.”

Ông nói thêm: “Ở các khu vực khác của châu Âu, sống phụ thuộc vào gia đình không phải là một vấn đề và ở Nam Âu thậm chí nó còn được coi là một mục tiêu – nếu bạn không sống cùng gia đình, nó sẽ giống như bạn đang chối từ gia đình của mình vậy. Tại Thụy Điển, mục tiêu là đào tạo một cá nhân độc lập, và có vẻ như có một vấn đề nào đó đã xảy ra nếu đứa trẻ vẫn ở nhà (khi đã trưởng thành).” 

Andersson giải thích rằng văn hóa chủ nghĩa cá nhân của Thụy Điển bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, khi các thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn thường rời gia đình để đi làm tại các trang trại khác. 

Thụy Điển: Tự lập từ sớm và những hệ quả tiêu cực đối với những người trẻ tuổi - Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, phúc lợi hào phóng của quốc gia Bắc Âu này, theo lý thuyết, cho phép những người trẻ tuổi sống một mình, do được hỗ trợ cơ hội nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục với mức phí phải chăng mà không cần nhờ người thân hoặc người yêu giúp đỡ.

Cũng theo Andersson, nhà ở các thị trấn và thành phố của Thụy Điển phần lớn là các căn hộ nhỏ gọn, phù hợp với các cá nhân. Ngược lại, các trung tâm đô thị như London, Paris hay New York có rất nhiều các căn townhouse được chuyển đổi mục đích sử dụng, phù hợp cho những thanh niên chia sẻ nhà với nhau.

Trong khi nhiều người Thụy Điển trẻ tuổi thích tự do xã hội và tài chính, một mơ ước của bạn bè đồng trang lứa ở các quốc gia khác, có những lo ngại rằng việc rời khỏi nhà sớm có thể có những tác động tiêu cực. 

Thụy Điển: Tự lập từ sớm và những hệ quả tiêu cực đối với những người trẻ tuổi - Ảnh 3.

Karin Schulz, tổng thư ký của tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Thụy Điển, lập luận rằng trong khi “những người trẻ tuổi có thể tự lập là một điều tuyệt vời”, thì việc Thụy Điển tập trung dọn ra sống riêng sau khi học trung học có thể gây ảnh hưởng xấu đến những người chưa được trang bị tinh thần để sống một mình.

Cô giải thích: “Đối với một số người, họ chưa thực sự sẵn sàng cho điều đó...Bạn có rất nhiều điều phải suy tính, rất nhiều quyết định phải đưa ra và đó là một cuộc đấu tranh đối với nhiều người.”

Theo Schulz, cảm giác cô đơn về mặt tình cảm là một thử thách khác. Mặc dù hầu hết thanh thiếu niên có cuộc sống xã hội tích cực và mạng lưới rộng lớn trên phương tiện truyền thông xã hội, cô cho rằng một số người có thể cảm thấy khó khăn với việc dọn ra ngoài ở nếu họ không có bạn thân hoặc thành viên gia đình thân thiết để thực sự trò chuyện về cuộc sống và cảm xúc của họ.” 

Mặc dù Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu về ưu tiên cuộc sống gia đình khi những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, Schulz tin rằng cha mẹ thường tập trung vào cung cấp vật chất hơn là hỗ trợ tình cảm cho con cái của họ khi chúng rời đi. Một nghiên cứu năm 2017 của Thống kê Thụy Điển cho thấy hơn 55% trong số 16 đến 24 tuổi không trò chuyện với bất kỳ người thân nào.

Schulz cho biết không thể rút ra mối liên hệ rõ ràng giữa sự cô đơn và các chẩn đoán sức khỏe tâm thần cụ thể. Tuy nhiên, số thanh thiếu niên từ 16 đến 24 tuổi được điều trị bệnh tâm thần ở Thụy Điển đã tăng gần 70% trong thập kỷ qua, theo số liệu được công bố bởi Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia Thụy Điển năm 2018.

Chưa có một cuộc khảo sát toàn quốc về sự cô đơn kể từ năm 2013, nhưng theo Statistics Sweden,  16,8% trong số 16 đến 24 tuổi cho biết họ đã cảm thấy cô đơn trong suốt hai tuần gần nhất. Chỉ người Thụy Điển trong nhóm trên 75 tuổi báo cáo mức độ cô đơn cao hơn (17,4%).

Thụy Điển: Tự lập từ sớm và những hệ quả tiêu cực đối với những người trẻ tuổi - Ảnh 4.

Tiến sĩ Filip Fors Connolly, một nhà xã hội học tại Đại học Umeå ở miền bắc Thụy Điển, lập luận rằng sống một mình chắc chắn là một nhân tố đóng góp mức độ cô đơn cảm xúc của người Thụy Điển.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn nhiều. Ví dụ, những người trẻ tuổi có thể có xu hướng báo cáo cảm giác cô đơn hơn những người độc thân trưởng thành hơn bất kể tình hình xã hội khách quan bởi vì họ cảm thấy bấp bênh hơn ở độ tuổi đó.

Thêm vào đó, có thể những người Thụy Điển trẻ tuổi đang ngày càng quan tâm hơn đến sự cô đơn vì họ thoải mái hơn khi nói về nhu cầu và cảm xúc của bản thân so với các thế hệ trước. Do đó, theo Fors Connolly, không thể khẳng định chắc chắn rằng thế hệ hiện tại cảm thấy cô đơn hơn so với các thế hệ trước. 

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM