Thương vụ 800 tỷ và sự trở lại của ông Huỳnh Thanh Phong
Không dừng lại ở việc “Tây mua Ta” hay “Ta mua Tây”, thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa chứng kiến một thương vụ “Tây mua Tây” với giá trị hơn 35 triệu USD. FWD, dù là một cái tên còn mới mẻ nhưng vị CEO của Tập đoàn này lại không mấy xa lạ với giới tài chính Việt.
Thương vụ "Tây mua Tây" gần 800 tỷ đồng
Ngày 7/6/2016, FWD - một công ty bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Tập đoàn Pacific Century thông báo đã được các cơ quan chức năng cấp phép để tiến hành các thủ tục mua lại toàn bộ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam trực thuộc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern (GE). Giá trị thương vụ chuyển nhượng là 48,2 triệu đô la Singapore. Theo tỷ giá hiện tại, GE đã chuyển nhượng quyền sở hữu kinh doanh tại Việt Nam với giá xấp xỉ 791 tỷ đồng.
Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 21/6/2016, đánh dấu thương vụ M&A đầu tiên trên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2016, đồng thời cũng là một thương vụ đặc biệt giữa hai tổ chức bảo hiểm ngoại.
Năm 2015 vừa qua, ngành bảo hiểm chứng kiến 3 thương vụ M&A lớn, nhưng đều là các doanh nghiệp nước ngoài mua lại phần vốncủa tổ chức bảo hiểm trong nước, gồm Dong Bu Hàn Quốc mua 30 triệu cổ phần PTI trị giá 1.077 tỷ đồng; Fairfax Canada mua hơn 41 triệu cổ phiếu BIC với giá 1.081 tỷ đồng, Sunlife Canada nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 49% lên 75% tại PVI Sunlife.
Great Eastern là tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lâu đời nhất tại Singapore và Malaysia. GE Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, sau 9 năm hoạt động, GE Việt Nam không thật sự nổi trội trên thị trường. Trong 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, GE không lọt trong top 10 thị phần doanh thu phí. Thị phần doanh thu khai thác mới năm 2015 của GE chỉ chiếm tỷ lệ 0,08%.
Chia sẻ về quyết định chuyển nhượng này, Tổng giám đốc Khor Hock Seng cho biết đã cân nhắc đầy đủ về mặt chiến lược. "GE sẽ tập trung phát triển các thị trường chính là Singapore và Malaysia, nơi chúng tôi đang ở vị trí thống lĩnh, cũng như hoạt động tại Indonesia và Brunei", Tổng giám đốc GE cho biết.
FWD sẽ toàn quyền sở hữu Great Eastern Việt Nam và thương hiệu Great Eastern Việt Nam sẽ được thay đổi. FWD cam kết sẽ tiếp tục thực thi các hợp đồng đang có hiệu lực và cho biết hãng có kế hoạch đầu tư đáng kể vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện những trải nghiệm và hình thức giao dịch giữa khách hàng và công ty, với tầm nhìn trở thành một công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam.
Lính mới FWD và người cũ Huỳnh Thanh Phong
FWD được thành lập tại châu Á vào năm 2013 và là một công ty bảo hiểm thuộc tập đoàn đầu tư Pacific Century Group. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Pacific Century CyberWorks, ông Richard Li, là tỷ phú người giàu thứ 15 của Hồng Kông và xếp hạng 317 trong danh sách các tỷ phú thế giới của Forbes. Ông cũng chính là con trai út của "tỷ phú siêu nhân" Hồng Kông - Lý Gia Thành. Bên cạnh lĩnh vực bảo hiểm, Richard Li còn là ông chủ của HKT Trust (Hong Kong Telecom) hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
Tập đoàn FWD cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm cho người lao động, và các dịch vụ bảo hiểm khác tại Hồng Kông, Macau, Thái Lan, Indonesia, Philippines và mới đây đã xuất hiện tại Singapore cũng thông qua thương vụ thâu tóm 90% vốn Tập đoàn bảo hiểm y tế Shenton Insurance từ Parkway Holdings Ltd.
Thương vụ này cũng mới được FWD thực hiện vào tháng 4/2016 với giá trị khoảng 28,4 triệu USD Singappore, theo thông tin từ tờ Business Times của Singapore. Giao dịch mua lại GE Vietnam là thương vụ M&A thứ hai của tổ chức này, qua đó nâng sự hiện diện của FWD lên 7 quốc gia. FWD tập trung vào những khách hàng mới với các sản phẩm dễ hiểu, dễ sử dụng và được hỗ trợ bởi công nghệ số hàng đầu.
Mặc dù, FWD là cái tên hoàn toàn mới nhưng thực tế ông Huỳnh Thanh Phong, CEO của Tập đoàn này lại không mấy xa lạ với giới tài chính Việt và còn được biết đến là người góp công đưa những doanh nghiệp bảo hiểm ngoại đầu tiên bước chân vào Việt Nam.
Ông Huỳnh Thanh Phong quê gốc ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và đã có nhiều năm sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Ông lần đầu trở về nước vào năm 1993 khi đất nước đang trong những ngày đầu đổi mới và cũng là năm ban hành Nghị định 100/CP về bảo hiểm, cho phép mở cửa thị trường. Khi đó, ông đã hỗ trợ Manulife thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và giúp tổ chức này tuyển mộ nhân sự.
Tới năm 1999, Prudential Việt Nam chính thức có giấy phép kinh doanh. Ông Huỳnh Thanh Phong là người sáng lập và đảm nhận vị trí Tổng giám đốc đầu tiên. Những năm sau đó, với sự thành công của Prudential Việt Nam, ông Phong đã được giao vị trí GĐ điều hành của Prudential châu Á, và sau là lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Prudential toàn cầu.
Ông đã có thời gian làm ở một công ty thuộc Tập đoàn Temasek Holdings của Chính phủ Singapore vào năm 2008. Sau đó, vào năm 2010, ông quay về bảo hiểm nhân thọ với bến đỗ mới Tập đoàn AIA với vai trò Giám đốc điều hành khu vực Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Năm 2010 cũng chính là năm AIG, công ty mẹ của AIA, lao đao vì khủng hoảng. AIA khi đó đã đứng trước bước ngoặt, thực hiện IPO trở thành tổ chức tài chính độc lập, không còn là công ty con của AIG. Tới năm 2013, ông Huỳnh Thanh Phong rời AIA theo lời tuyển mộ của FWD, khi đó chỉ là một upstart insurer - doanh nghiệp bảo hiểm mới được thành lập.
Từng tham gia vào hoạt động của ba ông lớn bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam, Huỳnh Thanh Phong trở lại thị trường bảo hiểm Việt Nam lần này lèo lái doanh nghiệp bảo hiểm ngoại thứ tư. Dù nhận lại quyền sở hữu kinh doanh từ GE Vietnam, một doanh nghiệp bảo hiểm có xuất phát điểm thấp nhưng FWD hứa hẹn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm trong cuộc cạnh tranh miếng bánh thị phần ngành bảo hiểm nhân thọ ./.