Vì sao các tín đồ hàng hiệu có thể mua một đôi giày khó xỏ với giá trên trời?

12/08/2014 08:55 AM | Marketing

Mỗi khi một nhãn hiệu được những người có danh tiếng sử dụng, lập tức nó trở nên hợp mốt.

Dòng đời của mốt

Cũng giống như tuổi tác của con người, thời trang cũng có dòng đời của riêng nó. Lúc còn trẻ, bạn có thể là người rất sành điệu, nhưng khi càng về già bạn càng mất đi vẻ quyến rũ. Bạn thậm chí còn cần đến dụng cụ hỗ trợ cho việc đi lại và trợ thính. Lớp trẻ lại sinh ra, lớn lên và sành điệu, quyến rũ.

Các nhãn hiệu thời trang cũng vậy. Có thể ngày nay là những nhãn hiệu này đang đứng đầu thị trường, nhưng một ngày nào đó, có thể một vài nhãn hiệu phải ra đi. 

Calvin Klein đã từng là một nhãn hiệu thời trang lớn mạnh, nhưng sau đó phải nhường chỗ cho Ralph Lauren. Tiếp đó, Ralph Lauren lại bị Tommy Hilfiger thay thế. Và rồi đến Tommy Hilfiger lại bị Sean John đánh bại. Cứ như vậy, các nhãn hiệu cũng giống như các mốt thời trang, cứ nổi lên, thoái trào, rồi lại quay vòng nổi lên.

Những loại quần áo lỗi mốt rất khó bán. Ngược lại, những loại quần áo thời thượng thì chẳng những dễ tiêu thụ mà còn có thể được bán với giá rất cao.

Giày của Manolo Blahniks (trái) và ủng UGG (phải). 

Tại sao các tín đồ thời trang lại phải trả tới 600 USD cho một đôi giày Manolo Blahniks hay Jimmy Choos trong khi đi giày của những hãng này rất khó chịu, khó xỏ chân vào và thậm chí còn có thể làm tổn thương chân của bạn?

Xin thưa, bởi vì đôi giày đó rất hợp thời trang. "Vì chúng làm cho đôi chân của bạn trở nên đặc biệt".

Trái ngược với hiện tượng trên là một đôi ủng hiệu UGG đi vô cùng thoải mái của Australia. Người ta đã từng thấy Kate Hudson, Sarah Jessica Parker, Cameron Diaz và Oprah Winfley đi chúng.

Vậy mấu chốt ở đây là gì?

Chìa khóa: 'Người nổi tiếng'

Trong lĩnh vực thời trang, cốt lõi của việc xây dựng nhãn hiệu không chỉ là tạo ra một mốt mới, mà còn phải tạo ra một mốt hợp thời.

Vậy điều gì làm nên một nhãn hiệu hợp mốt? Một cách ngắn gọn "hợp mốt" là được những người nổi tiếng sử dụng. Mỗi khi một nhãn hiệu được những người có danh tiếng sử dụng, lập tức nó trở nên hợp mốt.

Xin lấy ví dụ với màu sắc:

Màu sắc ưa thích của những người nổi tiếng là màu gì? Đen.

Vậy màu gì trở thành màu thời thượng nhất? Đen.

Và thẻ tín dụng của hãng American Express Centurion, loại thẻ đắt tiền nhất trên thế giới, loại thẻ yêu cầu chủ thẻ phải tiêu nhiều tiền và trả nhiều phí nhất, có màu gì là đắt nhất? Vâng, màu đen.

Loại rượu Whisky Scotland đắt tiền và bán chạy nhất có màu gì? Màu đen. (Rượu của hãng Johnie Walker Black Label).

Vậy màu đen có tiếp tục là màu thời thượng nhất hay không? Đương nhiên là không. Khi tất cả mọi người đều bắt đầu mặc màu đen, những người nổi tiếng sẽ tìm thấy những thứ khác mốt hơn và chuyển sang sử dụng thứ đó. Và vòng quay lại tiếp tục.

Mốt = "Cá tươi"

Kinh doanh thời trang cũng giống như "bán cá tươi" vậy.

Cá tươi có giá rất đắt nhưng luôn có nhiều người mua. Thời trang hợp mốt cũng thế. Cá hết tươi, giá sẽ giảm mà khách cũng giảm. Cá càng 'ươn', giá càng giảm mạnh. Quần áo lỗi mốt thì giá giảm đến mức lỗ vốn mà có khi vẫn ế.

Bởi thế, cuối mỗi mùa thời trang, hầu hết các hãng lớn cho đến cửa hàng nhỏ, đều trưng biển 'sale off' (giảm giá), đại hạ giá rầm rộ. Dù mốt mới ra lúc nào cũng có giá "trên trời", nhưng hàng "sale" có thể giá chỉ còn phân nửa. 

Bên cạnh việc thu hồi vốn để quay vòng, một lý do quan trọng khác của hiện tượng xả hàng, hạ giá cuối mùa là bởi "Thời trang của năm nay sẽ không còn là thời trang của năm tới nữa". Đây có lẽ là đặc thù của ngành thời trang. 

Với các doanh nghiệp, muốn thành công trong thế giới thời trang, bạn không chỉ phải thay đổi nhãn hiệu của mình để phù hợp với mốt, mà còn phải xây dựng những nhãn hiệu mới có khả năng tạo ra những mốt mới.

Một động lực nữa thúc đẩy thời trang là thế hệ kế tiếp. Khi bọn trẻ nhìn thấy cha mẹ chúng mặc đồ của Levi's thì chúng sẽ có xu hướng không mặc quần áo của hãng đó nữa. Bởi vậy, có lẽ cũng nên tính đến chuyện tạo ra nhãn hiệu mới để thu hút khách hàng tiềm năng, những người sẽ đi tìm kiếm những mốt mới của tương lai.

>> Vì sao một chiếc áo Zara chỉ nằm trên kệ tối đa 6 ngày?

Kiều Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM