Tại sao Việt Nam không một mét đường sắt nào kinh doanh thương mại?
Theo ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã đến lúc tổng rà soát lại quy hoạch giao thông.
40 năm qua không có một mét đường sắt nào được đưa vào kinh doanh thương mại; VN có nhiều sai lầm trong phát triển hệ thống giao thông khiến chi phí cho giao thông, tai nạn của VN ở mức rất cao; tàu điện ngầm mà trông vào vốn ODA khó thành công…
Đó là nội dung được nêu lên tại Hội thảo về vốn cho phát triển hạ tầng giao thông do Viện Kinh tế VN tổ chức sáng 7-9.
Theo ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã đến lúc tổng rà soát lại quy hoạch giao thông.
Chi phí dịch vụ giao thông lên tới 12 tỷ USD/năm
Theo ông Khuê, VN làm đường Hồ Chí Minh ở phía Bắc hiệu quả đến đâu? Đáng ra làm cao tốc đầu tiên từ Nội Bài đi Hạ Long, thì ta chỉ làm đến Bắc Ninh rồi… để đó.
Đề nghị phải làm rõ lỗi hệ thống vì cho rằng hệ thống giao thông của VN dị biệt, ông Lã Ngọc Khuê nêu VN đã quá chú trọng vận tải đường bộ,trong khi đất chật người đông, đã dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông bất thường, nghiêm trọng. Đường sắt sử dụng ít đất đai, tiêu hao ít nhiên liệu hơn cho một đơn vị sản phẩm thì ông Khuê nêu 40 năm qua VN không có một mét đường sắt nào được đưa vào kinh doanh thương mại.
Vận tải đường thủy, ông Khuê ví dụ dự án Chợ Gạo - Tiền Giang, dù biết cấp thiết và đã đưa vào kế hoạch hàng chục năm, nhưng đến nay cứ bị xếp lại, rồi dẫm chân tại chỗ.
Tàu bè vì thế cứ ùn ứ, giao lưu hàng hóa từ miền Tây về TP. HCM chỉ còn biết dồn lên đường bộ, gây quá tải.
Với hệ thống giao thông chủ yếu vận tải đường bộ kể trên, ông Khuê dẫn chi phí một năm gần đây cho dịch vụ giao thông ở VN lên tới 12 tỷ USD và lo ngại: như thế có đáp ứng tình thế hội nhập?
“Ta vừa rất đau buồn vì bóng đá thua Thái Lan 6-0, rồi không chỉ thua về gạo, nuôi lợn, giờ chi phí vận tải cũng thua Thái”- ông Khuê nói. Ông Khuê cảnh báo “ta nước rất chật, người rất đông, cứ thế này lấy đâu đất làm đường. Phải thay đổi”…
Làm tàu điện ngầm nhờ vốn ODA sẽ đắt
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng lo ngại rằng chi phí vận tải của VN quá cao.
Các nước xuống sân bay có xe buýt, tàu điện, đàu điện ngầm… Ta xuống chỉ có taxi là chính, nên chi phí cao. “Nếu chi phí vận tải quá cao, doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh được”- ông Doanh nói.
Trong khi đó, TS. Huỳnh Thế Du, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nêu kinh nghiệm nhiều nước và nhấn mạnh VN đang làm hệ thống metro ở TP. HCM nhưng không biết chính xác khi nào có thể xây xong dự án và khả năng kết nối hệ thống khi mỗi nhà tài trợ cho từng đoạn lại có công nghệ khác nhau.
Đưa ví dụ một số nước định xây tàu điện ngầm dựa trên vốn tài trợ ODA và dự án đối tác công tư PPP như Thái Lan, Indonesia đều không thành công, ông Du cho rằng “kinh nghiệm các nước đầu tư tàu điện ngầm thành công đều phải từ vốn ngân sách”.
Ông Huỳnh Thế Du dẫn một số ý kiến cho rằng đầu tư tàu điện ngầm bằng ODA sẽ khiến đội giá lên rất cao…
Bộ Giao thông Vận tải ước tính nhu cầu vốn hàng năm cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ lên tới khoảng 10 tỷ USD/năm, từ 2016-2020 cần tới trên 1 triệu tỷ, đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN đề nghị Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi thu hút vốn FDI vào phát triển hạ tầng giao thông như miễn giảm thuế, giảm thủ tục hành chính.
Ngoài ra, cho phép các ngân hàng được cùng cho vay các dự án giao thông nếu một ngân hàng cho vay vượt quá giới hạn được phép cho vay với một đối tượng khách hàng…