Nhà mạng lương cao, thuê bao buồn

13/04/2015 17:48 PM | Marketing

Mỗi lần lợi nhuận, lương của các nhà mạng được đưa tin thì y như rằng lại dấy lên cơn tức giận của người dùng. Bởi họ tin chắc lợi nhuận, lương nhà mạng tăng cao là từ chính việc họ bị trừ tiền cước vô tội vạ.

Những than phiền về việc tài khoản bị trừ tiền "vớ vẩn", "lung tung", "như mất cắp" hầu như ở đâu cũng có và tưởng chừng không dứt. Thực ra, không phải thuê bao di động nghi ngờ hệ thống tính cước của nhà mạng có vấn đề. Mà là họ không biết đang sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) (dịch vụ phải trả cước phí cao) nào của nhà mạng dù họ không hề mong muốn hay chủ động đăng ký dịch vụ.

Có thể nào một ông cụ ngoài 70 tuổi đăng ký sử dụng dịch vụ game di động? Có thể nào một chiếc điện thoại cơ bản (không thể lướt web đọc báo, kiểm tra email, chơi game, tải ứng dụng) vẫn bị trừ cước dữ liệu 3G?...

Những chuyện tưởng chừng phi thực tế này vẫn đang xảy ra thường xuyên. Khi thuê bao thắc mắc thì các nhà mạng đều có chung bài trả lời: Hệ thống đã ghi nhận thuê bao có đăng ký sử dụng dịch vụ và tính tiền cước dựa trên mức sử dụng của thuê bao. Ông cụ đăng ký dịch vụ game có thể do đã cho người nào khác (như con, cháu chẳng hạn) dùng máy. Còn điện thoại cơ bản vẫn bị tính cước dữ liệu (3G, GPRS) nếu dùng dịch vụ nhắn tin có hình (MMS), dịch vụ tải nhạc...

Nói tóm lại, tất cả là tại người dùng mặc dù trong phần lớn các trường hợp người dùng đã đăng ký sử dụng VAS mà họ không hay biết và đồng ý. Đó có thể là dịch vụ do nhà mạng tự đăng ký trước hoặc nhà mạng "giăng bẫy" người dùng sử dụng dịch vụ bên thứ ba. Việc nhà mạng tự động đăng ký trước dịch vụ VAS gần đây có giảm do bị cơ quan quản lý tuýt còi, tuy nhiên bẫy nhà mạng giăng ra thì mới đáng để nói.

Đơn cử như dịch vụ game di động nhà mạng kết hợp với nhà cung cấp game để phân phối. Nhà mạng rải banner quảng cáo link đến game trên khắp các ứng dụng. Người dùng có kết nối 3G lỡ nhấp vào banner đó có nghĩa họ đã chấp nhận đăng ký dịch vụ game và phải trả phí hằng tháng.

Tất nhiên, khi người dùng đã trót bấm vào link thì sẽ nhận được một tin nhắn từ tổng đài báo đăng ký thành công dịch vụ, có thể tải game miễn phí, còn nếu muốn hủy dịch vụ thì nhắn tin báo hủy. Song tin nhắn này có thể nửa ngày sau mới đến, hoặc trong trường hợp người dùng dùng phần mềm chặn tin nhắn rác thì không bao giờ biết mình đã đăng ký dịch vụ và phải trả tiền duy trì dịch vụ hằng tháng.

Xét về lý, nhà mạng vẫn là người nắm đằng chuôi vì rõ ràng người dùng đã "chủ động" đăng ký dịch vụ và có nhắn tin thông báo. Trên thực tế, cách làm này cũng diễn ra ở các nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nhưng được gọi tên bằng từ ngữ không mấy hay ho như "trò bẩn", "gian lận", "lừa lọc".

Có một điều khác là những hành vi này của nhà mạng đều bị xếp vào dạng "tự động kích hoạt dịch vụ mà không được người dùng đồng ý". Và từ đó, cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông có những hướng dẫn, quy định chặt chẽ nhằm đánh sập bẫy của nhà mạng.

Chẳng hạn, tại Ấn Độ, Cục quản lý viễn thông (TRAI) từ năm 2011 đã lệnh cho tất cả nhà mạng không được kích hoạt dịch vụ VAS mà không nhận được sự đồng ý của thuê bao. Cụ thể, tất cả nhà mạng phải có được hai bước xác nhận của thuê bao trước khi kích hoạt bất kỳ dịch vụ giá trị gia tăng nào. Nhà mạng có thể nhận được xác nhận đầu tiên của thuê bao từ nền tảng của họ. Còn bước xác nhận thứ hai là do người dùng nhắn tin SMS và trong vòng 60 phút thuê bao không nhắn tin xác nhận thì dịch vụ sẽ bị hủy. Việc gia hạn dịch vụ đang đăng ký sử dụng cũng phải được thuê bao xác nhận đồng ý bằng SMS. Đồng thời, TRAI cung cấp số điện thoại, biểu mẫu online để thuê bao gửi khiếu nại nếu bị nhà mạng lạm dụng. Sau khi hướng dẫn này ra đời, TRAI cho biết số lượng khiếu nại đã giảm đáng kể.

Tại Việt Nam, cũng có một số dịch vụ giá trị gia tăng (chủ yếu là dịch vụ của nhà mạng) buộc phải có sự xác nhận của thuê bao qua SMS để kích hoạt. Dễ hiểu là tại sao nhà mạng không áp dụng việc thuê bao xác nhận SMS với tất cả dịch vụ VAS, càng "bẫy" được thuê bao, họ càng có thêm nhiều doanh thu.

Còn cơ quan quản lý có lẽ tin tưởng vào những chứng cứ nhà mạng về việc người dùng đăng ký hoặc chưa nhìn ra sự thiếu lành mạnh trong thực tiễn kinh doanh này. Dẫn đến cứ mỗi lần có tin nhà mạng làm ăn lãi, lương càng cao thì chỉ càng làm thuê bao ấm ức nghĩ rằng mình bị móc túi.

>> Vì sao OTT của các nhà mạng vẫn chưa xuất hiện?

Theo Thạch Lâm

Cùng chuyên mục
XEM