Các nhà mạng đều làm sai quy định về quản lý thuê bao trả trước
Theo kết quả thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước trong năm 2013 vừa được Thanh tra Bộ TT&TT công bố, 100% các nhà mạng này đều có sai phạm.
Nội dung nổi bật:
- Tổng số thuê bao tính đến tháng 10/2013 là 120.585.695, trong đó có 113.975.930 thuê bao trả trước. Tuy nhiên, việc quản lý thuê bao trả trước vẫn đang bị buông lỏng, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng SIM điện thoại di động trả trước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Năm 2013, khi tiến hành thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước thì 100% nhà mạng này đều có sai phạm.
100% nhà mạng được thanh tra đều vi phạm
Tại Hội nghị triển khai Chương trình công tác thanh tra TT&TT năm 2014 và Tổng kết thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước diễn ra sáng nay, 24/12/2013, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết, đến nay đã có 6 doanh nghiệp được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động với tổng số thuê bao tính đến tháng 10/2013 là 120.585.695, trong đó có 113.975.930 thuê bao trả trước.
Tuy nhiên, việc quản lý thuê bao trả trước vẫn đang bị buông lỏng, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng SIM điện thoại di động trả trước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2013, khi tiến hành thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước thì 100% nhà mạng này đều có sai phạm. Các vi phạm chung chủ yếu là: Thông tin thuê bao không có ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu; phần ảnh trên chứng minh lại là ảnh phong cảnh, ảnh diễn viên nghe điện thoại, ảnh em bé...
Nhiều số thuê bao có thông tin khác nhau nhưng lại sử dụng chung ảnh chứng minh; thuê bao có họ tên “lạ” như aas fsadfas, adfs AADS, asd jij, Khong Chinh Chu, A B C, Avio Việt Nam,…, thậm chí sử dụng những từ rất phản cảm, tục tĩu vẫn được cung cấp dịch vụ. Thông tin của chủ thuê bao hoàn toàn giống nhau, chỉ thay đổi số chứng minh do cùng 1 tài khoản đăng ký thông tin và kích hoạt trong 1 ngày…
Một “lỗi” chung khác là cung cấp tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ. Về việc xử lý, khắc phục vi phạm này, VinaPhone đã hoàn lại tiền cước cho người sử dụng dịch vụ với tổng số 692,7 triệu đồng, tuy nhiên, vẫn còn gần 77 triệu đồng không thể hoàn lại được do chủ thuê bao đã rời mạng. MobiFone hoàn lại hơn 816,7 triệu đồng, còn gần 227,63 triệu đồng không thể hoàn lại. Viettel cũng mắc sai phạm tương tự nhưng không có thông tin công bố cụ thể về việc hoàn tiền cước cho người sử dụng.
Một điểm chung khác nữa của cả 3 nhà mạng chiếm phần lớn thị phần viễn thông Việt Nam (VinaPhone, MobiFone, Viettel) là vi phạm trong việc tích hợp sẵn ứng dụng trên SIM để bán cho người sử dụng (ứng dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý với mức phí đưa ra.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu hơn 20,67 tỷ đồng cho VinaPhone. Từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013, MobiFone đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) để cung cấp 2 ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, đạt doanh thu gần 150,6 tỷ đồng. Viettel cũng tích hợp trên SIM phần mềm Viettel Plus với những bất cập tương tự VinaPhone.
Còn Hanoi Telecom và GTEL đã và đang có chung một số sai phạm trong việc nạp sẵn tiền vào tài khoản SIM chưa đăng ký thông tin, hoặc các thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng sau 72h không kích hoạt sử dụng vẫn không bị hủy như quy định, hoặc công tác kiểm tra, giám sát các điểm giao dịch được ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao chỉ mang tính hình thức…
Khó quản bởi thiếu công cụ và nhân lực
Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong hoạt động thanh tra thuê bao di động trả trước, ông Đỗ Hữu Trí nhấn mạnh hiện trạng không có phần mềm có khả năng kiểm tra tự động nhằm đối chiếu thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu với file ảnh chứng minh nhân dân, việc kiểm tra đều được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công nên ngay cả đối với thuê bao có thông tin hợp lý cũng chưa thể khẳng định về tính chính xác nếu không trực tiếp xem file ảnh. Bộ TT&TT cần đề nghị Bộ Công an khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh thư nhân dân thống nhất trong cả nước để hỗ trợ hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước.
Mặt khác, theo báo cáo của các Sở TT&TT, đã và đang có tình trạng các chủ đại lý không cung cấp kịp thời dữ liệu thuê bao phục vụ công tác kiểm tra dẫn đến kéo dài thời gian thanh tra.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, phát hiện việc vận chuyển, tập kết, thu gom, tàng trữ, phân phối SIM thuê bao trả trước đã được đăng ký thông tin của các “đầu nậu” rất khó khăn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường, phải có nghiệp vụ điều tra, theo dõi của cơ quan công an (đây cũng là lý do khiến đợt thanh tra diện rộng vừa qua chưa thể thanh tra, kiểm tra đối với các tổng đại lý phân phối SIM thuê bao di động trả trước).
Đại diện của Thanh tra Bộ TT&TT cũng kiến nghị Bộ TT&TT xem xét điều chỉnh một số quy định còn bất cập, không khả thi của Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao trả trước như chưa có quy định các chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao phải bảo quản, lưu trữ, đảm bảo bí mật các bản sao hoặc quét chứng minh nhân dân, hộ chiếu, dễ dẫn đến tình trạng copy, sao chép, mua bán và sử dụng thông tin cá nhân của người sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tại một số huyện, xã mà doanh nghiệp viễn thông không phủ sóng nhưng vẫn phải triển khai điểm đăng ký thông tin thuê bao; chưa có quy định về hình thức doanh nghiệp thông tin di động tổ chức bán hàng lưu động (bán SIM và đăng ký thông tin thuê bao) tại các trường học, nơi công cộng;…
Theo Xuân Bách
Theo ICTnews
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!