Burberry 'mất màu' tại Trung Quốc
Burberry đang thất thế trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả tại Trung Quốc
Tại thị trường Trung Quốc, hãng thời trang Anh nổi tiếng Burberry mới đây đã bị tước quyền sở hữu kiểu họa tiết ca rô trên các sản phẩm sau tranh chấp kéo dài với một công ty chuyên nhái sản phẩm của Hãng.
Kiểu họa tiết "Haymarket Check" với bốn màu đỏ, đen, trắng và nâu tạo nên sức hấp dẫn của thương hiệu Burberry tại đại lục. Nếu quyết định này được công nhận thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng họa tiết này tại thị trường TQ.
"Một quyết định như thế này ít ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của Burberry, bởi vì khắp châu Á đã tràn lan hàng giả của Hãng rồi", nhiều nhà phân tích bình luận. Nhưng rõ ràng, với Burberry, đây là một quyết định không công bằng và gây ra nhiều lo ngại cho tình hình kinh doanh của Hãng.
Bởi vì, thị trường TQ hiện chiếm khoảng 14% doanh số của Burberry toàn cầu. Chắc chắn Burberry sẽ kháng cáo vì vào năm 2010, tại thị trường Hồng Kông, Burberry đã thắng Công ty Polo Santa Roberta, một công ty chuyên sản xuất túi xách và thắt lưng, trong vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu ba kiểu họa tiết ca rô mà Hãng đăng ký bản quyền.
TQ là thị trường đầy hấp dẫn đối với các thương hiệu cao cấp, nhưng cũng là thị trường đầy rủi ro trong các vụ tranh chấp thương hiệu vì nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan. Năm ngoái, huyền thoại bóng rổ Michael Jordan đã phải lặn lội đi kiện Qiaodan Sports, một công ty sản xuất đồ thể thao ở TQ, vì sử dụng tên của anh phiên âm ra tiếng Trung là "Qiaodan".
Qiaodan Sports đã bác bỏ những cáo buộc và còn kiện ngược Michael Jordan đã gây ra những tổn thất cho họ. Đến giờ, vụ kiện vẫn chưa giải quyết xong. Trong khi đó, công ty bị Burberry kiện cũng kiện ngược Burberry và yêu cầu phải bồi thường 82 triệu USD!
Hãng xe Mỹ General Motors mới đây cũng phải thương lượng với Chery Automobile khi thương hiệu này quá giống với thương hiệu "Chevy". Rủi ro hơn cả là Apple đã phải chi ra 60 triệu USD để chuộc lại tên iPad vì đã có công ty địa phương Proview đăng ký trước thương hiệu này tại TQ.
Mới đây, chính quyền Pháp đã cho tiêu hủy hơn 1 triệu sản phẩm giả, nhái được thu giữ chỉ trong khoảng vài tháng đầu năm 2013, trong đó đa phần là quần áo, nữ trang và 70% số này có xuất xứ từ châu Á, đặc biệt là từ TQ. Vì vậy, nhiều thương hiệu quốc tế rất quyết liệt xử lý các vụ vi phạm thương hiệu đến từ đại lục.
Để luồn lách ra khỏi rào cản pháp luật, các nhà sản xuất hàng nhái TQ đăng ký những thương hiệu dễ dàng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, chẳng hạn như: "Espte", "Adadis", "Ball Star", "Cnonverse"...
Theo HÀ CÚC
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!