Bài học thương hiệu của Mai Linh và Coca Cola

14/03/2015 09:30 AM | Marketing

Scott Parker nhìn thẳng vào rừng xanh, bước đi và không quay trở lại. Pi kiệt sức nhưng vẫn cố ngóc đầu dậy dõi theo bạn đồng hành.

Anh chờ cái ngoái đầu nhìn lại lần cuối của nó. Scot Parker không làm điều đó. Pi đã gào khóc như chưa bao giờ được khóc. Không phải vì cảm giác được chạm vào đất liền. Không phải vì đã được sống lại. Pi khóc vì không nhận được một cái ngoái đầu lần cuối của con hổ.

Trên đây là đoạn kết của bộ phim đoạt giải Osca lần thứ 85 Cuộc đời của Pi (Life of Pi). Một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Ang Lee. Con hổ không ngoái đầu nhìn lần cuối với Pi, bạn đồng hành duy nhất của nó.

Ân nhân của nó. Người đã cho nó cuộc sống, rất nhiều lần trong suốt hành trình. Bởi vì Scot Parker đã hành động theo bản năng. Bản năng của con hổ khi nhìn thấy rừng xanh. Đối với nó đó là tất cả cuộc sống.

Khi đứng trước bản ngã nó không nhớ gì những chuyện xảy ra với Pi. Sống chết ngọt bùi cùng nhau với Pi, tất cả chỉ là tạm thời. Nó bỏ qua nhiều ga xép khi cập bến ga cuối cùng là rừng xanh. Không chút đắn đo và nó đã hành động rất tự nhiên. Sức mạnh của bản năng không có đối thủ.

Câu chuyện hành trình trở lại bản năng gốc của chú hổ Parker cũng giống như câu chuyện đã từng xảy ra trong ngành taxi Việt Nam: Mai Linh. Trong một chia sẻ gần đây, ông chủ của Mai Linh đã nói một câu về sự trở lại của hãng taxi số 1 Việt Nam như sau: Mai Linh không còn bị nguy hiểm nữa! Ý ông muốn nói về sự trở lại của Mai Linh sau giai đoạn lao đao gần một năm trước đây.

Từ vị thế một thương hiệu số 1 tại Việt Nam chuyên về taxi, Mai Linh rơi vào bờ vực phá sản vì rơi vào bẫy mở rộng kinh doanh ngoài ngành (bất động sản, xây dựng, đào tạo, công nghệ...) dẫn đến mất kiểm soát cả về tài chính, kinh doanh lẫn sức mạnh thương hiệu.

Nói về giai đoạn bão táp này, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đã chia sẻ, đại ý từng dằn vặt sao mình không hiểu sớm hơn câu nói "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" của người xưa.

Cơn bão đầu tư ngoài ngành cuốn phăng và ném con thuyền Mai Linh vào các con sóng dữ. Có cảm tưởng như những gì Mai Linh đã trải qua giống như Pie và Scot Parker đã nếm mùi. Lỡ rơi vào bão nhưng không buông xuôi.

Chiến đấu tranh chấp với từng cơ hội sống và cuối cùng họ đã sống sót và cập bờ. Parker bỏ lại tất cả sau lưng không một giây đắn đo khi nó nhìn thấy rừng xanh. Rừng xanh gắn với bản năng sống của Parker.

Ông bạn tốt bụng Pi dù cứu nó nhiều lần trong sóng dữ chỉ như điểm dừng chân chốc lát. Ông chủ Mai Linh cũng bỏ lại tất cả sau lưng để quay về với màu xanh Mai Linh. Taxi Mai Linh là màu xanh, màu xanh là taxi Mai Linh.

Có phải thương hiệu nào cũng có di sản này đâu. Ngành nghề taxi là bản năng gốc của Mai Linh. Các ngành nghề kinh doanh khác chỉ là những ga xép mang lại những kỷ niệm tồi tệ cho vị hành khách VIP Mai Linh.

Một "chúa sơn lâm" toàn cầu khác trong ngành nước giải khát có ga là Coca Cola. Năm 1969, Coke ra mắt slogan rất nổi tiếng và đầy sức mạnh là "The real thing". Từ năm đầu thành lập 1886 đến nay, Coke đã có tổng cộng 47 slogan.

Riêng "The real thing" thể hiện hiệu quả nhất giá trị và vị thế thương hiệu của Coke: họ là người phát minh ra thứ nước uống từ cây coca và là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực này. Từ năm 1969 đến 2009, Coke tiếp tục nhiều lần thay đổi slogan và "The real thing" tiếp tục được quay lại sử dụng nhiều nhất và lâu nhất.

Coke không bị trải qua các cơn bão khốc liệt như chú hổ Parker hay Mai Linh. Nhưng họ giống nhau ở một điểm: Sau một thời gian hành trình phiêu bạt, nhanh chóng quay trở lại bản năng gốc - cái đã làm nên bản sắc và tên tuổi của họ.

Khi thoát chết và chạm vào bờ biển Mexico, Pi sẽ trở về với cuộc sống văn minh loài người, Scott Parker sẽ trở về với thế giới hoang dã. Pi không gào khóc vì Parker không ở lại. Cậu khóc vì không được Parker ngoái lại lần cuối như một lời chào.

Vì cậu chỉ cần nói với Parker câu cuối rằng: Cảm ơn Parker đã cho cậu biết giá trị của cuộc sống khi có một người bạn trong hoàn cảnh không nơi bấu víu. Pi khóc chứ cũng chẳng trách móc gì Parker. Vì có bạn đồng hành với nhau trong khó khăn là quý rồi.

Con người, sự vật cũng như thương hiệu, trong hành trình cuộc sống sẽ có lúc trôi dạt với những cuộc phiêu lưu với rất nhiều trạm dừng chân. Nhưng cuối cùng tất cả rồi sẽ đều quay về nơi họ đã sinh ra. Quay về với giá trị cốt lõi của chính họ. Parker quay về với rừng xanh. Mai Linh quay về với taxi. Coca quay về với "real thing".

>> [Khởi nghiệp] 'Không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại'

Theo ĐỨC SƠN - RMA & Sage Academy

Cùng chuyên mục
XEM