Taxi 'đại chiến': Uber vs GrabTaxi vs Vinasun vs Mai Linh vs EasyTaxi (P1)

09/12/2014 14:12 PM | Kinh doanh

Trong khi TP Hồ Chí Minh cách xa hàng ngàn dặm so với trụ sở của Uber tại San Francisco thì sự xâm lấn của ứng dụng đặt taxi này vẫn thực sự ảnh hưởng lớn tới thị trường taxi của thành phố.

Nếu không sống ở Việt Nam, có lẽ sẽ không biết đến Vinasun và Mai Linh - 2 thương hiệu taxi phổ biến tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gần đây cả hai đều đang gặp khó bởi sự bùng nổ của ứng dụng đặt taxi trực tuyến.

GrabTaxi vừa huy động được 250 triệu USD, còn Uber tăng vốn thêm 1,2 tỷ USD. Mức độ cạnh tranh trở nên đáng lo ngại hơn khi 1,2 tỷ USD này được huy động chủ yếu từ khu vực châu Á.

Trong khi TP Hồ Chí Minh cách xa hàng ngàn dặm so với trụ sở của Uber tại San Francisco thì sự xâm lấn của ứng dụng đặt taxi này vẫn thực sự ảnh hưởng lớn tới thị trường taxi của thành phố. 

Kẻ thống trị trong vòng 1 thập kỷ qua: Vinasun và Mai Linh

Đầu tiên, cần phải hiểu chi tiết hơn về hai “ông lớn” gồm Vinasun và Mai Linh. Thời gian gần đây, Vinasun đang tăng trưởng tốt, còn Mai Linh lại có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, vào tháng 5/2014, Vinasun đã đầu tư thêm 1.225 xe taxi mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của người dùng. Trong khi đó, Mai Linh lại phải bán tài sản trị giá 25 triệu USD để trả nợ.

Tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều tổ hợp mua sắm và căn hộ thoả thuận với Vinasun và Mai Linh nhằm cho phép một số lượng xe taxi nhất định đậu tại mỗi cổng ra vào. Ví dụ, trung tâm Vincom luôn có 5 chiếc xe Vinasun đậu tại cổng vào. 

Tuy nhiên, đối với Mai Linh, do những khó khăn trong vấn đề tài chính, công ty này không hoàn toàn có số lượng xe thuộc sở hữu của riêng mình. Việc kiểm soát không tâp trung với số lượng xe này khiến Mai Linh bị hạn chế trong thoả thuận với các toà nhà trong thành phố. Điều này cho phép Vinasun dễ dàng giành được hợp đồng mà Mai Linh bỏ lỡ và chiếm nhiều thị phần hơn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Vinasun chỉ thống trị tại TP Hồ Chí Minh. Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết Vinasun chiếm 45% thị phần, Mai Linh chỉ nắm 25% và những công ty taxi còn lại chiếm 30%. 

Hà Nội là một bức tranh khác. Thành phố này không thực sự có một hãng taxi thống trị như TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Mai Linh dường như chiếm được ưu thế trội hơn trong thị phần ở thị trường vốn có số lượng công ty taxi nhiều hơn gấp 20 lần so với TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thị phần taxi tại hai thành phố lớn gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa nói lên được bức tranh tổng quan của cuộc chiến giữa Mai Linh và Vinasun tại Việt Nam. Trên toàn quốc, Mai Linh có gần 11.500 xe taxi, Vinasun khiêm tốn hơn với chỉ 5.500 chiếc. Trong đó, 74% là ở TP Hồ Chí Minh. Mai Linh cũng được biết đến là công ty lâu đời hơn. Ngoài taxi, hãng còn hoạt động trong lĩnh vực du lịch và vận tải hành khách. Nó hiện có 25.000 nhân viên, con số tương tự của Vinasun chỉ là 14.000 người. 

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất về 2 công ty này là xu hướng phát triển. Kể từ năm 2009, tốc độ phát triển bình quân hàng năm của Vinasun về doanh thu chưa bao giờ giảm xuống dưới 20 triệu USD. Lợi nhận của hãng cũng tăng mạnh. Năm ngoái, hãng này đã đạt doanh thu ở mức 150 triệu USD. Trong khi đó, suốt 6 năm qua hoạt động kinh doanh của Mai Linh có nhiều biểu hiện không tốt.

Những ứng dụng: Uber, GrabTaxi và EasyTaxi và sự kết hợp chặt chẽ mới của Mai Linh

Vào tháng 12/2013, EasyTaxi chính thức ra mắt tại Việt Nam. Tháng 2/2014 GrabTaxi cũng tới Việt Nam và cuối cùng, tháng 6/2014 Uber xuất hiện. GrabTaxi và Uber gây ra cơn bão trong trong các bản tin. Dù chưa có dữ liệu chính xác về mức độ hấp dẫn của Uber và GrabTaxi tại Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng trong những tháng gần đây của hai công ty đủ trả lời cho những phản ứng dữ dội của giới truyền thông, công an và bộ ngành gần đây.

GrabTaxi thậm chí còn tỏ ra tích cực với những chiến dịch tiếp thị từ việc hợp tác với các quán cà phê địa phương để tham gia vào chiến dịch trực tuyến lớn như Online Fever.

Về cơ bản, khi Vinasun đánh bại được Mai Linh, Mai Linh buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ngoài việc bán tải sản để bù đắp cho những tổn thất trước đó, hiện tại công ty này đang bán “linh hồn” của mình cho GrabTaxi và EasyTaxi.

Nói như vậy là bởi Mai Linh không cấm lái xe của hãng sử dụng ứng dụng đặt taxi như Vinasun. Bởi vậy, khi bạn gọi taxi thông qua ứng dụng GrabTaxi tại TP Hồ Chí Minh, có thể bạn sẽ đi trên một chiếc xe của Mai Linh.

Điều này giống với câu chuyện của Apple với các các nhà phân phối trong thời kỳ đầu khi ra mắt iPhone. Thời điểm đó, iPhone chỉ được phân phối dưới thương hiệu duy nhất là AT&T. Tuy nhiên, vì nhu cầu của người dùng quá lớn, những nhà phân phối khác cũng muốn hợp tác cùng Apple. Điều này tạo nên sức mạnh thống trị cho Apple.

Hãng này có thể quyết định được nội dung, ứng dụng và trải nghiệm người dùng của mỗi chiếc điện thoại. Trong khi đó, trước khi iPhone xuất hiện, các nhà phân phối như AT&T mới là bên nắm giữ quyền kiểm soát dung lượng, nội dung và ứng dụng mà mỗi điện thoại có thể có. Và có vẻ như, các ứng dụng gọi taxi qua điện thoại cũng đang tìm kiếm sức mạnh chi phối tương tự như vậy.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Khi ứng dụng gọi taxi có thể thu hút được nhiều người sử dụng hơn nữa. Liệu Vinasun có thể cảm thấy lợi thế của mối hợp tác tương tự như trên và lập ra một ứng dụng của riêng mình hay không?

(Còn tiếp)

>> Tài xế taxi Hà Nội mong ngóng… về Uber

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM