Anh có Uber, tôi có hUber được không?
Từng có một doanh nghiệp kinh doanh phân hóa học của Việt Nam đòi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với cái tên Coca-Cola...
Nội dung nổi bật:
- “Trường hợp cái đăng ký bản quyền là thương hiệu Uber, thì nếu anh có thương hiệu Uber, tôi có thể có một thương hiệu khác, như hUber chẳng hạn. Không có vấn đề gì!”
- "Cái quan trọng là đã có một phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ - Uber, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng công nghệ để tạo nên một phương thức kinh doanh khác".
- Chúng ta sẽ chọn chiến lược Do it Better hay Do it Differently? Liệu đã hẳn là một phương pháp hay khi chúng ta dùng phương thức của Uber để đấu với Uber trên sân chơi do chính Uber tạo ra?
Câu chuyện đăng ký bản quyền của Uber và thách thức của các hãng taxi Việt Nam trên con đường xây dựng thương hiệu được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm Xây dựng Thương hiệu để dẫn đầu do Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ (IPC) – ĐH Ngoại thương tổ chức cuối tuần trước.
Bản quyền thương hiệu: Anh có Uber, tôi sẽ đăng ký hUber
“Khi chúng ta nói Uber đăng ký bản quyền thì có nghĩa gì? Trường hợp cái đăng ký bản quyền là thương hiệu Uber, thì nếu anh có thương hiệu Uber, tôi có thể có một thương hiệu khác, như hUber chẳng hạn. Không có vấn đề gì!” – TS. Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
“Trường hợp thứ hai, cũng là điều quan trọng Uber làm được là đưa ra một phương pháp kinh doanh hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ đã được đăng ký bản quyền ở Hoa Kỳ. Cái đó, ở Hoa Kỳ có thể được bảo hộ dưới góc độ sáng chế, nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn không được bảo hộ. Vậy chúng ta có cần thiết nói đến vấn đề độc quyền bằng cạnh tranh như vậy hay không?
“Tôi nghĩ, cái quan trọng là đã có một phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ - Uber, thì hoàn toàn chúng ta cũng có thể dựa trên nền tảng công nghệ để tạo nên một phương thức kinh doanh hoàn toàn khác. Chúng ta không nên sợ. Ví như, Uber ghi nhận được nhanh tất cả các tài xế, giảm được giá thành, thời gian, đem lại lợi ích cho người sử dụng... Nếu chúng ta tạo nên được một phương thức kinh doanh khác còn tiết giảm hơn nữa, vậy tại sao không thành công?”
Với lập luận trên, TS. Hồng cho rằng, tất cả điều này hoàn toàn nằm ở giá trị của thương hiệu trong việc sử dụng công nghệ chứ không chỉ thuần túy ở vấn đề phát triển thương hiệu.
Khi “bão” Uber tràn vào và “tước” khá nhiều thị phần của các hãng taxi truyền thống, thì taxi truyền thống của Việt Nam, mà tiêu biểu là Hiệp hội Taxi TPHCM, một mặt cho rằng Uber hoạt động không minh bạch và kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chấm dứt hoạt động của taxi Uber tại Việt Nam cho đến khi chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, phía Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho ra mắt ứng dụng LiveTaxi - ứng dụng gọi và tìm taxi trên smartphone của Việt Nam.
Nhưng, liệu đây đã hẳn là một phương pháp hữu hiệu để đấu với Uber trên sân chơi do chính Uber tạo ra?
Do it Better hay Do it Differently?
“Tư duy theo hướng Người ta bảo Uber làm hay như thế, chúng ta hãy làm tương tự và tốt hơn đi, nếu là trước đây thì OK”, ông Nguyễn Đức Sơn - Giám Đốc Chiến lược thương hiệu của Richard Moore Associates nhận định. “Còn trong thời đại ngày nay, tư duy theo hướng ấy là một cách làm rất vất vả và khó thành công”.
Lý thuyết cạnh tranh của Micheal Porter nói đến nhiều thứ, nhưng theo ông Sơn, thực ra có 2 lý thuyết chính về cạnh tranh.
Cách 1: Do it Better (Làm tốt hơn) - luôn luôn làm tốt hơn đối thủ. Đối chủ chạy một đường đua hết 10 giây, tôi chỉ chạy hết 9 giây. Đối thủ chạy 9 giây, tôi giảm thời gian chạy xuống còn 8 giây. Nhưng, vẫn trên 1 đường đua.
Cách 2: Do it Differently (Làm khác đi). Lực của tôi không thể chạy trên đường đua của anh. Và tôi tạo ra một phân khúc mới, một sân chơi mới – đây là cách làm dành cho số đông. Vì sao?
Chuyên gia thương hiệu - ThS. Đặng Thanh Vân (trái) và chuyên gia Nguyễn Đức Sơn (phải).
“Do it Better là cách làm chỉ dành cho các doanh nghiệp đủ năng lực và nguồn lực tài chính, nhân sự... Những doanh nghiệp cực kỳ mạnh mới có thể làm kiểu đối đầu như vậy. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam đa số (90-95%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có nguồn lực, thì ý tưởng kinh doanh quan trọng hơn cách thức làm” – ông Sơn cho biết.
“Đắt là đắt ở ý tưởng. Dù số đông ở đây không nhiều tiền, nhưng không nhiều tiền vẫn làm được thương hiệu. Quan trọng là cách tư duy... Chúng ta cần một Big Idea (ý tưởng lớn – PV), nhưng không cần phải là một Big Company (doanh nghiệp lớn – PV) để có một Big Idea”.
Đồng tình với chuyên gia Nguyễn Đức Sơn, ThS. Đặng Thanh Vân, Sáng lập viên - Giám đốc điều hành Công ty Thanhs Branding and Communication- cho rằng, tất cả các hãng taxi, các thương hiệu khác không sử dụng công nghệ và không mạnh được như Uber thì không nên “chơi” bài toán đối đầu, tức là tạo ra một công nghệ khác, bởi “tâm trí khách hàng đều nghĩ Uber là đơn vị đầu triên trên thị trường sử dụng công nghệ đó”.
“Cách khôn ngoan hơn là chọn con đường khác. Bản thân các hãng taxi hiện tại hoàn toàn có thể dựa trên năng lực cốt lõi của họ. Họ đã có thị trường nhiều năm nay, có khách hàng nhiều năm nay, nhưng họ lại lo sợ. Trong khi họ không xây dựng tình yêu, lòng trung thành với khách hàng của mình mà lại đi lo sợ, và bảo vệ khách hàng bằng con đường tôi nghĩ là khá không hợp lý, như không cho tài xế của mình tham gia Uber hay Grab” – ThS. Vân nhận định.
“Vấn đề là làm sao khiến các tài xế yêu thương hiệu của mình, khiến họ yêu và trân trọng khách hàng của họ... Đơn giản thôi. Rất ít tài xế dừng lại và mở cửa cho khách. Cảm ơn khách hàng hoặc có hành động khiến khách hàng cảm thấy yêu mến hãng taxi của mình. Tôi rất hay đi taxi, thỉnh thoảng lắm tôi mới gặp 1 anh taxi yêu xe của mình, dọn sạch sẽ xe mình, hay yêu khách hàng bằng cách dừng lại và mở cửa xe cho phụ nữ... Những anh như vậy ít khi tôi gặp lắm. Phần lớn anh tài xế taxi tôi gặp chỉ muốn xin thêm tiền của khách...”
Có doanh nghiệp phân bón muốn đăng ký nhãn hiệu Coca-Cola
“Trước đây, cũng có một doanh nghiệp kinh doanh phân hóa học của chúng ta dùng nhãn hiệu Coca-Cola đi đăng ký. Giả sử chúng ta không được đảm bảo bằng quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta có ngăn cấm được doanh nghiệp đó?
Nếu thương hiệu của chúng ta không có sự đồng hành của quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ khó hơn gấp nghìn lần, và không thể đảm bảo cho hoạt động đầu tư của chúng ta” - TS. Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
>> Tân Hiệp Phát - Đại gia Thạch sùng thiếu cái mẻ kho
Thanh Thủy