3 sai lầm cần tránh khi đặt tên doanh nghiệp
Không nhồi nhét quá nhiều thông tin, đó là ý kiến của Eli Altman, Giám đốc chiến lược Công ty Tên và Thương hiệu A Hundred Monkeys tại San Francisco.
Nội dung nổi bật:
- Tránh rắc rối: Nghiên cứu trước về tên gọi trước khi sử dụng nó. Bạn có thể dùng Google để xem cái tên mình định dùng đã có ai sử dụng chưa. Nếu mới chỉ rất ít người sử dụng thương hiệu đó, (các công ty) có thể sẽ dễ dàng bảo vệ nó hơn.
- Tránh đơn giản hóa: Một vài doanh nhân thường tự đơn giản hóa bản thân vì họ muốn được miêu tả qua cái tên công ty để ai cũng có thể hiểu đó là gì. Nhưng ở khía cạnh phát triển và mở rộng, điều đó thực sự bất lợi.
- Tránh xa rời cốt lõi: Hãy tránh những cái tên không liên hệ rõ ràng với sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp bạn. Chúng có thể gây lầm lẫn cho khách hàng và nhiều khả năng không được hiển thị trong kết quả tìm kiếm trên Internet khi người ta tìm kiếm loại sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp.
Eli Atlman nói: “Cách hay để nghĩ ra tên gọi là để nó có thể bắt đầu cho một câu chuyện. Nó không phải là sự tóm lược đầy đủ những gì doanh nghiệp đang làm”.
Khi nhận ra thương hiệu của mình gặp rắc rối, nhiều doanh nhân chọn cách thay đổi, và họ nhận ra, mặc dù thoạt tiên khá đau đầu và phải tốn nhiều chi phí, nhưng khoản đầu tư đó rất đáng đồng tiền bát gạo.
Tránh rắc rối
Câu chuyện doanh nghiệp: Chuỗi nhà hàng xúc xích Gourmet
Cửa hàng xúc xích của Tim Tobitsch mở ra ở phía sau một thánh đường nổi tiếng năm 2004 và thoạt đầu lấy tên là Hot Dogma. Nhưng 3 năm sau đó, doanh nghiệp có trụ sở ở Pittsburgh này nhận được một bức thư của nhà phân phối xúc xích có tên tương tự ở một bang khác, yêu cầu họ ngừng sử dụng thương hiệu Hog Dogma.
Để tránh các chi phí kiện tụng tốn kém, nhà hàng chọn cách đổi tên thành Franktuary, có nghĩa “một cuộc chơi ở chốn thẳng thắn và tôn nghiêm”. Trong cuộc dàn xếp mang tính thỏa thuận, một nhà hàng khác đã đồng ý chi trả phí thay đổi thương hiệu cho Franktuary.
Mặc dù Tobitsch may mắn tránh được những tổn thất tài chính đáng kể, nhưng vấn đề tên gọi cũng đã “lấy đi của chúng tôi sự tập trung vào việc điều hành doanh nghiệp” như lời anh nói.
Từ lúc đổi tên, Tobitsch, ông chủ 31 tuổi, đã mở cửa hàng khác và có thêm xe bán thực phẩm lưu động. Công việc buôn bán của anh đã phát triển ổn định. Theo anh, việc đổi tên doanh nghiệp hẳn đã góp phần vào đó. Anh nói: “Tệ nhất thì chỉ riêng việc quan tâm của giới truyền thông với sự đổi tên cũng đã giúp chúng tôi được biết tới nhiều hơn”.
Từ khi đổi tên thành Franktuary, cửa hàng xúc xích của Tim Tobitsch đã phát triển ổn định
Lời khuyên của chuyên gia: Nghiên cứu trước về tên gọi trước khi sử dụng nó. Bạn có thể dùng Google để xem cái tên mình định dùng đã có ai sử dụng chưa. Nếu cái tên đã được một vài doanh nghiệp khác dùng rồi, sẽ ít có khả năng ai đó kiện tụng về quyền sở hữu. Nhưng nếu mới chỉ rất ít người sử dụng thương hiệu đó, (các công ty) có thể sẽ dễ dàng bảo vệ nó hơn.
Tránh đơn giản hóa
Câu chuyện doanh nghiệp: Trung tâm y khoa chuyên về chứng ngáy và ngừng thở trong khi ngủ
Khi David Volpi, 56 tuổi, sẵn sàng mở rộng quy mô doanh nghiệp có tuổi đời 2 năm trong lĩnh vực y khoa của ông vượt ra ngoài Manhattan, ông nhận ra cái tên ban đầu của nó, “Trung tâm ngủ và ngáy Manhattan”, không còn khả năng bao hàm ý nghĩa liên quan tới các thành phố mục tiêu khác như Philadelphia.
Thêm vào đó, ông cũng thấy, cái tên “Trung tâm ngủ và ngáy Manhattan” nghe có vẻ hơi giống với các tên khác. Ông nói: “Bạn không bao giờ muốn có cái tên phổ biến tới mức khi người ta tra tìm nó trên Google, người ta sẽ đến với các đối thủ cạnh tranh của bạn”.
Năm 2011, Volpi thuê Công ty Thương hiệu Duncan Channon có trụ sở tại San Francisco giải quyết cho ông chuyện tên gọi. Và công ty này đã mất 2 tháng để tìm ra một cái tên liên quan đến chuyện ngủ mà chưa bị sử dụng.
Cuối cùng, họ đề xuất tên “Eos Sleep”, sử dụng tên của nữ thần bình minh Hy Lạp. Theo ước tính của ông Volpi, tổng chi phí lên tới gần 200.000 đô la bao gồm việc trả tiền công ty thương hiệu, đổi lại tên cơ sở đã có, xây dựng website mới và in lại hàng loạt tờ rơi. “Đó quả là một khoản chi khủng khiếp”, ông nói.
Nhưng một năm sau đó, ông đã rất hạnh phúc khi chứng kiến sự thay đổi. Ông tin rằng, chính cái tên độc đáo đã giúp kéo thêm khách hàng tới để bù đắp cho chi phí đổi tên.
“Sau khi suy đi tính lại, đó là cái tên thật dễ nhớ và dễ đọc”, ông nói. Việc buôn bán tại cơ sở ở Manhattan vẫn duy trì ổn định, cùng với đó, hoạt động kinh doanh tại 3 thành phố khác nơi ông mở mang thêm cũng đang rất phát triển. Ông Volpi chia sẻ.
Lời khuyên của chuyên gia: Một vài doanh nhân thường tự đơn giản hóa bản thân vì họ muốn được miêu tả qua cái tên công ty để ai cũng có thể hiểu đó là gì. Nhưng ở khía cạnh phát triển và mở rộng, điều đó thực sự bất lợi. Thay đổi sang một cái gì đó có đôi chút liên tưởng và gần gũi hơn với một câu chuyện mới là cách hay để thực hiện.
Tránh xa rời cốt lõi
Câu chuyện doanh nghiệp: Chương trình giảm cân trực tuyến
Vài tháng sau khi JeffHyman (44 tuổi) khai trương chương trình giảm cân trên mạng dành cho khách hàng doanh nghiệp năm 2011, anh nhận ra những khách hàng tiềm năng của mình đã gặp khó khăn khi muốn tìm website của công ty.
Một số người nghĩ cái tên ban đầu, tức là Strongsuit, có vẻ giống với y phục nam giới hơn là dịch vụ sức khỏe. Hyman nói: “Mọi việc trở nên rõ ràng, thậm chí chỉ sau vài tháng, khi mọi người nhầm lẫn và không hiểu cái tên đó gắn với việc kinh doanh như thế nào”.
Hyman ước tính đã chi khoảng 25.000 đô la năm 2011 để thuê công ty A Hundred Monkeys đổi tên công ty mình thành Retrofit, ngầm chỉ tới việc cung cấp thêm những điều lợi ích cho cơ thể.
“Nếu bạn cần phải đổi tên doanh nghiệp, bạn nên làm nó càng sớm càng tốt”, Hyman nói.
Công ty của Hyman đã kiểm nghiệm cái tên mới với khoảng 50 khách hàng, và nhận được phản hồi tích cực. Sau thay đổi, cả doanh thu lẫn lượng người truy cập website đều tăng.
Lời khuyên của chuyên gia: Hãy tránh những cái tên không liên hệ rõ ràng với sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp bạn. Chúng có thể gây lầm lẫn cho khách hàng và nhiều khả năng không được hiển thị trong kết quả tìm kiếm trên Internet khi người ta tìm kiếm loại sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp.
“Chẳng có gì trong cái tên “Strongsuit” nói lên rằng việc thay đổi cơ thể của bạn sẽ là mối quan tâm hàng đầu”, chuyên gia Altman phân tích.
Theo TRẦN ĐẮC LUÂN
Theo Doanh nhân Sài Gòn/Entrepreneur
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!