Thuốc Trung Quốc, Ấn Độ đang làm lung lay tiêu chuẩn ngành dược toàn cầu
Theo cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA), hiện có khoảng 800 công ty dược Ấn Độ và Trung Quốc sản xuất thuốc cho thị trường này, một con số tương đương với các doanh nghiệp dược đến từ Mỹ.
Năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã phạt hãng sản xuất thuốc Ấn Độ Ranbaxy 500 triệu USD vì vi phạm những quy định về chất lượng an toàn dược phẩm.
Tuy nhiên, động thái này của chính phủ Mỹ không khiến các nhà sản xuất thuốc giá rẻ, đặc biệt là những công ty đến từ Châu Á chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm khi nguồn lợi từ ngành này quá lớn.
Trong những thập niên gần đây, nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia tư vấn đã tỏ thái độ lo ngại về chất lượng sản phẩm trên thị trường dược khi nhiều công ty, đặc biệt từ Châu Á vi phạm các quy định hoặc những tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc thử nghiệm thuốc, chương trình thí nghiệm nhằm đảm bảo sự ổn định khi người bệnh dùng thuốc hay độ lệch giữa quá trình sản xuất và báo cáo tiêu chuẩn lên các cơ quan chức năng...
Quay trở lại với vụ việc của Ranbaxy, do lo ngại những vấn đề về chất lượng mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã quyết định cấm nhập khẩu thuốc từ công ty này vào năm 2014.
Dẫu vậy, Châu Âu, một trong những thị trường dược phẩm lớn của các hãng Châu Á lại không ban hành lệnh cấm với Ranbaxy và làm dấy lên những tranh cãi xung quanh vấn đề chất lượng thuốc. May mắn thay, việc đàm phán và đi đến ký kết hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) có khả năng sẽ xiết chặt hơn các quy định về chất lượng thuốc tại thị trường này.
Trước đây, Châu Âu đã từng là một trong những công xưởng sản xuất thuốc cho thế giới nhưng hiện nay, các doanh nghiệp dược Châu Á đang chiếm ngày một nhiều thị phần trên thị trường, cả về mảng thuốc lẫn những nguyên liệu sản xuất chúng.
Yếu tố này đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề chất lượng cũng như các tiêu chuẩn quốc tế cho ngành dược.
Theo cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA), hiện có khoảng 800 công ty dược Ấn Độ và Trung Quốc sản xuất thuốc cho thị trường này, một con số tương đương với các doanh nghiệp dược đến từ Mỹ.
Nghiêm trọng hơn, khoảng 2.500 nhà sản xuất nguyên liệu dược phẩm hoạt tính (Active Ingredient) được dùng cho sản xuất thuốc tại Châu Á, cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới cộng lại.
Sự thay đổi trong chuỗi sản xuất toàn cầu khiến ngày càng nhiều nhà máy được mở tại Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ nhằm tận dụng chi phí thấp. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các cơ quan quản lý thuốc như FDA hay EMA phải thay đổi cách làm việc nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Do không có nhiều nhân viên tại Châu Á, cả EMA và FDA đều đang phải tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng địa phương ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng là việc phối hợp này không đạt hiệu quả như mong muốn với tệ nạn quan liêu, tham nhũng.