Thuốc lá điện tử không hề an toàn: Đã có bằng chứng cho thấy nó gây ung thư phổi

08/10/2019 17:01 PM | Khoa học

Đối với những người đang hút thuốc lá điện tử, có thể bệnh ung thư đang chờ đợi họ trong 10 năm tới.

Thuốc lá điện tử không phải là phương pháp cai thuốc lá an toàn, một nghiên cứu mới được công bố đầu tuần này cho biết. Các nhà khoa học tuyên bố đã tìm được bằng chứng trực tiếp cho thấy hơi thuốc lá điện tử có thể gây ra một số loại ung thư.

Nghiên cứu được thực hiện trên chuột, trong đó hơn một phần năm số chuột tiếp xúc với hơi thuốc lá điện tử đã phát triển ung thư phổi sau 54 tuần. Một nửa số chuột bị phì đại bàng quang, một hình thức tăng sản cũng có thể dẫn đến ung thư ở bộ phận này.

Thí nghiệm trên chuột chưa thể dùng để kết luận chính thức rằng hơi thuốc lá điện tử gây ung thư trên người, nhưng theo tác giả chính của nghiên cứu, nhà sinh học phân tử Moon-Shong Tang đến từ Đại học New York: "xác suất lớn" điều đó cũng sẽ xảy ra.

Thuốc lá điện tử không hề an toàn: Đã có bằng chứng cho thấy nó gây ung thư phổi - Ảnh 1.

Hơi thuốc lá điện tử có thể gây ung thư phổi và bàng quang

Trước đây, đã từng có một số nghiên cứu tiệm cận đến một bằng chứng cho thấy hơi thuốc lá điện tử, giống như khói thuốc lá điếu truyền thống, gây ung thư.

Có thể kế đến một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trường Y khoa Đại học New York, trong đó, họ phát hiện ra hút thuốc lá điện tử có thể làm hỏng DNA trong bàng quang và tế bào phổi của cả chuột và người. Mức độ thiệt hại DNA này đủ để làm tăng nguy cơ biến tế bào thường thành tế bào ung thư.

Một nhóm các nhà khoa học khác thì tìm thấy sự hiện diện của các hóa chất từng được biết đến là chất gây ung thư trong hơi thuốc lá điện tử, đặc biệt là từ các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị trái cây.

Nhưng nghiên phải cho đến cứu mới vừa được công bố trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) , bằng chứng đầu tiên liên kết trực tiếp thuốc lá điện tử với bệnh ung thư mới được xác nhận.

Nghiên cứu này báo cáo kết quả một thí nghiệm trên chuột kéo dài hơn một năm. Trong đó, các nhà khoa học theo dõi 3 nhóm chuột trong 54 tuần. Mỗi 4 giờ một ngày và 5 ngày một tuần, chúng được thả vào một buồng nhốt chứa các điều kiện không khí cụ thể.

Nhóm chuột thứ nhất được thả vào buồng chứa đầy hơi thuốc lá điện tử được tạo ra bởi một cỗ máy bắt chước thiết bị thuốc lá điện tử điển hình, nghĩa là nicotine được đun nóng và aerosol hóa từ một chất lỏng chứa dung môi propylene glycol và glycerin thực vật.

Nhóm chuột thứ hai được thả vào buồng chứa chỉ có các dung môi hóa hơi. Còn buồng của nhóm chuột thứ ba đơn giản chỉ chứa không khí bình thường được lọc qua.

Kết quả được ghi nhận vào thời điểm thí nghiệm kết thúc: 9 trong số 40 con chuột của nhóm thứ nhất (tương đương tỷ lệ 22,5%) đã phát triển ung thư phổi. Trong khi, chỉ một con chuột thuộc hai nhóm đối chứng còn lại phát triển căn bệnh này.

Ngoài ra, hơn một nửa số chuột trong nhóm tiếp xúc với hơi thuốc lá điện tử cũng phát triển phì đại bàng quang (một tình trạng gọi là tăng sản), cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư bàng quang. Chỉ một con chuột thuộc hai nhóm còn lại phát triển tình trạng này.

Moon-Shong Tang, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học New York cũng phát hiện ra một số hợp chất gây ung thư (được gọi là nitrosamine) hình thành trong cơ thể chuột khi chúng tiếp xúc với hơi chứa nicotine. Những nitrosamine này từng được phân loại là chất gây ung thư ở cả chuột và người.

Vì vậy, xác suất rất cao rằng hơi thuốc lá điện tử cũng là một chất gây ung thư ở người, Moon-Shong Tang cho biết.

Mặc dù vậy, nghiên cứu này không phải không có một số hạn chế. Thứ nhất, chuột không phải người, và loại chuột mà nhóm các nhà khoa học Đại học New York sử dụng còn là loại chuột thí nghiệm đặc biệt, chúng dễ bị nhiễm các hóa chất gây ung thư hơn so với những con chuột khác trong vòng đời một năm.

Những con chuột này rất được các nhà ung thư học ưu chuộng để làm thí nghiệm, bởi căn bệnh thường phải mất một thời gian dài mới có thể phát hiện, loại chuột dễ mắc ung thư này có thể là một cảm biến nhạy hơn trong trường hợp này.

Cũng chính bởi vậy, mặc dù nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng trực tiếp cho thấy hơi thuốc lá điện tử có thể gây ung thư, nó chưa thể dự đoán được mức độ gây ung thư đó trên người là bao nhiêu.

Điều này cũng có nghĩa là đánh giá rủi ro của thuốc lá điện tử so với thuốc lá điếu truyền thống là chưa thể thực hiện. Chúng ta chưa biết loại thuốc lá nào nguy hiểm hơn thuốc lá nào, mặc dù cả hai đều nguy hiểm.

Trước đó, một số chuyên gia và tổ chứng y tế cộng đồng đã lên án những tuyên bố thường thấy quảng cáo cho thuốc lá điện tử, nói nó an toàn hơn 95% so với thuốc lá điếu truyền thống.

Trên thực tế, phần lớn tính toán để ra được con số này đều dựa trên những nghiên cứu coi nicotine không phải là chất gây ung thư, hay việc hút thuốc lá điện tử hầu như không khiến con người tiếp xúc với các phụ phẩm gây ung thư của nicotine như nitrosamine.

Nhưng bây giờ, nghiên cứu của Moon-Shong Tang đã cho thấy điều ngược lại. Con số 95% này chắc chắn sẽ phải bị đánh giá lại.

Nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi. Moon-Shong Tang cho biết phải mất ít nhất hai thập kỷ trở lên để một người hút thuốc phát triển ung thư phổi. Và bởi thuốc lá điện tử mới chỉ xuất hiện và trở nên thịnh hành trong 10 năm trở lại đây, chúng ta sẽ phải chờ đợi xem 10 năm nữa, tỷ lệ ung thư phổi của những người sử dụng loại hình thuốc lá này là bao nhiêu.

Trong thời gian đó, nghiên cứu của Moon-Shong Tang với những con chuột nhạy cảm với ung thư có thể là căn cứ tốt nhất cho chúng ta dự đoán được tương lai. Và đó cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang hút thuốc lá điện tử, có thể căn bệnh ung thư đang chờ đợi họ trong vòng 10 năm tới.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM