Giải Nobel đầu tiên năm 2019 vừa có chủ nhân: Vinh danh ba nhà khoa học phát hiện ra cơ chế thích nghi oxy của tế bào
Trên thực tế, oxy là yếu tố tối cần thiết để duy trì sự sống.
Cách đây vài phút đồng hồ tại Viện Karolinska Stockholm, Thụy Điển, giải Nobel năm 2019 đầu tiên đã được trao cho bộ ba nhà khoa học William G. Kaelin Jr, Sir Peter J. Ratcliffe và Gregg L. Semenza. Đây là giải Nobel trong lĩnh vực Sinh lý học và y khoa, dành cho "phát hiện cơ chế cảm nhận và thích nghi với lượng oxy sẵn có của tế bào".
Từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng oxy là yếu tố tối cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng cơ chế phân tử nào đã giúp các tế bào thích nghi chính xác với những điều kiện, trong đó lượng oxy biến đổi theo hai hướng giảm hoặc tăng vẫn là một bí ẩn.
Cho đến khi ba nhà khoa học Peter Ratcliffe tại Học viện Francis Crick ở London, William G. Kaelin Jr tại Đại học Harvard và Gregg L. Semenza tại Đại học Johns Hopkins cùng nhau thực hiện các nghiên cứu giải mã điều đó.
Cơ chế tế bào cảm nhận và thích nghi với lượng oxy sẵn có tác động đến mọi khía cạnh của sự sống, từ khi chúng ta còn là một thai nhi cho tới khi lớn lên, từ hiệu ứng chữa lành của vết đứt tay cho đến quá trình sinh bệnh ung thư.
Đối với riêng bệnh ung thư, nguồn cung oxy tham gia vào cùng với các chất dinh dưỡng khác như glucose, glutamine, lipid và albumin là những yếu tố quyết định đáng kể vào quá trình tiến hóa của khối u và việc gom góp các mạch máu mới xung quanh nuôi dưỡng nó.
Ngược lại, tình trạng thiếu oxy và khan hiếm chất dinh dưỡng cũng đồng thời ảnh hưởng đến các biểu hiện gen lớn, đường dẫn tín hiệu, phản ứng trao đổi chất và một loạt các phản ứng căng thẳng.
Cơ chế thích nghi với oxy cũng là thứ "bảo bối" của muôn loài, giúp động vật, bao gồm cả con người có thể xâm chiếm nhiều môi trường sống trên Trái Đất, bao gồm cả những dãy núi cao, nơi nồng độ oxy luôn ở mức thấp.
Ăn mừng tin vui vừa nhận được, William G. Kaelin Jr đã viết một dòng chữ lên bảng trắng trong phòng thí nghiệm của ông với nội dung: Mọi khám phá vĩ đại đều bắt nguồn bằng một kết quả không ngờ và một cái đầu cởi mở.
Một lần nữa xin chúc mừng cả ba nhà khoa học!