‘Thuốc hối hận’ cho Google: Từ chia sẻ miễn phí thông tin đến ‘ngậm đắng nuốt cay’ cấm nhân viên tiết lộ bí mật

08/05/2023 10:36 AM | Kinh doanh

Đổ hàng tỷ USD nghiên cứu và chia sẻ thông tin miễn phí về trí thông minh nhân tạo, Google là hãng đi tiên phong trong mảng này nhưng Microsoft lại là người hái thành quả, một kết cục ‘đắng cay’ cho CEO Sundar Pichai.

‘Thuốc hối hận’ cho Google: Từ chia sẻ miễn phí thông tin đến ‘ngậm đắng nuốt cay’ cấm nhân viên tiết lộ bí mật - Ảnh 1.

Vào tháng 2/2023, người đứng đầu mảng trí thông minh nhân tạo (AI) tại Google, ông Jeff Dean đã tuyên bố một quyết định đầy bất ngờ với toàn thể nhân viên: Họ không được chia sẻ thông tin miễn phí nữa.

Trong nhiều năm hoạt động, ông Dean luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ các báo cáo nghiên cứu, thành quả học thuật miễn phí lên Internet nhằm thúc đẩy phát triển AI. Kể từ năm 2019 đến nay, bộ phận này đã chia sẻ gần 500 thành quả nghiên cứu lên mạng.

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi dự án đầu tư của Microsoft, OpenAI cho ra mắt ChatGPT đầy thành công.

Ngay lập tức Google hối hận vì chia sẻ quá nhiều thành quả nghiên cứu để rồi cho Microsoft cơ hội vượt mặt. Ông Dean cho biết trong cuộc họp quý I/2023, ban giám đốc đã yêu cầu các nhân viên nghiên cứu không được chia sẻ thành quả nếu chúng chưa được công ty biến thành sản phẩm.

‘Thuốc hối hận’ cho Google: Từ chia sẻ miễn phí thông tin đến ‘ngậm đắng nuốt cay’ cấm nhân viên tiết lộ bí mật - Ảnh 2.

Theo Washington Post, Google đã chuyển từ trạng thái chia sẻ miễn phí để cùng phát triển công nghệ sang tư thế phòng thủ (Defensive Mode). Mặc dù CEO Sundar Pichai của Google từng cảnh báo: “Tính trên diện rộng xã hội, AI có thể gây ra rất nhiều tác hại”, thế nhưng tập đoàn này lại đang dồn toàn lực cho công nghệ mới này.

Hiện Google đã hạ thấp tiêu chuẩn phát triển AI, không còn lo sợ công nghệ này sẽ đem lại nhiều lỗi hay ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn nữa. Vô số nhóm nghiên cứu nhỏ được thành lập chỉ với mục đích duy nhất: vực lại vị thế cạnh tranh trong AI của Google trước Microsoft.

Nhóm nghiên cứu Google Brain của ông Dean cũng bị sáp nhập vào DeepMind, một nhóm nghiên cứu AI khác được dẫn dắt bởi Demis Hassabis.

Ngậm đắng nuốt cay

“Chỉ khi có sự cạnh tranh từ bên ngoài thì Google mới thực sự thức tỉnh”, nhà đồng sáng lập DeepMind, ông Mustafa Suleyman nhận định.

Mặc dù nhiều nhân viên Google nói với tờ Washington Post rằng họ lo ngại sự siết chặt kiểm soát trong công khai nghiên cứu sẽ gây ra rủi ro bị bên khác phát biểu trước, nhất là trong bối cảnh thị trường đổ xô phân tích AI.

Thế nhưng CEO Sundar Pichai đã phải “ngậm đắng nuốt cay” quá nhiều sau thành công của Microsoft với ChatGPT và động thái trên là không thể tránh khỏi. Xin được nhắc là Google đã đổ hàng tỷ USD đầu tư phát triển AI trong nhiều năm và đây mới là tập đoàn tiên phong trong mảng này, nhưng Microsoft lại là người hái thành quả trước nhất.

Đầu thập niên 2010, Google mua lại hàng loạt startup về AI như Hinton, DeepMind với giá 625 triệu USD.

Thậm chí khi mới lên nắm quyền điều hành Google, chính CEO Sundar Pichai đã khẳng định việc tập trung phát triển AI cũng như công bố hàng loạt những đột phá qua nhiều năm để cùng thúc đẩy sự phát triển toàn ngành.

‘Thuốc hối hận’ cho Google: Từ chia sẻ miễn phí thông tin đến ‘ngậm đắng nuốt cay’ cấm nhân viên tiết lộ bí mật - Ảnh 3.

CEO Sundar Pichai của Alphabet (Google)

Chính Google là tập đoàn đã phát minh ra mô hình AI mới có thể hấp thu lượng lớn bộ dữ liệu và tự cải tiến. Công ty này cũng là cha đẻ của mô hình ngôn ngữ lớn LLM, vốn đang thống trị trong mảng AI với chính sản phẩm GPT3-4 của OpenAI cho ChatGPT.

Tốn công sức là vậy nhưng Microsoft với ChatGPT lại thành công đi trước, để lại Google đầy khó khăn và nhận vô số chỉ trích khi cho ra đời Bard quá muộn màng.

Mặc dù trong năm 2022, mảng công cụ tìm kiếm vẫn đưa về cho Google 162 tỷ USD doanh thu nhưng AI đang làm thay đổi toàn ngành một cách cực kỳ nhanh chóng.

Sau thành công của ChatGPT, Microsoft đã quyết định tích hợp công nghệ chatbot AI này vào công cụ tìm kiếm Bing của mình. Dù thị phần tìm kiếm của Bing vẫn chưa đến 3% nhưng với sự bùng nổ của AI, rõ ràng Google đang cực kỳ lo lắng.

Không dừng lại đó, sự trỗi dậy của Tiktok và Instagram trên thị trường tìm kiếm cũng khiến Google phải đau đầu. Phó chủ tịch Prabhakar Raghavan của Google cho biết 40% giới trẻ hiện nay tìm kiếm nhà hàng và nhiều thông tin khác trên Tiktok hay Instagram hơn là Google.

Với việc tích hợp thêm AI, Tiktok và Instagram có thể đe dọa đến thị phần của Google bởi công cụ tìm kiếm này từ nhiều năm nay đã chẳng có thay đổi lớn đáng kể nào. Nguồn tiền đều đặn từ thị trường khiến tập đoàn dần mất cảnh giác cho đến khi ChatGPT xuất hiện.

“Google đang bước vào trạng thái chiến tranh khi thị phần của đối thủ tăng lên”, cựu nhân viên nghiên cứu Brian Kihoon Lee của Google Brain nhận định.

*Nguồn: Washington Post, Wall Street Journal


Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM