Thực tại đáng sợ của TMĐT Trung Quốc: Bào mòn lợi nhuận người bán đến cùng cực, khiến nền kinh tế giảm phát vì hàng giá rẻ online
Chiến lược kinh doanh giá rẻ của những nền tảng TMĐT đang tác động sâu rộng đến toàn nền kinh tế.
Chỉ số điều chỉnh GDP, đo lường mức giá trung bình của tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP, của Trung Quốc đã giảm 5 quý liên tiếp, tương đương mức giảm dài nhất trong 1/4 thế kỷ qua.
Một phần nguyên nhân chính đến từ ngành thương mại điện tử (TMĐT) mà tiêu biểu là Pinduoduo (PDD) khi các sàn này ép người bán hạ thấp lợi nhuận đến cùng cực để theo đuổi chiến lược giá rẻ.
Kẻ khóc người cười
Khi cô Lin Yunyun bắt đầu bán tã lót cách đây hai năm trên Pinduoduo, trang TMĐT phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc gần đây, người phụ nữ này không hề nghĩ rằng mình sẽ bị bào mòn lợi nhuận như hiện nay.
Sử dụng chiến thuật giá rẻ để mở rộng thị phần và luôn có mức chiết khấu hấp dẫn, sàn TMĐT này luôn nhắc nhở người bán bất cứ khi nào có một người bán khác có giá thấp hơn.
Hậu quả là bất cứ khi nào những người bán như cô Lin giảm giá thì trang web sẽ tạm thời quảng cáo sản phẩm của cô lên trước để rồi vài ngày sau lại cảnh báo có người giảm giá nhiều hơn.
Kiểu ép giá bán này khiến người bán chẳng còn lợi nhuận, trong khi PDD thì thu hút thêm khách hàng và mở rộng thị phần bất chấp lợi ích của người bán.
"Nền tảng PDD liên tục nhắc nhở tôi giảm giá nhưng nếu làm vậy, tôi sẽ chẳng kiếm được tiền", cô Lin than thở.
Theo tờ New York Times (NYT), những nền tảng như PDD đang khiến tình hình giảm phát tại Trung Quốc thêm trầm trọng. Người mua đổ xô đến mua sắm tại đây nhờ nỗ lực ép giá bán không ngừng nghỉ của nền tảng với người bán.
Không những thế, động thái của PDD còn phá hủy thị trường thương mại truyền thống khi người mua không còn chi tiêu tại các cửa hàng hay trung tâm thương mại nữa mà chuyển sang mua online để tiết kiệm với giá bán rẻ hơn nhiều.
Tình hình này càng trở nên nghiêm trọng khi những lo lắng về khủng hoảng bất động sản, thất nghiệp trên thị trường lao động càng khiến người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn.
Thế nhưng giá cả giảm khiến lợi nhuận cũng giảm, càng làm doanh nghiệp không có lãi và sa thải bớt nhân công, tạo thành vòng tròn luẩn quẩn khi người dân chẳng có đủ tiền mua sắm.
Tờ NYT cho hay sau một loạt những biện pháp chống giảm phát không có hiệu quả, chính quyền Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất cũng như phục hồi thị trường bất động sản lẫn chứng khoán để thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên phần lớn trọng tâm chính sách lại đang dồn vào hỗ trợ sản xuất lẫn đầu tư, khiến các nhà máy tràn ngập hàng hóa dư thừa, trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa được cải thiện. Hậu quả là giá cả càng xuống thấp và rủi ro giảm phát vẫn tăng cao.
Chính sự dư thừa này đã kích thích đà tăng trưởng của PDD, phủ sóng hàng giá rẻ khắp thị trường online để rồi gián tiếp thúc đẩy thêm giảm phát.
Theo HSBC, khoảng 60% số người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua TMĐT, chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu của ngành bán lẻ.
"PDD vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân thúc đẩy giảm phát", giáo sư Donald Low của Đại học khoa học và công nghệ Hong Kong nói.
Giảm giá hoặc mất doanh số
Được thành lập vào năm 2015 nhưng cho đến gần đây thì PDD mới bùng nổ nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh. Nhờ việc mở thương hiệu Temu tại nước ngoài mà doanh thu PDD đã tăng gần 86% trong quý gần nhất, thậm chí vượt mặt Alibaba để trở thành sàn TMĐT có giá trị lớn nhất Trung Quốc.
Theo nhà sáng lập Colin Huang, triết lý kinh doanh của PDD không phải là bán sản phẩm giá rẻ mà là cung cấp những mặt hàng khiến khách hàng cảm thấy giá rẻ hơn so với thực tế.
Tuy vậy, chiến lược kinh doanh này đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người bán hàng.
Trên thực tế từ giữa những năm 2010, các nhà kinh tế đã bắt đầu nghiên cứu "Hiệu ứng Amazon", ám chỉ ảnh hưởng của các nền tảng TMĐT như Amazon trong việc hạ giá tác động thế nào đến các cửa hàng thương mại truyền thống.
Hầu hết các nhà bán lẻ đều theo dõi giá của nhau và của thị trường để rồi biến động liên tục nhằm đạt ưu thế lớn nhất, qua đó thu hút khách hàng.
Giáo sư Alberto Cavallo của Đại học kinh doanh Harvard cho biết TMĐT đang khiến giá cả sản phẩm nhạy cảm hơn với tình hình kinh tế. Cú sốc của nền kinh tế đang tạo áp lực giảm giá và rủi ro giảm phát đang được đẩy nhanh vì các nền tảng TMĐT.
Thật vậy, thành công của PDD đã kích thích Alibaba lẫn JD.com tham gia cuộc chiến hạ giá bất chấp tổn thương đến người bán.
Mạng xã hội WeChat từng xuất hiện bài báo "PDD càng tốt thì tình hình càng tệ" của nhà báo ZhangZhuo khi nhấn mạnh rằng cuộc chạy đua giá rẻ chỉ khiến thị trường đi xuống vì dìm nhau đến chết.
"Người bán hàng chỉ có 2 lựa chọn là giảm giá hoặc từ bỏ doanh số bán hàng", bà Zhang nói.
"Chúng tôi không thể kinh doanh với mức giá đó", cô Lulu Qi, một người bán phụ kiện quần áo trên PDD đồng tình khi cho biết nền tảng này đề nghị cô giảm giá để được "đề xuất" với khách hàng.
Cô Qi cho hay những chính sách khác của PDD cũng làm khó người bán khi người mua được quyền hoàn hàng và lấy lại tiền nếu không hài lòng. Điều này khiến cô Qi phải nhận lại hàng đến 5 lần mỗi ngày.
Dẫu vậy, việc từ bỏ PDD là rất khó khi người mua đổ xô vào đây săn hàng giá rẻ. Chính vì hiểu được điều này nên PDD tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng hơn là quan tâm đến người bán.
*Nguồn: NYT