Cụ ông 88 tuổi kiếm 12,6 triệu USD từ chứng khoán dù ‘mổ cò’ sai lệnh trên máy tính: Mắt mờ phải dùng kính lúp để soi mã cổ phiếu nhưng vẫn nuôi giấc mơ trở thành ‘Warren Buffett’
Dù ‘mổ cò’ sai lệnh trên máy tính và thi thoảng nhầm giữa lệnh mua với bán nhưng cụ ông này vẫn kiếm được nhiều tiền đến mức khiến mọi người ngạc nhiên.
Ông Shigeru Fujimoto là một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, sống tại tỉnh Hyogo-Nhật Bản. Ngày làm việc của ông bắt đầu từ 2h sáng khi mọi người còn đang say giấc nồng.
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ông Fujimoto không phải một ông lão đã 88 tuổi và kiếm được đến 12,6 triệu USD từ thị trường chứng khoán.
Warren Buffett Nhật Bản
Hàng sáng, ông Fujimoto lại bật 3 màn hình máy tính của mình, pha một ly cà phê và ngồi thả lỏng theo dõi tình hình chứng khoán Mỹ, đọc báo cáo tài chính và kiểm tra kết quả đầu tư của mình.
Trong khi những người đồng trang lứa khác đều ôm cháu hoặc vui vẻ với việc nghỉ hưu thì Fujimoto lại dự báo hướng đi của thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng như mức giá cổ phiếu mà mình giao dịch.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là cụ ông 88 tuổi này phải mổ cò máy tính do không sử dụng thành thạo. Mắt của Fujimoto cũng đã mờ đến mức phải dùng kính lúp soi bảng giá trên màn hình.
"Tôi bận nhất là vào 9h đến 10h sáng", cụ Fujimoto càu nhàu khi Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo bắt đầu mở cửa nhưng cụ lại gõ sai phím và màn hình hiển thị "Lỗi" không thể thực hiện.
"Sẽ thật tệ nếu tôi nhầm lẫn giữa lệnh mua với lệnh bán. Thực ra đôi khi tôi cũng gõ sai lệnh như vậy", cụ Fujimoto cho biết khi phải căng mắt nhìn lên màn hình máy tính và bàn phím.
Thế nhưng theo tờ Asahi, mỗi lệnh giao dịch của cụ ông 88 tuổi này đều mang lại lợi nhuận 6 chữ số bằng đồng Yên, tương đương hàng nghìn USD lợi nhuận, qua đó biến cụ ông này thành một huyền thoại.
Thay vì sử dụng smartphone, cụ Fujimoto lưu trữ các ghi chép giao dịch của mình trong một cuốn sổ tay. Tuy nhiên chẳng nhà đầu tư nào dám coi thường cụ ông này khi tổng tài sản mà cụ Fujimoto đã tích lũy được từ chơi chứng khoán đã vượt quá 2 tỷ Yên, tương đương 12,6 triệu USD tính đến năm nay.
"Tôi sẽ tăng thêm một con số nữa vào đó. Mục tiêu của tôi là trở thành như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett", ông Fujimoto cười nói.
Cũng giống như lối sống tối giản của Buffett, cụ Fujimoto không hề sinh hoạt xa hoa dù kiếm được rất nhiều tiền. Nhà đầu tư lớn tuổi này chẳng có smartphone hay xe hơi, thậm chí quần áo của ông mặc cũng khá nhăn.
Suốt 15 năm qua, ông Fujimoto vẫn đội chiếc mũ giá vài nghìn Yên của mình, dù có bị rách thì nhờ vợ vá lại chứ chẳng mua mới.
Sức khỏe của Fujimoto cũng yếu dần khi bị đau lưng dưới cấp tính và phải dùng gậy chống. Ông đã từng bị nhồi máu não lần thứ 2 vào tháng 2/2024 và chẳng thể ghi chép sổ tay chơi chứng khoán nhanh như trước.
Giờ đây dù nhịp độ giao dịch khá căng thẳng nhưng Fujimoto vẫn phải cố gắng dùng kính lúp để theo dõi trên màn hình.
Bất chấp điều đó, cụ ông 88 tuổi này vẫn giữ thái độ tích cực: "Tôi có thể thực hiện nhiều giao dịch hơn nếu tôi học được cách viết tắt để có thể ghi chép nhanh hơn. Phong cách đầu tư của tôi vẫn hiệu quả ngay cả khi tôi yếu đi."
Đi và thử
Ông Fujimoto sinh năm 1936 và là con út trong gia đình nông dân có 4 anh chị em ở tỉnh Hyogo.
Người đàn ông này bắt đầu đầu tư từ năm 19 tuổi với thế mạnh về phân tích kỹ thuật, tức là nghiên cứu các xu hướng trong quá khứ về giá cổ phiếu để dự báo các biến động trong tương lai.
Cả cuộc đời mình, ông Fujimoto đã sống theo triết lý rằng: "Bạn nên thử sức ngay cả khi có nguy cơ thất bại. Khi có điều gì đó khiến bạn nghĩ rằng: ‘đây là cơ hội’ thì hãy làm nó bất kể bạn bao nhiêu tuổi."
Khi mới tốt nghiệp trung học, một khách hàng của cửa hàng thú cưng nơi Fujimoto làm việc bán thời gian đã giới thiệu ông đến với thị trường chứng khoán.
Sau khi kiếm được chút lợi nhuận, ông Fujimoto mở một số tiệm mạt chược và làm đẹp. Tuy nhiên bản thân người đàn ông này nhận thấy chứng khoán mới là "chân ái" của đời mình.
Vậy là Fujimoto bán các cửa hàng của mình với giá 65 triệu Yên để dồn toàn bộ tiền tiết kiệm chơi chứng khoán từ năm 1986.
Nhờ làn sóng bùng nổ kinh tế vào cuối thập niên 1980 của Nhật Bản mà Fujimoto đã tăng số tài sản của mình lên 1 tỷ Yên. Thế nhưng khi bong bóng này xì hơi, nhà đầu tư lớn tuổi này phải ngậm ngùi chứng kiến tài sản giảm xuống chỉ còn 200 triệu Yên.
Thế rồi trận động đất lớn năm 1995 khiến một phần lối vào căn hộ nhà Fujimoto bị phá hủy. Người đàn ông này chạy nạn với chân trần, phải sống tị nạn trong trường tiểu học và mất một khoảng thời gian rời xa thị trường chứng khoán.
Bước sang tuổi 66, Fujimoto làm quen với giao dịch chứng khoán trực tuyến thay vì phải đặt lệnh qua điện thoại hay đến các chi nhánh môi giới.
Dù chưa từng chạm vào máy tính cá nhân nhưng Fujimoto ở tuổi 66 vẫn quyết tâm học sử dụng để giao dịch trực tuyến.
"Mô hình này tiện lợi với phí hoa hồng thấp. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thử dùng chúng. Thế giới của mỗi người quá nhỏ bé và có nhiều thứ mà bạn chẳng hề biết. Bởi vậy tuổi tác không quan trọng khi bạn nỗ lực làm điều gì mới mẻ", ông Fujimoto nhớ lại khi mua máy tính về học cách sử dụng.
Tất nhiên, việc mạo hiểm thử cái mới cũng có rủi ro khi bản thân Fujimoto mắc rất nhiều sai lầm vì không biết dùng máy tính. Ông thường xuyên cáu gắt khi chịu những khoản lỗ trên thị trường chỉ vì nhập lệnh sai.
"Tôi luôn cố gắng không đổ lỗi cho người khác vì làm vậy chỉ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội tiếp theo", cụ ông 88 tuổi này nói.
"Tôi không thèm tiền"
Trong bài phỏng vấn với tờ Asahi, ông Fujimoto cho biết bản thân không thèm tiền dù vẫn phải chú ý đến chúng. Ông cũng cho biết mình chẳng quan tâm đến những lời phân tích về thị trường chứng khoán khi đa phần chúng đến từ những "chuyên gia" làm công ăn lương không hề bỏ tiền túi của mình vào thị trường.
Bên cạnh đó, cụ ông 88 tuổi này cho biết chứng khoán không dành cho những người muốn kiếm tiền dễ dàng.
"Một khi mua cổ phiếu thì chúng là bạn của bạn, hãy luôn theo dõi chúng, tra cứu chúng, nghiên cứu chúng hàng ngày và trở thành anh em với chúng", ông Fujimoto tiết lộ.
Tuy nhiên nói thì dễ hơn làm.
Việc cụ ông 88 tuổi này ngồi máy tính cả ngày khiến ông bị đau lưng mãn tính.
Tất nhiên việc tích lũy kinh nghiệm đầu tư suốt nhiều năm khiến ông có dự đoán khá tốt về phản ứng của thị trường trước những thông tin nóng hổi.
Dẫu vậy, dù tích lũy kinh nghiệm hàng ngày nhưng đôi khi Fujimoto vẫn phán đoán sai và đó lại là một trong những điểm hấp dẫn cụ ông này.
*Nguồn: Asahi