Thực hư chế độ ăn 'tự chữa lành bệnh tật, ung thư': Chuyên gia giải đáp

04/07/2023 14:59 PM | Sống

Hiện nay, trên mạng xã hội nổi lên trào lưu 'ăn tự chữa lành', trong đó, những người quảng cáo nói rằng chế độ ăn này giúp 'chữa khỏi ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hoá xương khớp…'.

Những lời quảng cáo 'có cánh'

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi lên trào lưu "ăn tự chữa lành". Theo lời quảng cáo, phương pháp này "sẽ đánh thức tế bào miễn dịch, sửa chữa những tế bào lỗi, cải thiện sức khoẻ cho mọi người, đặc biệt người bị bệnh".

Một người có tên là E trên mạng xã hội chia sẻ về "chế độ ăn tự chữa lành" như sau: "Nếu bạn đã từng ăn thịt cá, trứng, sữa, những đồ ăn tưởng như là tốt, giàu dinh dưỡng nhưng bạn vẫn mắc bệnh? Vậy tại sao? Nó có thật tốt không? Do mình ăn nhiều, do mình không biết cân bằng thực phẩm, do thực phẩm bẩn… Vậy bây giờ hãy quay trở về với mẹ thiên nhiên chữa lành vì rau củ, hoa quả, nguồn thực phẩm sạch sẽ giúp bạn cải thiện chữa lành nhanh nhất".

Khi tham gia các hội nhóm về "ăn chữa lành", phóng viên nhận thấy bản chất phương pháp này là ăn chay. Thế nhưng, người tham gia liên tục quảng bá về các tác dụng như "chữa khỏi ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hoá xương khớp…".

Thực hư chế độ ăn 'tự chữa lành bệnh tật, ung thư': Chuyên gia giải đáp - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Thực hư tác dụng của "chế độ ăn tự chữa lành"

Vậy "chế độ ăn tự chữa lành" có thần kỳ như những gì trên mạng xã hội đang đề cập tới hay không? Dưới đây là chia sẻ của các chuyên gia.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, hiện đang là Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho biết về nguyên tắc, tất cả cơ thể sống cần phải có dinh dưỡng để sống. Số lượng, chất lượng của bữa ăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và từng cá thể.

Ví dụ, người bình thường và người có bệnh mãn tính sẽ có chế độ ăn khác nhau, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, dù là chế độ ăn nào thì cùng phải điều chỉnh 3 chất sinh năng lượng theo tỷ lệ hợp lý, ở mức chấp nhận được. Để làm được việc này, cần sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

"Chế độ ăn chữa lành" bệnh này, bệnh kia là mọi người trên mạng đang tự chia sẻ với nhau, không có một thông số để kiểm chứng", bác sĩ Hưng nói.

Ung thư hiện nay vẫn là một gánh nặng của ngành y tế vì đa số các trường hợp mắc ung thư đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi điều trị ung thư, cần phải có chế độ ăn để nâng đỡ cơ thể.

Bệnh nhân ung thư có thể mất đi các khối cơ dẫn tới suy dinh dưỡng. Tác dụng phụ của hoá trị cũng có thể khiến bệnh nhân chán ăn, năng lượng không đưa vào đủ. Khi đó, cung cấp đủ protein sẽ giúp tránh mất cơ, tăng đề kháng, chống chịu với điều trị tốt hơn.

Thực hư chế độ ăn 'tự chữa lành bệnh tật, ung thư': Chuyên gia giải đáp - Ảnh 2.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (ảnh: L.P)

Bác sĩ Hưng khuyến cáo nếu chế độ ăn chỉ thiên về một thực phẩm sẽ tạo ra sự xáo trộn dinh dưỡng trong cơ thể. Đặc biệt với những người có bệnh lý mãn tính, bệnh lý ung thư, khi thực hiện bất cứ chế độ ăn nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng.

"Một chế độ ăn đúng là đủ năng lượng, cân đối các chất (tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất). Việc ăn đúng sẽ giúp cơ thể hoạt động và phát triển, duy trì sức mạnh của con người, sức mạnh cơ bắp, phòng chống được nguy cơ bệnh tật. Đối với người đã bị bệnh rồi, ăn uống sẽ giúp kiểm soát được bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng. Còn việc điều trị bệnh thì vẫn cần tuân theo phác đồ của bác sĩ", bác sĩ Hưng nói.

Theo PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Giám đốc Bệnh viện E, Phó Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội, các tuyên bố "chế độ ăn thực dưỡng hay tự chữa lành giúp chữa khỏi ung thư" là chưa đúng. Ăn uống chỉ là vấn đề bổ trợ trong quá trình điều trị ung thư. Ví dụ, bệnh nhân khó ăn thì phải truyền dinh dưỡng, bệnh nhân sụt cân thì tăng cường dưỡng chất để bệnh nhân nâng cao thể trạng.

Ung thư vẫn đang là vấn đề khó trên toàn cầu mà chúng ta chưa biết được hết nguyên nhân. Ung thư đến từ gen, bất thường của tế bào, ăn uống chỉ tác động 1 phần trong quá trình điều trị. Còn lại thuốc, phương pháp điều trị ung thư sẽ chiếm 80%, theo chuyên gia.

"Hiện nay, rất nhiều người nói vống lên tác dụng của ăn uống có thể chữa khỏi ung thư… tuy nhiên không đúng. Ngay cả đối với những người béo phì là do cấu trúc về nội tiết, thần kinh, gen… nên họ có giảm ăn cũng không giảm béo được nhiều. Nói như vậy để chúng ta hiểu dinh dưỡng không quyết định hoàn toàn tới vấn đề bệnh tật.

"Không có chuyện ăn thứ ngày thứ kia, chế độ ăn này, chế độ ăn nọ chữa lành, diệt được tế bào ung thư. Do vậy, người dân cần tỉnh táo, nếu không sẽ làm giàu cho những người bán hàng mà tác dụng thì chẳng đáng được là bao", PGS.TS Nghị nói.

Thực hư chế độ ăn 'tự chữa lành bệnh tật, ung thư': Chuyên gia giải đáp - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, ảnh ST

Còn đối với những bệnh nhân mắc ung thư đang điều trị thì cần phải tuân thủ điều trị, không nghe theo lời quảng cáo, bỏ điều trị để ăn "tự chữa lành" sẽ rất nguy hiểm. Thực tế, trong tháng 6, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân bị tắc ruột do thực hiện chế độ ăn "tự chữa lành" bằng mít mật.

Được biết, bệnh nhân có tiền sử ung thư dạ dày đã phẫu thuật, đang điều trị hoá chất 1 đợt đã bỏ dở về áp dụng chế độ ăn "tự chữa lành". Sau khi ăn mít với số lượng nhiều, bệnh nhân đã phải nhập viện mổ cấp cứu do tắc ruột.

Theo các chuyên gia, khi áp dụng chế độ ăn đặc biệt thiên về một nhóm thực phẩm kéo dài có thể gây rối loạn điện giải hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan. Tình trạng nhịn đói kéo dài còn dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non. Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột, các độc tố do khuẩn này tiết ra không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM