Thuật ngữ "đôla hóa" nhiều lúc tạo ra những nhầm lẫn
Lộ trình chống đô la hóa bao gồm 2 yếu tố vừa định lượng vừa định tính. Dù là định tính hay định lượng thì thuốc chữa cho căn bệnh “đô la hóa” vẫn là thể trạng cường tráng của nội tệ VND...
Theo Thông tư mới sửa đổi, các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ trở lại sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4/2016 vừa qua. Tại sao cơ quan điều hành mở khóa cho vay trở lại?
Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cơ hội trao đổi riêng với TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - một chuyên gia có hơn 30 năm công tác trong ngành ngân hàng, từng giữ nhiều chức vụ như Trưởng Phòng Kinh doanh ngoại tệ ngân hàng Ngoại thương TP.HCM, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, Tổng giám đốc Eximbank.
Theo ông Phước, các chính sách về ngoại hối của chúng ta trong 20 năm trở lại đây có thể nói dựa trên một quan điểm khá nhất quán là hạn chế hiện tượng đô la hóa , nâng cao vị thế của đồng Việt Nam nhằm phục vụ cho một mục đích sâu xa hơn là có một chính sách tiền tệ độc lập, tự chủ.
Chính từ quan điểm này mà 10 năm qua chúng ta đã quay đi, quay lại câu chuyện có cho nhà xuất khẩu Việt Nam vay ngoại tệ hay không?
Trước năm 2008, nghiệp vụ cho vay ngoại tệ diễn ra khá phổ biến, kể cả cho vay đối với nhà nhập khẩu để thanh toán chi trả hàng hóa dịch vụ cho nước ngoài; đồng thời cho vay đối với nhà xuất khẩu bằng ngoại tệ để họ bán lượng ngoại tệ này trở lại cho ngân hàng, họ nhận được tiền đồng thu mua hàng hóa xuất khẩu chứ không phải giải ngân và sử dụng bằng ngoại tệ.
Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra, chúng ta có nhiều chính sách thay đổi, nhất là các chính sách về ngoại hối.
Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu không được vay trực tiếp ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài mà phải vay VND, rồi dùng lượng tiền đồng này để mua ngoại tệ thanh toán. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được vay ngoại tệ, rồi bán cho ngân hàng để nhận VND. Họ phải vay trực tiếp VND để mua hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên vào những năm từ 2009 đến 2011, do lạm phát cao, lãi suất vay VND rất cao (từ 18% đến 20%/năm), nguồn ngoại tệ từ các NHTM khó khăn trong cân đối nhu cầu thanh toán cho nền kinh tế, nhất là khi xuất khẩu Việt Nam giảm do cầu tiêu dùng của thế giới suy yếu, đưa đến việc cân nhắc thay đổi chính sách về tín dụng ngoại tệ. Cũng từ lý do đó mà NHNN cho phép việc nối lại cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giúp họ tiếp cận được vốn với một chi phí thấp vì lãi suất vay USD thấp hơn rất nhiều so với VND. Khi họ nhận được nguồn tiền ngoại tệ từ xuất khẩu thì sẽ dùng lượng ngoại tệ này để trả nợ khoản vay. Do đó, việc tăng giảm tỷ giá không gây ảnh hưởng, rủi ro đối với nhà xuất khẩu.
Việc cho vay ngoại tệ nối lại từ ngày 1/6 vừa qua đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mong muốn lãi suất tiền vay xuống thấp. Trong nhiều nỗ lực của hệ thống ngân hàng như tiết giảm chi phí, NHNN tái cấp vốn nhiều hơn với lãi suất thấp hơn cho các NHTM…thì việc các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất thấp cũng phần nào giúp mặt bằng lãi suất cho vay thấp xuống. Và riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì được vay ngoại tệ lãi suất thấp sẽ giúp xuất khẩu tạo thêm lợi thế cạnh tranh.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc cho vay ngoại tệ trở lại sẽ mâu thuẫn với lộ trình chống đô la hóa
Ông Trương Văn Phước nói: Thuật ngữ "Đô la hóa" nhiều lúc tạo ra những nhầm lẫn vì cũng có người từng nêu vấn đề ngoài “Đô la hóa” thì “Yên nhật hóa”, “Euro hóa”…thì sao?
Thực ra “Đô la hóa” trong ý niệm bản chất của nó khi nói về xu hướng tăng lên của tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thì đó chính là “ngoại tệ hóa”. Tỷ lệ “đô la hóa” hay “ngoại tệ hóa” này được đo bằng tỷ lệ giá trị tiền các loại ngoại tệ quy đổi ra đồng nội tệ so với tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Đó là nhìn dưới góc độ tiền tệ và ngoại hối.
Còn dưới góc độ kinh tế và xã hội, thì “đô la hóa” được tiếp cận dưới những góc độ khác. Sự yêu thích ngoại tệ để biến nó trở thành các công cụ trong thanh toán, trong dự trữ tài sản, trong đo lường giá trị…là những hệ lụy mà “đô la hóa” làm xói mòn niềm tin vào đồng nội tệ.
Lộ trình chống “đô la hóa” bao gồm 2 yếu tố vừa định lượng vừa định tính. Giảm tỷ lệ ngoại tệ trong tiền gửi của hệ thống ngân hàng là định lượng. Còn về định tính thì phải làm giảm sự yêu thích ngoại tệ của mọi tổ chức, cá nhân trong thị trường…thông qua các chính sách hạn chế về tín dụng ngoại tệ, về tiền gửi ngoại tệ, về niêm yết giá bằng ngoại tệ, về thanh toán trao đổi bằng ngoại tệ,…
Dù là định tính hay định lượng thì thuốc chữa cho căn bệnh “đô la hóa” vẫn là thể trạng cường tráng của nội tệ VND. Và đây chính là một trong các mục tiêu cốt lõi của chính sách tiền tệ. Lạm phát ổn định ở mức thấp, tỷ giá hối đoái phù hợp với sức mua trong nước và đảm bảo khả năng cạnh tranh cho xuất khẩu ra nước ngoài…là những nhân tố tạo sức hấp dẫn cho đồng Việt Nam, làm hao mòn sức quyến rũ của ngoại tệ. Lộ trình chống “đô la hóa”, do thế, phải mất nhiều thời gian. Đã mất 15 năm để kéo tỷ lệ “đô la hóa” xuống còn phân nửa. Và sự yêu thích ngoại tệ cũng dễ nhìn thấy đã giảm đi rất nhiều trong nền kinh tế.
Không tự nhiên và ngẫu nhiên mà có những thành quả này. Sự kiên trì nhưng lại phải linh hoạt trong các chính sách để đạt được mục tiêu trong dài hạn mà không gây những cản trở để vượt qua những khó khăn của các mục tiêu chung trong ngắn hạn của nền kinh tế.
Vì vậy có thể hiểu việc cho vay ngoại tệ là giải pháp linh hoạt trong ngắn hạn. Còn về dài hạn thì các quan hệ tiền gửi, tiền vay ngoại tệ phải được chuyển qua quan hệ bán ngoại tệ, mua ngoại tệ để đồng Việt Nam trở thành đồng tiền duy nhất trong các quan hệ thanh toán, định giá, dự trữ của các cá nhân và tổ chức.
"Lộ trình chống đô la hóa phải đi song hành với lộ trình tăng tính chuyển đổi cho đồng Việt Nam. Nới lỏng dần những hạn chế trong các giao dịch vốn khi ta đã tự do hóa các giao dịch vãng lai từ năm 2005. Chính sách tỷ giá hối đoái vẫn điều tiết, quản lý nhưng với liều lượng thả nổi nhiều hơn. Cần dịch vụ hóa các công cụ phái sinh trong một thị trường ngoại hối chuyên nghiệp. Có lẽ đó những tiếp cận đa chiều trong nỗ lực chống “đô la hóa”", TS. Phước bày tỏ quan điểm.