Vì sao Bộ Tài chính “đòi” ngân hàng trả cổ tức bằng tiền?

02/06/2016 08:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt. Các chuyên gia cho rằng, điều này thể hiện: Ngân sách đang khó khăn, nhưng cũng là cơ hội “khám sức khỏe”, tái cơ cấu vốn nhà nước tại các nhà băng.

"Yêu cầu đúng quy định"

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc bộ này đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và Vietinbank chia cổ tức bằng tiền mặt là căn cứ theo quy định pháp luật. Theo vị này, cuối năm 2015, Quốc hội ra nghị quyết giao bộ này thực hiện thu 55.000 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận tại các doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Đồng thời, từ tháng 10/2015, Nghị định về Quản lý vốn nhà nước cũng có hiệu lực (có quy định về nội dung trên) nên Bộ Tài chính phải nhắc nhở. “Quy định đã có nên Bộ Tài chính phải nhắc các DN thực hiện theo quy định, không phải lúc ngân sách tốt thì không thu; khi ngân sách khó khăn lại thu”, vị này nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Nhà nước đang tái cơ cấu vốn tại các DN, trọng tâm là cổ phần hóa và giảm phần vốn nhà nước để tư nhân tham gia. Nếu tiếp tục để phần cổ tức, lợi nhuận lại, DN sẽ đi ngược chủ trương này. Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi NHNN đề nghị can thiệp để thu cổ tức năm 2015 tại ngân hàng BIDV và Vietinbank bằng tiền mặt.

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo quy định hiện hành, với các ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng này phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận.

Trong khi, hiện phần vốn nhà nước tại BIDV trên 95%, Vietinbank là 64,46% nhưng 2 ngân hàng này chưa thực hiện hỏi ý kiến Bộ Tài chính trước khi thông qua phương án chia cổ tưc.

Tăng mối lo về ngân sách

Sự kiện lần đầu tiên Bộ Tài chính “đòi” cổ tức bằng tiền mặt diễn ra đúng thời điểm mức bội chi ngân sách sau 5 tháng tăng lên mức 66.400 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); trong khi dự toán thu chỉ mới đạt 34%. Điều này cũng dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bội chi ngân sách là bệnh kinh niên, thể hiện nền tài chính không lành mạnh. Tình hình càng khó kiểm soát hơn khi hiện nay, nợ công đang có xu hướng tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn. “Tốc độ thu luôn tăng cao, nhưng chi vượt thu. Điều đó cho thấy, kỷ luật tài chính ngân sách kém” - ông Long nói.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, bội chi ngân sách đang tăng lên rất cao, chứng tỏ tình hình kinh tế khó khăn. “Chúng ta cần nhìn thấy, tình hình bội chi tăng cao không chỉ xuất hiện trong 5 tháng đầu năm mà sẽ diễn biến phức tạp trong cả năm”. Chuyên gia này cho rằng, đây cũng là cơ hội để thực hiện tiết kiệm ngân sách. “Các nước khác đều làm như thế cả. Đó là cơ hội và lý do để mọi người thấy phải từ bỏ việc chi tiêu lãng phí” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Điều chỉnh mối quan hệ ngân sách với nhà băng

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, việc Bộ Tài chính “đòi” BIDV và Vietinbank trả cố tức bằng tiền mặt có thể coi là động tác bộ này muốn kiểm nghiệm năng lực của ngân hàng. “Trước đây, có thể ngân hàng hứa trả cổ tức bằng hình thức này khác; bây giờ, nếu ngân hàng lãi thật, Bộ Tài chính yêu cầu trả bằng tiền mặt cũng là việc bình thường. Việc làm này không tác động lớn đến nền kinh tế nhưng lập tức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng” - ông Long nói.

TS Trần Du Lịch cho rằng, Nhà nước đang có xu hướng giảm tỷ lệ nắm vốn điều lệ tại các ngân hàng nên không có lý gì ngân hàng lại chia cổ tức bằng cổ phiếu; nhất là khi “ông chủ” là nhà nước đang cần tiền. “Tôi nghĩ, với đề xuất này, Nhà nước sẽ hướng tới việc không nắm cổ phần chính ở ngân hàng nữa. Nếu ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ thì các đơn vị khác bỏ tiền vào, còn nhà nước thì giảm vốn”, ông Lịch nhận định.

Cũng liên quan mối quan hệ giữa ngân sách và hệ thống ngân hàng, TS Trần Du Lịch đề cập việc các ngân hàng lâu nay dồn tiền mua trái phiếu Chính phủ. “Sở hữu trái phiếu Chính phủ tạo ra tâm lý ổn định cho các ngân hàng, vì lãi suất hấp dẫn, tính thanh khoản cao.

Rõ ràng, ngân hàng thương mại sẽ mua trái phiếu của Chính phủ thay vì cho khu vực DN vay với nhiều rủi ro. Từ năm 2012, tôi cảnh báo rằng, nếu tiếp tục như vậy, nguồn vốn trung và dài hạn cho khu vực DN sẽ bị hạn chế” - ông Lịch nói. TS Lịch cũng cho rằng, nếu các ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ thì sẽ khó kéo giảm được lãi suất cho vay trong trung và dài hạn.

Theo chuyên gia này, trong một số năm tới khó có thể giảm nhanh trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, cần tính toán lại lãi suất của trái phiếu Chính phủ và lãi suất cho vay của ngân hàng để làm sao ngân hàng tập trung dành vốn cho DN.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định: Đáng lý, ngân hàng huy động tiền sau đó phải đưa vào sản xuất nhưng lại đi mua trái phiếu. “DN đang khát vốn nhưng vốn lại đổ về ngân hàng để mua trái phiếu. Điều đó là một vòng luẩn quẩn” - ông Long nhận xét.

Năm 2015, BIDV và Vietinbank đều có kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận trước thuế lần lượt là 7.036 tỷ và 7.360 tỷ đồng. Duy chỉ có Vietcombank là ngân hàng thương mại nhà nước “chịu chơi” sẵn sàng trả cổ tức 10% bằng “tiền tươi, thóc thật” ngoài cam kết sẽ trả thêm cổ phiếu thưởng trong đợt tăng vốn tới. Vừa qua, tại đại hội đồng cổ đông năm 2016, cả Vietinbank và BIDV đều thông báo sẽ chia cổ tức còn lại bằng cổ phiếu với lý do muốn tăng vốn, tăng quy mô.

Cùng chuyên mục
XEM