Thừa Thiên Huế thu hút hãng tàu container vào cảng Chân Mây

09/10/2022 13:34 PM | Kinh doanh

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dành ngân sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây

Thừa Thiên Huế thu hút hãng tàu container vào cảng Chân Mây - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương: Việc thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container vào cảng Chân Mây với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logisitcs, các nhà đầu tư.

Hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến tàu biển container đến Chân Mây

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, đông bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn/năm. Hiện các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện, khu bến Chân Mây đã được bổ sung công năng khai thác tàu container.

Lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và đông bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm như giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng.... việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến dành khoản ngân sách trên 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển. Cụ thể các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng/container.

"Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thời gian qua, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển vượt bật trong thời gian tới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế", ông Nguyễn Văn Phương bày tỏ.

Về phần mình, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, chuyên nghiệp, xứng đáng là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Thừa Thiên Huế thu hút hãng tàu container vào cảng Chân Mây - Ảnh 2.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư - Ảnh: VGP/Thế Phong

Doanh nghiệp ủng hộ cảng Chân Mây sớm triển khai dịch vụ container

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Công ty Cổ phần cảng Chân Mây cho biết, cảng Chân Mây với 760 m cầu bến, độ sâu trước bến là12,5 m, đáp ứng được mọi điều kiện cần thiết tiếp nhận tàu container đến 2.600 TEU. Cảng đã khẳng định được vị thế của mình đối với khách hàng, đại lý, hãng tàu trong nước cũng như quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp đều rất ủng hộ và kỳ vọng cảng Chân Mây sớm triển khai dịch vụ container, mở line định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ container tại cảng Chân Mây cũng có những khó khăn như chưa có đơn vị làm dịch vụ logistics tại cảng. Thị trường hàng hóa phân tán, không tập trung mà phân bổ rải rác trên một khu vực địa lý rộng lớn nên việc tập kết hàng hóa còn khó khăn. Hệ thống kho, bãi còn thiếu, bãi chứa hàng cách xa khu vực từ bãi vào cầu tàu sẽ làm giảm năng suất làm hàng, gia tăng chi phí vận chuyển, giảm hiệu quả kinh tế cho cảng và chủ hàng.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Western Pacific Group cho rằng, thực tế hiện nay, sức hút đầu tư cảng biển nước sâu tại khu vực miền Trung là rất lớn trong đó có cảng biển Thừa Thiên Huế. Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các bến cảng thuộc khu vực cảng nước sâu Chân Mây; cụ thể bến 4, 5, 6.

Western Pacific Group nhận định việc áp dụng mô hình LIC-cụm liên kết ngành tại Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp (cụm liên kết ngành là hệ sinh thái phức hợp, đầu tư triển khai các dự án hướng tới quy hoạch đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng logistics và khu/cụm công nghiệp). Đồng thời đề xuất được mở rộng quỹ đất khu công nghiệp ngay chính phía hậu cảng Chân Mây để xây dựng mô hình LIC hướng tới tính tương hỗ phát triển giữa cảng biển-khu công nghiệp–trung tâm logistics.

"Sức phát triển ngành công nghiệp của Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế. Do đó muốn phát triển cảng biển mạnh mẽ cần gắn liền với việc thu hút các nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quỹ đất khu công nghiệp trong khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô", Western Pacific Group đề xuất.

Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến số 4 và số 5 cảng Chân Mây; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án và 7 văn bản chủ trương nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Thế Phong

Cùng chuyên mục
XEM