Thừa nhận đi "Táo khuyết": Microsoft đang ngày càng dũng cảm và đổi mới hơn Apple

29/10/2016 19:08 PM | Công nghệ

Steve Jobs từng nhắc đến những chiếc máy tính dưới thời của ông với phương trình "Mạnh mẽ + Quyến rũ = ?". Thế nhưng dưới bàn tay của Tim Cook, những sản phẩm mới của Apple có còn quyến rũ và đột phá?

Nếu bạn là một fan của Apple, chắc chắn bạn vẫn còn ấn tượng với những sản phẩm máy tính đời đầu của công ty, chẳng hạn như chiếc Macintosh IIsi, chiếc Powerbook năm 1996, iMac năm 1998, Powerbook G4 và rất nhiều sản phẩm MacBook, iMac và MacBook Pro...

Trước kia, cứ một lần Apple ra sản phẩm, tất cả chúng ta đều phải công nhận rằng dù ở bất cứ kích cỡ nào, những sản phẩm của Apple luôn là những tác phẩm đầy sự sáng tạo và đổi mới hơn bất cứ đối thủ nào khác trên thị trường. Microsoft gần như chẳng bao giờ được đả động đến trong cuộc chơi về thiết kế phần cứng còn, Windows thì luôn là kẻ chạy theo Mac OS.

Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, Microsoft đã tăng tốc một cách đáng ngạc nhiên trong cuộc đua với Apple. Nếu bạn đọc bài viết về chiếc máy tính Surface Studio và nhìn những gì Dial làm được rồi so sánh với bài trình bày của Apple về chiếc MacBook Pro mới, chắn chắn bạn sẽ phải đồng tình với điều đó.

Sản phẩm thiếu đột phá

Chiếc MacBook mới có xứng đáng gọi là laptop không? Chắc chắn có, nó mỏng hơn, đỡ nóng hơn bất cứ chiếc máy nào bạn từng dùng. Trên thực tế, bạn có thể cắm sạc bằng cổng USB-C rất gọn nhẹ. Thế nhưng sự “gọn nhẹ” tưởng như là đổi mới ấy lại dễ khiến Apple có nguy cơ bị gọi là “Công ty cổng cắm” vì từ lâu, mua một sản phẩm của Apple đồng nghĩa với việc bạn phải sắm thêm đủ loại phụ kiện cổng cắm để có thể kết nối mọi thứ với chiếc MacBook của mình.

Thế còn thanh TouchBar thì sao. Ừ thì nó tiện lợi giúp bạn làm nhiều thao tác một cách nhanh chóng đấy, thế nhưng Apple ơi, thanh TouchBar đâu phải ý tưởng nào đó quá mới mẻ nữa!

Hãy nhìn những gì mà Microsoft vừa thể hiện tại sân khấu ở Seattle đi! Hãy nhìn Surface Studio đi! Từ sau thế hệ Sony Vaio 2003, đã lâu lắm rồi người dùng mới lại bị choáng ngợp bởi một chiếc máy tính chạy Windows như vậy. Đó mới là chiếc máy tính mà Steve Jobs đã từng nhắc đến với phương trình nổi tiếng “Power + Sex = ?” (Mạnh mẽ + Quyến rũ = ?)

Studio, chiếc desktop PC đầu tiên của Microsoft, sản phẩm mà đáng lẽ ra iMac phải trở thành, là một chiếc máy tính thực sự đổi mới, siêu mỏng, màn hình cảm ứng chạm 28 inch. Bạn có thể dựng máy ở bất cứ góc nào thoải mái và vẽ lên nó bằng chiếc bút cảm ứng với tỉ lệ 1:1.

TouchBar chỉ là một màn hình siêu mảnh bên dưới màn hình chính với những phím chức năng đơn điệu được thiết kế mà không hề quan tâm gì đến tính thực tế trong quá trình sử dụng, hay chính xác hơn là phải dùng từ “công thái học”. Như bạn có thể thấy, để sử dụng hàng phím chức năng này, bạn sẽ buộc phải khom người và như vậy sẽ gây tác động không tốt cho cơ thể bạn nếu dùng lâu dài và tức là phản “công thái học”. Thế nhưng chiếc Surface Studio thì quan tâm đến sự thoải mái của người dùng và được thiết kế rất hợp lý để bạn hạn chế tổn hại sức khỏe của mình khi dùng lâu dài.

(Công thái học – ergonomic, hay môn học về yếu tố con người, là một môn học về khả năng, giới hạn của con người. Từ đó có thể tăng khả năng và tối ưu hóa điểm mạnh của con người, hay để bù trừ khiếm khuyết, để bảo vệ điểm yếu).

Khi nhắc đến Studio thì không thể không nhắc đến Surface Dial, một bước đi đầy mạo hiểm và dũng cảm nhưng chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng của Microsoft. Chỉ cần đặt chiếc nút xoay bé nhỏ này vào màn hình Surface Studio và xoay nhẹ, chiếc núm thần kỳ này sẽ đưa bạn đến bất cứ ứng dụng nào mình muốn. Dial đột phá chẳng khác gì con lăn trên chuột cả, nó chắc chắn sẽ là một phụ kiện hữu ích và sớm trở thành thiết bị không thể thiếu của những người dùng máy tính màn hình cảm ứng.

Không chỉ vậy, trong sự kiện của mình, Microsoft còn đem đến những thiết bị thực tế tăng cường HoloLens, câu trả lời cho các thiết bị VR, rồi cả Paint 3D , bước đột phá của ứng dụng Paint truyền thống với khả năng dựng hình 3D.

Chính Tim Cook cũng từng thừa nhận rằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) vượt trội hơn công nghệ thực tế ảo (VR). Ông tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ sớm sử dụng các thiết bị như HoloLens trong gia đình. Vậy có nghĩa là Microsoft đã bước đi trước còn Apple mãi mới bắt đầu đủng đỉnh bước theo.

Có lẽ, điểm sáng tạo và đổi mới nhất của TouchBar giúp Apple địch lại được với các đối thủ của mình đó chính là Apple Pay. Mua sắm mọi thứ vào giữa đêm khuya bằng đầu ngón tay bạn – quả là một ý tưởng thú vị, thế nhưng tính thực tế của nó như thế nào thì còn phải đợi quá trình sử dụng của người dùng.

Phong cách trình bày nhàm chán

Không chỉ sản phẩm Microsoft mang đến mà cách công ty này trình bày bài giới thiệu của mình cũng rất ấn tượng. Trong cả 2 sự kiện, chỉ có duy nhất một người lên trình bày đó là Panos Panay, phó chủ tịch tập đoàn Microsoft chịu trách nhiệm về mảng thiết bị Surface. Panay đã thật thà nói rằng ông đã phạm sai lầm trong cách giới thiệu chiếc Surface đời đầu tới công chúng. Và có vẻ như ông đã rất nỗ lực để khắc phục lỗi lầm này.


Ông Panos Panay trong sự kiện giới thiệu Surface Studio vừa rồi

Ông Panos Panay trong sự kiện giới thiệu Surface Studio vừa rồi

Còn Apple thì sao? Sự xuất hiện của Tim Cook trong các buổi ra mắt sản phẩm của Apple quá nhạt nhòa, ông giống như những vị lãnh đạo được lập trình sẵn và chỉ nói những gì mình được chuẩn bị để phát biểu. Trong cả bài phát biểu, Cook chỉ là người thêm thắt “mắm muối” vài câu khiến chúng ta không cảm nhận được sự tâm huyết và tin tưởng của ông đối với sản phẩm đang được trình bày. Trái ngược với sự cứng nhắc của Tim Cook, Phil Schiller lại tỏ ra thành thạo và nhiệt tình như một nhân viên tư vấn xe hơi.

Không chỉ thế, Apple đã quên mất một nguyên tắc cơ bản của marketing: Luôn luôn để khách hàng thèm muốn hơn nữa. Có lẽ sau khi xem xong bản demo dài lê thê của Apple trên sân khấu hôm vừa rồi, chẳng ai còn muốn thử mày mò xem TouchBar còn có công dụng gì đặc biệt nữa mà chưa được khai phá. Thậm chí có người còn cho rằng, càng xem phần demo, thì họ lại càng cảm thấy TouchBar chẳng có gì thú vị hết.

Mâu thuẫn trong chiến lược phát triển công nghệ

Sự xuất hiện của MacBook Pro trong sự kiện vừa rồi là một minh chứng về sự mâu thuẫn trong chiến lược phát triển công nghệ của Apple. Nếu vứt bỏ khe cắm audio jack trên iPhone 7 là một bước đi “dũng cảm”, nếu chiến lược lâu dài của hãng là hướng đến những chiếc tai nghe không dây, thì vì sao trên MacBook Pro 2016 vẫn còn khe cắm tai nghe 3.5mm?

Điều này chẳng khác gì Apple tự mâu thuẫn với chính mình. Một mặt Apple cho rằng khe cắm tai nghe 3.5mm là không quan trọng nên phải vứt bỏ, nhưng chỉ ít thời gian sau đó lại cho rằng nó đủ quan trọng và thậm chí quan trọng hơn MagSafe nên nó được giữ lại trên MacBook Pro 2016 còn MagSafe phải ra đi. Hay đây là tư tưởng: “Apple ‘xịn’ nên Apple có quyền” và “Mình thích vứt cổng nào thì mình vứt thôi”, fan muốn chửi thế nào thì kệ fan thôi?

Kết luận

Xét cho cùng, Apple đã chọn những phương án quá an toàn. Một chiếc MacBook Pro mới với chút cải thiện thông số, đột phá lớn nhất chỉ là một dải màn hình cảm ứng bé xíu và nút TouchID để mở khóa máy. Còn Microsoft đã lựa chọn một sự mạo hiểm thực sự về mặt công nghệ, họ dám bán những sản phẩm mới, dám đương đầu với nguy cơ thất bại trên thì trường và chấp nhận rút ra bài học từ lỗi lầm.

Điều này chẳng thể khẳng định rằng ai đó đang dùng Mac sẽ bỏ mà sang dùng Surface. Nếu xét về phần mềm thì Mac OS X Sierra thắng chắc Windows 10. Thế nhưng những điều Microsoft làm được xứng đáng để các iFan phải nghĩ ngợi và xứng đáng để chúng ta dành cho công ty này sự kính trọng.

Theo Lê Kiên

Cùng chuyên mục
XEM