Thủ tướng: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần

23/10/2017 15:31 PM | Kinh tế vĩ mô

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%; an sinh xã hội được bảo đảm...

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 23/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm dần qua các quý

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93.000 người đi lao động ở nước ngoài.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Xuất cấp gần 71.000 tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Thủ tướng: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV

Xây dựng, trình Trung ương các Đề án về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phát triển y học dân tộc, dược liệu. Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 10 bệnh viện mới với quy mô gần 5.500 giường.

Đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ bao phủ đạt 83%. Tiếp tục kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội, giám định thanh toán bảo hiểm y tế. Đấu thầu mua thuốc tập trung, từng bước giảm giá thuốc. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt kết quả bước đầu; thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành tại một số địa phương.

Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, các vấn đề xã hội của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; số doanh nghiệp tham gia còn ít, quy mô nhỏ. Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả.

Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp. Còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, đuối nước. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng còn bất cập; chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu, độc; còn nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí.

Cần tạo việc làm cho lao động nữ 35 tuổi trở lên mất việc làm

Đề cập kế hoạch phát triển xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư, tiếp tục rà soát chế độ, thực hiện hiệu quả chính sách người có công với cách mạng. Đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng; quan tâm hỗ trợ nhà ở; tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ thiếu thông tin. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động, đào tạo cho công nghệ thông tin, du lịch; nghiên cứu, có giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ 35 tuổi trở lên mất việc làm. Tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, các chính sách trợ giúp, bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển vùng khó khăn, vùng bị thiên tai và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần bảo đảm an toàn nhà ở cho người dân vùng chịu tác động lớn của bão lũ, sạt lở. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, khắc phục tình trạng nợ đóng, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ, bảo đảm công khai, minh bạch, bền vững. Nghiên cứu Đề án đổi mới chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trình Trung ương và Quốc hội.

Khẩn trương ban hành Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và dân số trong tình hình mới.

Về lĩnh vực Y tế, Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường y tế dự phòng, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Đổi mới mạnh mẽ công tác y tế cơ sở, thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đưa 5 bệnh viện Trung ương và tuyến cuối vào hoạt động. Chấn chỉnh công tác quản lý dược phẩm, tiếp tục thực hiện cơ chế đấu thầu thuốc tập trung.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm an toàn, bền vững Quỹ bảo hiểm y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu. Từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả./.

Theo Bích Lan

Cùng chuyên mục
XEM