Thủ tướng nói về năng suất lao động và tăng tuổi hưu
Sáng 17/1 tại Hội nghị Tổng kết công tác lao động – người có công và xã hội năm 2017, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thấp, và vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả to lớn ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong năm qua, như: Tổ chức thành công kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ; giải quyết có hiệu quả hồ sơ người có công còn tồn đọng; ban hành nhiều chính sách an sinh; giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng lao động qua đào tạo, giảm nghèo; đưa 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Tuy vậy, theo Thủ tướng, năm 2018, ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Đặc biệt, ngành cần khẩn trương hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, xây dựng Bộ Luật Lao động sửa đổi, Pháp lệnh ưu đãi người có công…
Trong đó, Thủ tướng lưu ý liên quan tới tăng tuổi nghỉ hưu trong sửa đổi Bộ Luật Lao động. “Nhiều ý kiến cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng lên 73-74 tuổi, nhưng vẫn để tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 tuổi, nam là 60 tuổi liệu còn hợp lý, có gây mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội? Bộ LĐ-TB&XH cần tính toán tuổi nghỉ hưu hợp lý để vừa đảm bảo ổn định Quỹ bảo hiểm xã hội và đảm bảo đời sống người lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Vì chúng ta cũng phải đảm bảo môi trường cạnh tranh để thu hút đầu tư, nên các vấn đề đặt ra cần phải được tính toán”, Thủ tướng nói.
Năm 2017, ngành lao động đã đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, giải quyết. Ảnh: Anh Dũng.
Thủ tướng đánh giá, chất lượng đào tạo nghề đã được nâng lên, nhưng còn tồn tại nhiều bất cập Điển hình như năng suất lao động còn thấp, việc làm chưa ổn định, sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn cao…
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn cả Lào. Dù đánh giá đó chưa có cơ sở, nhưng chúng ta cũng phải xem lại. Vì thực tế cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm 15% GDP, nhưng khu vực nông thôn tập trung tới 70% dân số, chiếm 42% lực lượng lao động mà đóng góp GDP chỉ có vận thì rõ ràng năng suất không thể cao được. “Chửa kể, kỹ năng của lao động, trang thiết bị máy móc… nên năng suất lao động thấp, dẫn tới thu nhập của người lao động không cao”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề cập tới vấn đề việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi Việt Nam còn nhiều ngành nghề sử dụng nhiều lao động với nguy cơ thất nghiệp cao. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu công tác dạy nghề cần thích ứng với những thay đổi hiện nay, đào tạo gắn với việc làm, xu hướng thị trường.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, và có các chương trình hành động cụ thể để thực hiện ngay từ đầu năm 2018.
Nhìn lại năm 2017, ông Dung cho biết, năm qua toàn ngành đã đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35%, số huyện nghèo giảm; tỷ lệ đào tạo nghề và xuất khẩu lao động vượt mcuj tiêu đề ra; đảm bảo chăm lo các đối tượng chính sách xã hội...
Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành lao động quan tâm, đảm bảo mọi nhà đều được đón tết. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới người cô đơn, người nghèo, người có công với cách mạng...