Thủ tướng bắt bệnh, "kê đơn thuốc" gần 300 tỷ đồng để cứu ngành du lịch Việt Nam, ngân sách trả

09/08/2016 19:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi "bắt bệnh" ngành du lịch đã đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, theo đó, ngân sách nhà nước sẽ cấp ban đầu một khoản kinh phí cần thiết 200-300 tỉ đồng...

Đánh giá về du lịch Việt Nam tại thành phố Hội An, Quảng Nam sáng nay 8/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, còn yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận, du lịch Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế.

Hiện tượng chặt chém, ép giá, ép mua, đeo bám và chưa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn xảy ra ở nhiều nơi. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm. Thái độ ứng xử của một bộ phận người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc.

Năm 2015, du lịch đóng góp 6,6% GDP, tạo 2,25 triệu việc làm và giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD.

Khẳng định tiềm năng, dư địa phát triển du lịch còn lớn, có thể tăng cao nếu biết tổ chức một cách nghiêm túc, quyết tâm và có sự đồng lòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 phương hướng, giải pháp cho ngành công nghiệp tỷ đô không khói.

Thứ nhất, ​Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017.

Các Bộ Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Ngoại giao theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch.

Các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh, từ việc cung cấp thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục, đón tiếp, trả kết quả, giảm tối đa thời gian cấp thị thực.

Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm đến nước ta với tinh thần là mở cửa bầu trời.

Thứ hai, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ngân sách nhà nước sẽ cấp ban đầu một khoản kinh phí cần thiết 200-300 tỷ đồng.

Đồng thời, sử dụng một phần từ nguồn lệ phí thị thực nhập cảnh, tham quan du lịch, khoản đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, các chủ thể hưởng lợi từ du lịch và các nguồn khác.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Quỹ ngay trong tháng 8/2016. Kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các vi phạm, trường hợp cần thiết có thể rút giấy phép hoạt động hoặc thu hồi quyết định xếp hạng.

Có biện pháp bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ khách du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm thu hút nhiều khách quốc tế. Khẩn trương đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch phù hợp với tình hình thực tế.

Giáo dục chính trị, lịch sử, văn hóa, phẩm chất, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên du lịch, không để xấu đi hình ảnh Việt Nam.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố rà lại các quyết định để thực hiện Nghị quyết 92, Chỉ thị 18, Chỉ thị 14; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan xây dựng và kiểm soát chất lượng các trạm dừng nghỉ, bến đỗ, nhà hàng, cửa hàng; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Các Bộ Công an, Quốc phòng cải tiến quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện tại các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, tổ chức thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch.

Thứ ba, chấm dứt tình trạng “cô đơn” trong phát triển du lịch. Thủ tướng cũng nêu rõ, phải đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng, các ngành, doanh nghiệp. Phải chấm dứt tình trạng “cô đơn” trong phát triển du lịch như phản ánh của đại biểu nêu tại hội nghị.

“Các đồng chí đều nói con người là yếu tố quyết định, các khoa du lịch ở các trường đại học, các trường trung cấp, cao đẳng du lịch đều phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hướng dẫn viên du lịch, đào tạo một số ngoại ngữ hiếm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN. Tăng cường quản lý nhà nước về di lịch, nâng cao vai trò của các hiệp hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong phát triển du lịch, về Bộ quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh và về các điểm du lịch.

Mục tiêu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương phải thực hiện, đó là đến 2020, du lịch Việt Nam đóng góp 10-20% vào GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa.

“Nhiệm vụ phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới hết sức nặng nề, tôi đề nghị các đồng chí cần cố gắng hơn nữa và quyết tâm cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa để xây dựng du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn như nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM