Mở hội nghị 'Diên Hồng' về phát triển du lịch
Sáng nay (9/8), tại thành phố Hội An, Quảng Nam, hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và “mong rằng hội nghị sẽ góp phần vào phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng cần tập trung đánh giá lại tầm quan trọng của du lịch cũng như các mặt yếu kém, bất cập, từ đó, xác định những giải pháp cần thiết để tạo nên một khí thế mới trong phát triển du lịch, tiến tới chấm dứt tồn tại, bất cập mà du khách kêu ca.
“Chúng tôi chủ trương tại hội nghị này không bàn thành tích nhiều mà chủ yếu đánh giá thêm thực trạng nào bất cập. Thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành là gì để quy mô cao hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả tốt hơn”, Thủ tướng nói. Không thể để các bất cập đến mức độ mà người ta hay nói là “một đi không trở lại”.
Nêu vấn đề tại sao tổ chức hội nghị tại thành phố Hội An, Thủ tướng cho rằng, đây là một một mô hình tiêu biểu trong quản lý, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào phát triển du lịch. Trong các yếu tố quan trọng để phát triển du lịch thì có cộng đồng làm du lịch. Cộng đồng Quảng Nam-Đà Nẵng rất vui vẻ, thân thiện trong ứng xử với du khách, đó là điều quan trọng trong phát triển du lịch, có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hội An, Thủ tướng nhìn nhận. Về xây dựng thương hiệu du lịch thì Đà Nẵng cũng là một mô hình tốt để học hỏi.
“Tại sao ở mảnh đất đông khách du lịch như thế này không có tình trạng chèo kéo khách. Tất cả các tỉnh có làm được điều này không? Hoàn toàn có thể làm được nếu biết cách”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh vai trò của quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hội nghị cần bàn về các giải pháp xây dựng thương hiệu, xây dựng các doanh nghiệp vững mạnh, quy mô trong phát triển du lịch.
Từ các ý kiến của địa phương, doanh nghiệp tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tiếp thu để hoàn thiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trình Bộ Chính trị trong tháng 10/2016.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, du lịch đóng góp 6,6% GDP, tạo 2,25 triệu việc làm và giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mong muốn của Đảng, Nhà nước và xã hội. Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế (năm 2015, nước ta chỉ đón 7,94 triệu du khách, trong khi Thái Lan đón 30 triệu, Malaysia đón 26 triệu, Singapore đón 15 triệu, Indonesia đón 10 triệu).
Hiện tượng chặt chém, ép giá, ép mua, đeo bám và chưa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn xảy ra ở nhiều nơi. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm. Thái độ ứng xử của một bộ phận người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc…