Thử thách bản thân tắm nước lạnh mỗi sáng trong 1 tháng, tôi không ngờ cơ thể lại thay đổi đến vậy: Không bị cảm lạnh mà còn tràn trề năng lượng!
Trước giờ, tôi vẫn luôn hoài nghi về những lợi ích của việc tắm nước lạnh vào sáng sớm, cho đến khi tự mình trải nghiệm trong vòng 1 tháng.
Ngày ngày trên mạng, chúng ta vẫn đọc rất nhiều mẹo vặt về sức khỏe nhưng chẳng mấy khi làm theo. Tuy nhiên, khi biết về thử thách tắm nước lạnh mỗi sáng trong vòng 30 ngày, tôi đã quyết định làm thử. Bởi lẽ, thói quen này được cho là có thể cải thiện hệ miễn dịch và lưu thông máu, giảm stress, cải thiện tâm trạng, giảm đau nhức cơ bắp.
Tuần 1
Nước thực sự rất lạnh. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ đêm hôm trước, sau khi thức dậy, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với thử thách này. Tôi nhấc người đi vào phòng tắm, cởi bộ quần áo ngủ và đứng dưới vòi hoa sen. Tôi tự hỏi: "Tại sao mình lại đồng ý làm điều này?".
Tôi đặt đồng hồ báo giờ khoảng 5 phút và xối nước vào người.Việc khó nhất là thở. Tôi gần như hoảng loạn khi tiếp xúc với nước lạnh toát. Sau khoảng 2 phút, hơi thở tôi bắt đầu chậm lại. Tôi bắt đầu đứng vững hơn, gội đầu và xả tóc dưới làn nước lạnh.Khi đồng hồ báo giờ vang lên, tôi nhanh chóng tắt vòi nước. Ngay lập tức, một cảm giác ấm áp, sảng khoái dâng tràn trong lồng ngực và bụng tôi. Tôi không chắc đây có phải do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ không, nhưng nó thực sự rất dễ chịu.
Vậy là tuần đầu tiên của tôi trôi qua giống hệt nhau: Ban đầu là cảm giác lạnh thấu xương, sau đó tôi kiểm soát được hơi thở và cảm thấy ấm áp hơn nhiều.
Nhận xét: Tôi chưa thấy hệ miễn dịch của mình được cải thiện, vì xung quanh tôi chưa có ai ốm để kiểm tra. Tuy nhiên, tôi thực cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng hơn vào buổi sáng, ít stress hơn bình thường trong suốt 1 tiếng sau khi tắm nước lạnh.
Tuần 2
Tới tuần thứ hai, tôi chỉ còn bị hoảng loạn khoảng 30 giây đầu tiên sau khi xối nước vào người. Việc tắm nước lạnh dần trở thành thói quen. Tôi bắt đầu mong chờ cảm giác ấm áp sau mỗi lần tắm xong.
Đôi lúc tôi ngủ dậy trong trạng thái đau đầu, ngái ngủ và uể oải, không muốn đi tắm nước lạnh chút nào. Nhưng rồi tôi nhận ra, chính những lúc như thế việc tắm nước lạnh mới phát huy tác dụng. Cơn đau đầu của tôi biến mất. Tôi cảm thấy dồi dào năng lượng như thể mình chưa từng bị sao.
Nhận xét: Sau khi tắm nước lạnh được 2 tuần, tôi cảm thấy tâm trạng mình tốt hơn, stress cũng ít đi. Còn chuyện máu có lưu thông tốt hơn không, hệ miễn dịch có khỏe hơn không, các cơn đau nhức cơ bắp có biến mất không, tôi sẽ phải xem xét thêm nữa.
Tuần 3
Tuần thứ ba cũng không có sự kiện gì đặc biệt, ngoài trừ một điều: Có 2 ngày mà tôi cảm thấy ớn lạnh sau khi tắm nước lạnh, thay vì cảm giác ấm áp và sảng khoái như trước kia.
Nhận xét: Mặc dù tôi không thấy có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về sức khỏe, thói quen tắm nước lạnh vào sáng sớm đã trở nên không thể thiếu với tôi. Tôi cảm giác mình tràn trề sinh lực như thể mới uống cà phê.
Tuần 4
Giờ đây, việc tắm nước lạnh đã trở nên quá dễ dàng với tôi, khiến tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Tôi không còn cảm thấy sốc hay rùng mình ngoại trừ 1-2 giây đầu.
Cảm giác sau mỗi lần tắm thực sự rất tuyệt vời. Nó giống như bạn nhảy vào một dòng sông lạnh ngắt giữa mùa hè, vùng vẫy một chút rồi cảm thấy bình yên, như thể mọi chuyện tất thảy đều tuyệt vời
Nhận xét: Đến lúc này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào những lợi ích mà thói quen tắm nước lạnh mang lại.
Sau 1 tháng tắm nước lạnh vào buổi sáng, tôi cảm thấy đây là thói quen rất tuyệt vời. Đây là một phương rất hay để tăng cường sinh lực và cải thiện tâm trạng sau khi thức dậy. Tuy nhiên, tất cả đều có lý do khoa học đằng sau đó.
Theo bác sĩ nội khoa Holly Phillips: "Việc tắm nước lạnh sẽ giúp bạn thở sâu hơn và làm tăng nhịp tim của bạn. Nhờ vậy, cơ thể sẽ hấp thụ được nhiều oxi hơn, và oxi cũng sẽ được vận chuyển đi khắp cơ thể nhanh hơn để giữ ấm. Qua đó, bạn sẽ thấy tinh thần sảng khoái và sẵn sàng cho một ngày mới."
Ngoài ra, bác sĩ Phillips cho biết, tắm nước lạnh cũng có thể cải thiện tâm trạng nhờ "sự gia tăng lượng adrenaline trong cơ thể cũng như lượng endorphin trong não".
Bài chia sẻ của Sophie Kreizberg - phóng viên tự do, cây viết hàng đầu của tạp chí online Refinery29 chuyên về đời sống của phụ nữ trẻ.