Tốc độ giảm xuất khẩu của Trung Quốc khiến IMF lo ngại
Không chỉ IMF, nhiều tổ chức dự báo lớn khác cũng đang tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu...
Thế giới đang đối mặt với “nguy cơ trệch hướng kinh tế” ngày càng lớn và cần có hành động tức thời để kích cầu - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngày 8/3 sau khi thống kê cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Theo tờ Financial Times, phát biểu tại Washington, ông David Lipton, Phó tổng giám đốc IMF, cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu “rõ ràng đang ở vào một thời điểm nhạy cảm”.
Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cần có hành động khẩn cấp để phản ứng với sự giảm tốc tăng trưởng và những mối nguy mới xuất phát từ biến động trên thị trường tài chính và hàng hóa cơ bản, ông Lipton nói thêm.
“Giờ là lúc cần có các biện pháp hỗ trợ mang tính quyết định đối với các hoạt động kinh tế và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại trạng thái vững vàng hơn”, ông Lipton khuyến nghị.
Phó tổng giám đốc IMF cũng nói rằng những tín hiệu khó khăn đang lo ngại trong nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện nay là “sự suy giảm mạnh của các dòng chảy vốn và thương mại” trong vòng 1 năm qua.
Điều này được thể hiện qua những số liệu thống kê thương mại u ám mà Trung Quốc công bố ngày 8/3. Theo đó, trong tháng 2, cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc cùng lao dốc mạnh, cho thấy nhu cầu của Trung Quốc với những hàng hóa cơ bản như dầu thô, quặng sắt và đồng cùng giảm, và nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa của nước này cũng lao dốc.
Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng USD giảm 25,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2009, sau khi giảm 11,2% trong tháng 1. Nhập khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ 2015, sau khi giảm 18,8% trong tháng 1.
IMF đang ngày càng quan ngại về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu trước những tín hiệu mà tổ chức này cho là của sự giảm tốc tăng trưởng sâu hơn. IMF đã cảnh báo, trong lần ra báo cáo vào tháng 4, tổ chức này có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay từ mức 3,4% hiện nay.
Không chỉ IMF, nhiều tổ chức dự báo lớn khác cũng đang tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Ngày 8/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nói các chỉ số kinh tế quan trọng nhất đều đang cho thấy sự suy giảm tăng trưởng ở Anh, Mỹ, Canada, Đức, và Nhật Bản.
Tuy vậy, cũng có một số chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng của nền kinh tế toàn cầu không đến nỗi tệ như những dự báo này.
Trong một báo cáo ra ngày 8/3, Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington nói rằng sự bi quan trên thị trường tài chính hiện nay về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu là thái quá.
“Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nữa kiểu năm 2008 là không thể”, ông Olivier Blanchard, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, hiện đang làm việc tại Peterson, nhận định.
Tuy nhiên, ông Lipton nói rằng, nền kinh tế toàn cầu đang ở vào một thời điểm mà nguy cơ tăng trưởng giảm sâu sẽ trở thành hiện thực nếu thế giới không hành động để kích cầu.
Vị Phó giám đốc điều hành IMF cũng nhấn mạnh, một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại là quan điểm của thị trường tài chính toàn cầu cho rằng “các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia đã hết khả năng hoặc không còn quyết tâm để triển khai các biện pháp kích cầu”.
“Vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, một vấn đề cấp thiết là các quốc gia phát triển và phát triển phải loại bỏ quan điểm nguy hiểm này bằng cách khơi dậy tinh thần hành động và hợp tác tích cực của những năm nỗ lực phục hồi tăng trưởng” hậu khủng hoảng tài chính - ông Lipton nói.
Theo ông Lipton, để làm được điều này, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần phản ứng bằng cách kết hợp cùng lúc ba biện pháp là chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tiền tệ nới lỏng, và đẩy mạnh các cải cách cơ cấu.