Philippines mở rộng đường cho các startup
Kể từ khi Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1976, hai nước đã tăng cường hợp tác nhiều mặt. Philippines cũng đang phát triển rất nhanh. Đất nước này đang lên kế hoạch thúc đẩy các công ty công nghệ khởi nghiệp (startup).
Theo Tech In Asia, tháng Sáu tới, Philippines sẽ soạn thảo một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm việc ra các quy định và chính sách nhằm thúc đẩy các startup.
Đó là lý do tại sao tối 10/3 vừa qua, Bộ Thương mại Philippines đã tổ chức một cuộc đối thoại kín với các bên liên quan để xác định những rào cản đối với các startup. Cuộc đối thoại trên có sự tham dự của Thượng nghị sĩ Philippines Bam Aquino, một phái đoàn các công ty đa quốc gia tới từ Mỹ, Bộ trưởng Bộ thương mại Philippines Adrian S. Cristobal Jr cùng nhiều đại diện startup.
Theo ông Aquino, cuộc đối thoại tập trung vào phân tích các bài học từ nước Mỹ về cách thức tạo ra một môi trường thuận lợi cho các startup, trong khi đó, các startup bày tỏ những lo ngại của họ khi điều hành các doanh nghiệp ở Philippines.
Theo Thứ trưởng Bộ thương mại Nora K. Terrado, kế hoạch phát triển "hệ sinh thái" cho các startup sẽ ra đời vào tháng Sáu tới.
Theo bà Terrado, kế hoạch mới không giống với lộ trình startup do Sở Khoa học và Công nghệ (DOST) công bố trước đó.
Bà giải thích: "Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng một môi trường mà ở đó các doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi. Rào cản khiến mọi người khó khởi nghiệp là gì? Chúng tôi nên thúc đẩy và hợp tác với DOST về những vấn đề gì? Bạn sẽ làm gì để giúp các startup thương mại hóa các nghiên cứu, nói chuyện với ngân hàng để vay vốn? Chúng tôi cũng muốn giúp họ quảng bá sản phẩm của mình”.
Lộ trình startup của DOST trước đó đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái của các startup công nghệ cao ở Philippines. Lộ trình này cũng xác định một số "rào cản".
Khó khởi động và thất bại
Theo ông Aquino, nhu cầu lớn nhất của các startup nổi bật trong cuộc đối thoại trên là giảm thủ tục khi mở cửa hoặc đóng cửa. Ông nói: "Cần cởi mở hơn đối với các trường hợp khởi nghiệp bị thất bại. Đó không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là vấn đề chính sách. Khi ai đó khởi nghiệp thất bại, họ có thể bắt đầu lại một cách dễ dàng không?
Bà Minette Navarrette, Chủ tịch của công ty đầu tư Philippine Kickstart Ventures, nhận định, chìa khóa trong việc giải quyết các trở ngại mà startup thường gặp là để mọi người hiểu được bản chất kinh doanh của các startup. Họ không nên bị nhầm lẫn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có một mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Còn startup mang tính thử nghiệm. Đó là nỗ lực kiểm nghiệm một thứ gì đó và để xem bạn có thể sản xuất, bán và thúc đẩy quy mô sản xuất hay không. Do đó, tỷ lệ thất bại cao hơn đáng kể và chắc chắn là có rủi ro hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Bà cho biết, các câu chuyện khởi nghiệp thường bắt đầu từ một căn phòng ký túc xá hoặc có thể là một nhà để xe. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể có được một giấy phép kinh doanh vì luật pháp đòi hỏi họ phải có một văn phòng trong một tòa nhà thương mại.
Bà nói, 96% startup thất bại, do đó việc giảm những phiền phức khi một startup thất bại rất cần thiết. Luật hiện hành đối với việc đóng cửa và giải thể một công ty ở Philippines quá rắc rối và tốn kém.
Vai trò của chính phủ
Một vấn đề khác cũng xuất hiện nổi cộm ở cuộc đối thoại là vai trò của chính phủ. Ông Aquino cho biết, bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều người còn cho rằng, chính phủ nên “tránh đường”.
Ông nói: "Vấn đề nào chính phủ nên tránh và vấn đề nào chính phủ nên tham gia. Theo tôi, chính phủ nên hỗ trợ về mặt chính sách để giúp các startup phát triển. Nếu bạn là chủ của một startup và bạn đang phải dành rất nhiều thời gian cho các quy định thì có nghĩa là chính phủ đang kiểm soát quá chặt chẽ”.
Ông đang ủng hộ việc cho ra các chính sách thân thiện với startup.
Ông nói: "Chúng tôi vẫn đang thu thập ý kiến từ cộng đồng startup, đồng thời xem xét lộ trình của DOST và các kế hoạch khác. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang tham khảo ý kiến từ những người bạn mới ở Thung lũng Silicon".