Những nỗi tuyệt vọng cùng cực sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản

12/03/2016 12:04 PM | Xã hội

Chắc hẳn nhiều người ao ước thảm họa không bao giờ xảy ra, bởi họ mất cả người thân và mất đi toàn bộ sinh kế trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Suốt 5 năm qua, ngày nào cũng vậy, người ta đều nhìn thấy một ông lão đã ngoài 80 tuổi cứ đi lang thang hết vùng này đến vùng khác trong khu vực bị tác động nặng nề bởi sóng thần. Ông bới tìm mọi nơi một cách cần mẫn, chăm chỉ cho đến tối mịt mới về. Rồi đến ngày hôm sau, những hành động tương tự lại diễn ra, lặp đi lặp lại như thế.

Có người tưởng ông có vấn đề về tâm thần nhưng khi họ cố gắng nói chuyện với ông, chẳng ai có thể cầm được nước mắt. Ông Chikara Yoshida đã mất cả vợ và con trai sau thảm họa động đất sóng thần. Nhân viên cứu hộ đã tìm được vợ ông và ông đã chôn cất bà cẩn thận. Nhưng thi thể con trai ông thì đến tận bây giờ cũng chưa thể tìm được.

Nước mắt của người đàn ông đã gần đất xa trời rơi xuống trong tuyệt vọng: “Con tôi chết khi đang cố gắng cứu những người già ra khỏi chỗ mắc kẹt. Khi cứu được gần hết họ ra thì cũng là lúc tòa nhà sập xuống và đè chết cháu. Người ta kể lại với tôi như vậy. Tôi không có mặt khi cháu mất nhưng sau này tôi cố gắng quay lại tòa nhà đó để tìm thi thể cháu thì tất cả chỉ còn lại là một bãi đất trống.”

Ông tự làm đám tang cho con trai mình, vì chẳng có gì để bỏ vào quan tài, ông để vào đó một quả bóng chày và một chiếc áo phông mà anh từng mặc khi anh còn sống. Căn nhà của ông giờ vẫn vẹn nguyên đồ đạc của anh như trước đây.

Ông cảm thấy khủng hoảng và tội lỗi với những lời dậy mà mình đã dành cho con từ khi còn bé: “Tôi đã dạy cháu rằng hãy luôn nghĩ đến người khác, đặt quyền lợi của tập thể lên trên lợi ích của bản thân, cháu đã hành động đúng như vậy. Nhưng cũng vì thế mà tôi mất con. Tôi đã làm đúng hay sai vậy.”

Gia đình ông Chikara Yoshida chỉ là một trong số hơn 2.500 trường hợp vẫn chưa tìm được người thân kể cả khi thảm họa đã qua được đến 5 năm và có thể sẽ không bao giờ họ tìm được dù chỉ là một phần thân thể người thân của mình.

Những nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn được tiếp tục dù nhìn chung có thể nói rất vất vả và cực kỳ tốn kém bởi cứ khi nào tìm được một mẩu xương hoặc một phần thi thể nghi ngờ thì cơ quan tìm kiếm lại phải xét nghiện ADN rất tốn kém.

Theo con số thống kê của Cơ quan cứu trợ Nhật, cho đến nay khoảng hơn 16 nghìn người Nhật được xác nhận là đã chết trong thảm họa động đất sóng thần, hơn 2.500 người khác bị coi là mất tích.

Từ đó đến nay, hàng nghìn tấn phế thải đã được dọn đi, nhiều công trình mới mọc lên, thi thể của nhiều người có thể sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nữa.

Đó là chuyện của những người Nhật, còn những người nhập cư vào Nhật cũng có người thân bị mất tích nhưng cũng chẳng ai tìm cho họ, họ chỉ còn biết cách tự tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Kushani Cooray là một bà mẹ của 2 đứa con sống ở Ogatsu, một khu vực bị tác động nặng bởi sóng thần. Cô mất một đứa con trong thảm họa nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được thi thể, cô cũng đã từng nhiều lần đăng ký cứu hộ nhưng cô không nhận được sự thông cảm đúng mức từ phía cơ quan tìm kiếm.

Với đứa con còn lại, hiện cuộc sống của cô cũng rất khó khăn. Là một người nhập cư Sri Lanka nhưng chưa có quốc tịch Nhật, dù căn nhà cũ của cô bị phá hỏng nhưng cô không có đủ điều kiện để chuyển vào nhà do chính phủ Nhật xây, hai mẹ con cô phải ở trong những căn nhà thuê giá rất rẻ với điều kiện sống không đảm bảo. Con gái cô thường xuyên thiếu ăn và không còn được đến trường nữa vì cô không thể có đủ tiền.

Sau trận động đất, sóng thần tháng 3/2011, gần 20 nghìn người Nhật đã chết hoặc mất tích. Hơn 250 nghìn tòa nhà bị động đất phá hủy, hơn 4,4 triệu gia đình phải sống trong tình trạng không có điện và 2,3 triệu gia đình không có nước. Dù hàng chục nghìn tỷ yên đã được dành để hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa nhưng những người di cư và tị nạn hoàn toàn không được phép nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Cuộc sống của những người di cư và đang xin tị nạn tại Nhật sau thảm họa khốn khổ đến nỗi mà Cục Xuất nhập cảnh Nhật cho biết, sau thảm họa họ đã nhận được hàng ngàn đơn xin nhập cảnh nhiều lần, có nghĩa là người tị nạn sẽ xin sang nước khác sống một thời gian cho đến khi nào tình hình ở Nhật ổn định họ sẽ lại quay về.

Tuy nhiên Nhật không giống rất nhiều nước khác, một khi đã quyết định ra đi thì gần như đường quay lại sẽ không có, đặc biệt đối với người di cư và tị nạn. Thế nhưng ngay cả như vậy, nhiều người vẫn quyết định ra đi bởi họ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ phía chính phủ.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM