Những chuyến du lịch đặc biệt đến “miền đất chết” của Nhật Bản

09/03/2016 14:41 PM |

Khu vực tỉnh Fukushima đang đón nhận ngày một nhiều du khách muốn tìm hiểu rõ hơn về tác động tồi tệ của năng lượng hạt nhân, khác với khẳng định hạt nhân an toàn từ chính phủ Nhật.

Thị trấn Naraha, tỉnh Fukushima, Nhật Bản hơn 4 năm sau thảm họa động đất sóng thần vẫn còn vô cùng hoang vắng.

Thị trấn từng có 8.000 cư dân, sau thảm họa họ đã di tản đi gần hết. Nhưng đến tận gần 5 năm sau đó, mới chỉ 440 người - tức chỉ hơn 1/20 trong số trên, quay trở lại thị trấn để sinh sống. Và chủ yếu trong số đó là những người đã trên 60 tuổi.

Thảm họa kép năm 2011 gây thiệt hại nặng nề cho đất nước mặt trời mọc. Hơn 19 nghìn người Nhật đã chết vì sóng thần. Cho đến tận thời điểm hiện tại, sẽ còn rất lâu nữa các nỗ lực tái thiết đất nước mới có thể được hoàn tất bởi rất nhiều lý do.

Hiện nay, vẫn còn ít nhất 250 nghìn người Nhật sống trong các khu nhà tạm và các chương trình tái định cư cho họ sẽ mất khoảng 8 năm nữa mới có thể hoàn thành.

5 năm sau thảm hoạ kép ở Nhật Bản, chỉ 440 người trong tổng dân số 8.000 người dân thị trấn Naraha quay trở lại quê hương, nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoàn toàn. Ngôi đền 600 năm tuổi ở thị trấn Naraha vẫn còn tồn tại và cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Các chuyên gia dò tìm phóng xạ vẫn tiếp tục công việc của mình.

Những thị trấn từng chịu tác động từ động đất, phóng xạ có thể là nơi buồn thảm và đáng sợ đối với nhiều người dân, nhưng với không ít người Nhật, nơi đây lại là cơ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Thị trấn Namie, tỉnh Fukushima những ngày tháng 7/2015. Chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên khi thấy có một đoàn khách du lịch đang ghé thăm trường tiểu học Ukedo.


Người dân Fukusima vẫn kiên trì biểu tình suốt nhiều năm. Mục đích các tour du lịch này là để giúp mọi người hiểu về tác hại của hạt nhân. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Người dân Fukusima vẫn kiên trì biểu tình suốt nhiều năm. Mục đích các tour du lịch này là để giúp mọi người hiểu về tác hại của hạt nhân. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Họ đang trong tour du lịch kéo dài 4 ngày đến khá nhiều địa điểm bỏ hoang tại tỉnh Fukushima bao gồm: khu vực bờ biển bị ảnh hưởng bởi sóng thần, những căn nhà hoang vắng, những khu đồi gần lò phóng xạ và nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã ngừng hoạt động.

Du khách không khỏi xúc động khi ghé thăm trường cấp 2 của khu vực nay đã vắng lặng tiêu điều. Đồng hồ trong các lớp học đứng ở mốc 3h38 phút chiều, thời khắc mà ngọn sóng hủy diệt tràn đến và cuốn phăng đi tất cả.

Trong khu thể chất, người ta vẫn nhìn thấy những banner tốt nghiệp của năm 2011. Xuyên qua cửa kính, người ta nhìn thấy xa xa là nhà máy điện hạt nhân.

Đáng chú ý, những tour này đang thu hút ngày một nhiều khách du lịch, kể cả người Nhật và người nước ngoài.

Cũng giống như trại tập trung phát xít Đức tại Phần Lan hay khu vực Ground Zero nơi từng xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa Fukushima đã trở thành điểm nóng thu hút hàng nghìn du khách trong những năm gần đây. Các vị khách phương xa muốn tới đây để xem khu vực đã đổi thay như thế nào từ đó đến nay.

Thực ra, trên thế giới cũng không có nhiều nơi mang đặc trưng tương tự ngoại trừ Chernobyl. Ở Fukushima, khách có thể chứng kiến tận mắt xem thảm họa hạt nhân tồi tệ đến như thế nào.


(Ảnh: Ngọc Diệp)

(Ảnh: Ngọc Diệp)

Chuyến tham quan du lịch có lẽ khá đặc biệt bởi hướng dẫn viên chính là những người địa phương đã và đang chịu tác động nặng nề bởi thảm họa hạt nhân. Ngoài ra, khi hướng dẫn khách, họ luôn phải mang theo công cụ đo liều lượng phóng xạ để tránh đưa khách đến những nơi nguy hiểm,

Đối với cô giáo Reiko Onuki, người đã may mắn sống sót sau thảm họa, ký ức kinh hoàng của thảm họa vẫn còn vẹn nguyên trong suy nghĩ của cô. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 6 học sinh thân yêu và 1 đồng nghiệp của Reiko.

Nay Reiko trở thành tình nguyện viên dẫn khách du lịch thăm quan các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần. Cô khao khát muốn giúp mọi người hiểu về sự tồi tệ của năng lượng hạt nhân và cô muốn góp sức mình để ngăn thảm họa.

Nhiều du khách cho biết họ cảm thấy sốc với những gì họ chứng kiến: “Tivi và các phương tiện truyền thông khẳng định quá trình tái thiết đang được diễn ra và cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng từ những gì tôi nhìn thấy, chẳng có gì thay đổi cả.” Nhiều người hối tiếc vì đã không đến đây sớm hơn để có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào phong trào phản đối năng lượng hạt nhân.

Có những người nông dân vẫn tiếp tục duy trì đàn bò trên những khu đồng cỏ nhiễm phóng xạ bất chấp lệnh tiêu hủy của chính phủ. Họ khẳng định họ làm như vậy để thể hiện sự phản đối với công ty điện Tokyo Electric Power, đơn vị chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Thảm họa đã khiến hàng triệu người Nhật tỉnh ngộ về những lời trấn an rằng năng lượng hạt nhân là an toàn mà chính phủ Nhật đưa ra.

Theo ông Philip Stone, nhà nghiên cứu về du lịch tại đại học University of Central Lancashire của Anh, những chuyến du lịch như thế là cần thiết để khiến nhiều người hiểu rõ hơn về hạt nhân và tác động tồi tệ của nó, giúp người ta hiểu được sự thật đằng sau những lời tuyên bố trên mặt báo.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM